Công ty Chang Yih xâm phạm quyền SHTT: Cần mạnh tay xử lý

Cty CP Chang Yil đã xâm phạm nghiêm trọng quyền SHTT hợp pháp của Cty CP United Planel khi giả mạo nhãn hiệu gạch UP, bán trên thị trường gây thiệt hại đến cty UP cũng như NTD.

Việc cty Cổ phần gạch men Chang Yil (25B, KCN Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch, Đồng Nai) xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của cty Cổ phần United Planel (UP) khi cty này vi phạm giả mạo nhãn hiệu gạch United Planels, bán tràn lan trên thị trường gây thiệt hại nghiêm trọng đến cty UP cũng như lợi ích chính đáng của hàng ngàn người tiêu dùng đang được dư luận quan tâm. Hành vi này cần được các cơ quan chức năng sớm điều tra xử lý làm rõ để tăng cường khuôn khổ pháp lý, đồng thời xử lý mạnh hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những năm gần đây, với hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Việc phối hợp triển khai “Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT” giữa các bộ, ngành đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam phối hợp xử lý tốt hơn với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT.

Vì vậy, khi phát hiện được đối tượng vi phạm các lĩnh vực này, đề nghị các cơ quan chức năng nên sớm điều tra làm rõ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cũng như người tiêu dùng.

Quay trở lại vụ việc làm giả, ăn cắp mẫu mã khi sử dụng bản thiết kế cty UP của cty Chang Yih. Từ năm 2013 đến năm 2016, cty UP có ký kết với cty Chang Yih các hợp đồng nguyên tắc và phụ lục hợp đồng, các đơn đặt hàng, chứng từ kèm theo hợp đồng với nội dung cty Chang Yih nhận gia công cho cty UP các sản phẩm gạch mang thương hiệu United Panels.

Cận cảnh hình viên gạch tên MonZa mà Chang Yih làm giả của cty UP.

Các mẫu thiết kế gạch được cty UP chuyển bằng file cho cty Chang Yih để thực hiện việc sản xuất ngay khi đó cty UP đã làm biên bản xác nhận các mẫu thiết kế này là tài sản thuộc quyền sở hữu của cty UP. Cty Chang Yih không được quyền sử dụng hay chỉnh sửa thiết kế của UP để sản xuất cho khách hàng khác như đã cam kết trong hợp đồng.

Thế nhưng, vào khoảng tháng 6/2015, cty UP phát hiện cty Chang Yih đã sản xuất hàng giả mạo thương hiệu của mình để bán cho một số cty xây dựng, công trình trong nước và xuất khẩu.

Vì vậy, vào ngày 12/6/2015, cty UP đã có văn bản yêu cầu cty Chang Yih không được sử dụng sản phẩm nhãn hiệu UP trưng bày, buôn bán ra thị trường. Ngày 3/8/2015, phía Ông Chen Hui Zun – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cty Chang Yih đã ký cam kết với nội dung: “CYC tuyệt đối không sử dụng nguyên mẫu thiết kế, hoa văn hoặc chỉnh sửa mẫu thiết kế, hoa văn của gạch UP để sản xuất gia công hoặc bán cho bất kỳ khách hàng nào khác của CYC (kể cả khách hàng trong và ngoài nước Việt Nam).

Nếu sự việc xảy ra sau ngày 03/8/2015, CYC sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại cho UP với chi phí do UP đưa ra. Ngoài ra, CYC còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vi phạm Quyền sở hữu trí tuệ do luật pháp Việt Nam quy định”.

Từ đầu tháng 6/2016, cty UP phát hiện một số lượng lớn hàng hóa có thiết kế, mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, tên thương mại của mình được bày bán trong 1 số đơn vị nhưng không phải do cty mình phân phối mà do cty Chang Yih trực tiếp bán ra.

Đầu tháng 8/2016 công ty UP đã gửi đơn đề nghị xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của cty Chang Yih, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã phát hiện, và niêm phong toàn bộ số lượng hàng giả nhãn hiệu UP tại một số đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng trong địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Do số lượng tiền hàng quá lớn, Chi cục QLTT đã chuyển hồ sơ qua Công An Đồng Nai (PC46). Tiếp tục, ngày 29/9/2016, QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Trung Huy ở Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang. Tại đây, cơ quan chức năng lại tiếp tục phát hiện cty Chang Yih sản xuất giả mạo gạch mang nhãn hiệu Monza 60-01 thuộc quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp của cty United Panels.

