Công ty Bỉ chuẩn bị cho mùa Đông thiếu khí đốt - Bài 2: Những lựa chọn thay thế

Nhiều công ty của Bỉ hiện đang tìm cách thay thế khí đốt bằng các loại nhiên liệu khác khi có thể trong khi một số doanh nghiệp nghĩ tới việc di dời nhà máy khỏi châu Âu.

Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 trên đất liền tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 trên đất liền tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay cả khi Bỉ có nguồn cung khí đốt thuận lợi và không có nguy cơ thiếu hụt ngay lập tức, tất cả các công ty sử dụng nhiều khí đốt đang chuẩn bị cho khả năng giảm lượng khí đốt. Peter Claes, Tổng Giám đốc Liên đoàn tiêu dùng năng lượng công nghiệp (Febeliec), cho biết: “Họ đang xem xét các kế hoạch khẩn cấp. Tất cả các lựa chọn trong trường hợp gián đoạn đều được đánh giá”.

Thay thế khí đốt bằng một loại nhiên liệu khác là lựa chọn hàng đầu nhưng triển vọng lại không rõ ràng. Theo ông Peter Claes, 20 năm trước, nhiều cơ sở sử dụng nhiên liệu sinh học, có nghĩa là có thể hoạt động bằng khí đốt hoặc dầu, nhưng ngày nay còn ít cơ sở như vậy. Nguyên nhân do đạo luật Seveso 2 của châu Âu đã thắt chặt các quy tắc lưu trữ các sản phẩm dầu mỏ. Ông nói thêm: “Một số quy trình công nghiệp chắc chắn có thể được điện khí hóa, nhưng điều này đòi hỏi đầu tư và thời gian. Đối với mùa Đông này, điều đó là không thể”.

Ông Juan Andres Murillo, Tổng Giám đốc Công ty khai khoáng Carmeuse Tây Âu khẳng định việc chuyển từ nhiên liệu này sang nhiên liệu khác không được thực hiện trong chớp mắt. Điều này đòi hỏi sự thích nghi trong quy trình công nghiệp.

Tập đoàn khổng lồ về vôi này của Bỉ trong vài năm qua đã đầu tư vào một chương trình linh hoạt cho phép sử dụng than non và sinh khối (chất thải gỗ từ các bãi container) để làm nhiên liệu cho các lò nung của mình. Kể từ cuối năm ngoái và khi giá khí đốt tăng cao, công ty đã tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu thay thế này, nhưng đây còn lâu mới trở thành một giải pháp thần kỳ.

“Với gỗ khai hoang, có những hạn chế kỹ thuật và không thể vượt quá một khối lượng nhất định. Ngoài ra, do gỗ này được đồng hóa thành sinh khối, nhu cầu lớn khiến giá cả tăng và nguồn cung trở nên khan hiếm trên thị trường", ông Juan Andres Murillo giải thích.

Than non cũng là một vấn đề. Than gây ô nhiễm hơn nhiều so với khí đốt và người ta lo ngại rằng Đức - nơi xuất xứ - dự trữ nhiên liệu này cho các công ty của mình. ông Juan Andres Murillo nói thêm: “Chúng tôi đang tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế mà chúng tôi có thể đảm bảo được nguồn cung cấp”.

Thủy tinh tái chế

Tập đoàn thủy tinh AGC cũng dựa vào chất thải cũng như điện năng để thay thế một phần khí đốt. Người phát ngôn Niels Schreuder giải thích: “Chúng tôi đang tiến hành các thử nghiệm để cung cấp năng lượng cho lò đốt bằng sự kết hợp giữa khí đốt và điện. Hiện tại, vẫn còn những hạn chế về mặt kỹ thuật khiến chúng tôi không thể sử dụng giải pháp này trên diện rộng”.

Công ty AGC đã quyết định tăng cường sử dụng thủy tinh tái chế làm nguyên liệu sản xuất thủy tinh, thay cho cát. Biện pháp này giúp giảm nhẹ lượng tiêu thụ khí đốt. Nguyên liệu thô thứ cấp này đắt hơn nguyên liệu nguyên chất, nhưng giá khí đốt hiện tại đã khuyến khích việc sử dụng phương pháp này.

Tác động của hai biện pháp này đối với lượng tiêu thụ khí đốt vẫn nằm trong “biên độ cho phép”. Đây là lý do tại sao công ty cũng dựa vào vận động hành lang. Niels Schreuder cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục Ủy ban châu Âu (EC) và Chính phủ Bỉ đưa công ty của chúng tôi vào danh sách các công ty quan trọng cần được ưu tiên cung cấp khí đốt trong trường hợp phân bổ mức sử dụng khí.

