Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ

Sau khi Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo thẩm tra. Cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên cơ quan thẩm tra đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Theo cơ quan thẩm tra, công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, bước đầu vận hành có hiệu quả. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lạm phát còn bộc lộ một số tồn tại như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, báo cáo chỉ ra, còn 404 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, chiếm gần (50%). Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tiến độ chậm.

Trong năm 2023, chỉ tiến hành thoái vốn tại 5 doanh nghiệp, thu về 24 tỷ đồng. Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, tình trạng né tránh, đùn đẩy sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến kém hiệu quả trong hoạt động điều hành ở một số cơ quan, tổ chức.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cong-tac-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-co-ban-chat-che-222821.htm