Bao bì sử dụng tên Monza mà cty Chang Yih sử dụng để bán ra thị trường.

Đặc biệt, Cty Chang Yih đã sử dụng mẫu thiết kế Monza của công ty United Panels để sản xuất, hàng hóa được đựng trong bao bì của Chang Yih (Kis), logo sau viên gạch được đổi thành logo của Chang Yih (Kis). Tên sản phẩm Chang Yih sử dụng luôn tên Monza 60-01 của UP. Ngày sản xuất ghi trên bao bì là 30/6/2016.

Kết quả này cho thấy Chang Yih không chỉ sản xuất hàng giả mạo theo hình thức sử dụng bao bì, logo, tên thương hiệu United Panels, tên nhãn hàng (như Monza 60-01) thuộc quyền sở hữu của cty United Panels mà cty Chang Yih còn sử dụng mẫu thiết kế của United Panles để sản xuất hàng giả mạo, đựng trong bao bì của Chang Yih. Điều này đã chứng minh Ông Chen Hui Zun - Chủ tịch HĐQT Chang Yih đã vi phạm cam kết đã ký với CTy United Panels ký ngày 03/8/2015. Cũng như vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp của công ty United Panels.

Đáng lưu ý là phát hiện tại cty Trung Huy, thời gian sản xuất được ghi trên bao bì của thùng gạch giả mạo Monza 60-01 là ngày 30/6/2016. Như vậy, vào ngày 30/6/2016 cty Chang Yih đã sản xuất bao nhiêu m2 gạch giả mạo Monza 60-01? Lượng hàng này hiện nay đang được bán cho những khách hàng nào ngoài cty Trung Huy? Ngoài ngày sản xuất nêu trên, Chang Yih còn sản xuất hàng giả mạo vào những ngày nào khác?.

Có lẽ trên đây chỉ là 2 phát hiện trong số hàng loạt nhưng “phi vụ” làm giả, ăn cắp mẫu mã, quyền sở hữu trí tuệ của cty Chang Yih. Bởi khi vụ việc được dư luận biết đến, một số câu hỏi nữa lại tiếp tục được đặt ra là liệu với 26 mẫu mã gạch mà cty UP đã chuyển file cho phía Chang Yih sản xuất thì việc ăn cắp mẫu mã của Chang Yil có dừng lại chỉ với các mẫu mã đã được phát hiện ở trên? Hay còn rất nhiều mẫu mã khác cũng bị ăn cắp, sử dụng rồi bán với giá rẻ, bán phá giá thị trường như vừa qua? Và liệu những công ty khác đã gia công tại Chang Yih có bị ăn cắp giống như trường hợp của cty UP hay không? Cty Chang Yih sản xuất hàng giả, xuất đi và bán cho các đơn vị, đại lý nào?

Như đã nói, thời gian qua, công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam được triển khai tích cực, góp phần bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn trắng trợn. Trên thị trường, hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả.

Vì mục tiêu lợi nhuận, nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ để giành giật thị trường trở thành hiện tượng phổ biến. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Qua sự việc cty Chang Yih, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm điều tra làm sáng tỏ, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, dân chủ và tuân thủ pháp luật.

Phía đại diện cty UP cho biết, sau khi phát hiện hành vi của cty Chang Yih, phía cty UP đã gửi văn bản đề nghị thu hồi lại toàn bộ các file thiết kế và khuôn mẫu này về nhưng phía Chang Yih cố tình viện đủ lý do để không trả lại, mặc dù cty UP đã 4 lần gửi văn bản. Đến ngày 25/8/2016, cty Chang Yih mới chỉ trả lại khuôn cho cty UP chứ nhất quyết không chịu trả các file thiết kế. Như vậy phải chăng cty Chang Yih đang cố tình chiếm đoạt tài sản của cty UP?.

Nhóm PVPL/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/cong-ty-chang-yih-xam-pham-quyen-shtt-can-manh-tay-xu-ly-p41958.html