Các cơ sở của chúng tôi hoạt động 24/24 giờ và không thể đối phó với sự sụt giảm nguồn cung cấp khí đốt và có nguy cơ ngừng sản xuất. Ngoài ra, ngành công nghiệp của chúng tôi góp phần hình thành một xã hội ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn kể từ khi chúng tôi sản xuất các sản phẩm cách nhiệt (kính hai lớp, kính ba lớp), kính cho các tấm pin Mặt Trời…”.

Các công ty tiêu thụ năng lượng lớn như các nhà sản xuất xi măng chẳng hạn, cũng đang ở tuyến đầu. Tại công ty Holcim (ở Obourg), công ty cho biết đang sử dụng ngày càng nhiều than non trong các lò nung.

Người phát ngôn Séverine Baudoin giải thích: “Chúng tôi cũng đã giảm lượng nhiên liệu thay thế (chất thải) cần phải được sấy khô thông qua hệ thống lắp đặt khí đốt, nhưng dù chúng tôi làm gì đi nữa thì vẫn phụ thuộc vào khí đốt. Nếu nguồn cung giảm đáng kể, chúng tôi sẽ phải đóng cửa các lò nung và sẽ không còn sản xuất xi măng và hậu quả ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực xây dựng ”.

“Nồi hơi” di động

Mặc dù 32 trong số 45 nhà máy ở châu Âu đang chạy bằng khí đốt, tập đoàn hóa chất Solvay vẫn lạc quan hơn về khả năng đối phó với tình trạng giảm nguồn cung nhiên liệu này.

Giám đốc điều hành Ilham Kadri nói rằng với các kế hoạch đang được thực hiện, bà khẳng định đảm bảo các cơ sở vẫn hoạt động liên tục với mức giảm 30% lượng khí đốt. Đặc biệt, bà đề cập đến thực tế là “một số nhà máy ở châu Âu sẽ sử dụng nồi hơi diesel di động, có thể bổ sung sản xuất hơi nước trên cơ sở tạm thời”.

Các nhà máy khác có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu thay thế, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), than đá hoặc dầu diesel. Nếu việc lựa chọn than có thể mâu thuẫn với các mục tiêu giảm phát thải của Solvay, CEO Ilham Kadri đảm bảo nhiên liệu này sẽ chỉ được sử dụng trên cơ sở "tạm thời để duy trì hoạt động của các nhà máy và khách hàng của Solvay".

Lĩnh vực thực phẩm cũng đang chuẩn bị cho mùa Đông "lạnh" sắp tới. Nhà máy sữa Laiterie des Ardennes ở tỉnh Libramont tiêu thụ lượng năng lượng 250.000 MWh bằng khí đốt mỗi năm để cung cấp cho các cơ sở thanh trùng, tháp sấy sữa bột... Louis Ska, Tổng Giám đốc công ty cho biết: "Trong khuôn khổ của kế hoạch giảm tải, chúng tôi có thể xem xét đóng cửa các cơ sở của mình trong vài giờ buổi tối. Nhưng mỗi khi dừng, chúng tôi phải mất ba giờ để lau chùi. Trong một ngày cần phải làm sạch hai lần."

Theo ông Louis Ska, việc khởi động lại các dây chuyền và làm sạch hai lần này dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng tổng thể cao hơn hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Sữa là nguyên liệu dễ hỏng. Nếu chúng tôi không còn khả năng xử lý, chúng tôi sẽ ngừng thu gom từ các trang trại tương ứng với việc cắt giảm khí đốt mà chúng tôi sẽ phải trải qua. Không có giải pháp nào khác”.

Di dời cơ sở sản xuất

Di dời sản xuất đến các khu vực không bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng cao cũng là một phương án mà các công ty đang nghiên cứu. Do đó, Solvay xác định họ có thể sử dụng các nhà máy bên ngoài châu Âu (châu Mỹ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương), “để bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nào về khối lượng khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) và đảm bảo nguồn cung liên tục”.

Sau khi giá năng lượng tăng, công ty Balta-Victoria ở vùng Tây Flanders của Bỉ đã quyết định tạm thời đóng cửa đơn vị sản xuất sợi dệt tổng hợp ở Bỉ và sử dụng nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế. Với giải pháp này, theo ông Peter Claes, “việc mất khả năng cạnh tranh của các công ty châu Âu là một rủi ro lớn”. Ở Mỹ, giá xăng hầu như không tăng./.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cong-ty-bi-chuan-bi-cho-mua-dong-thieu-khi-dot-bai-2-nhung-lua-chon-thay-the/255979.html