CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI VỚI ĐOÀN ĐBQH CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TIẾP TỤC ĐI VÀO NỀN NẾP, CÓ CHIỀU SÂU, ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, với tinh thần chủ động 'từ sớm, từ xa', việc phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với các Đoàn ĐBQH trên nhiều lĩnh vực công tác tiếp tục đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực với nhiều kết quả nổi bật.

Chiều 28/3 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chủ động “từ sớm, từ xa”

Chia sẻ về một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình với các nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”, việc phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với các Đoàn ĐBQH trên nhiều lĩnh vực công tác tiếp tục đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực với nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó, về công tác lập pháp, với việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời, thường xuyên cải tiến việc lấy ý kiến bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, tham gia ý kiến vào các dự án Luật tại địa phương, tổng hợp được những ý kiến góp ý thiết thực, có chất lượng, sát thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nói chung và Đoàn ĐBQH nói riêng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ về một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về công tác giám sát, năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã phối hợp, tổng hợp kết quả giám sát và đề xuất nội dung đưa vào Chương trình giám sát với 86 vấn đề thuộc 10 lĩnh vực của 62/63 Đoàn ĐBQH để xây dựng dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để bảo đảm các nội dung trong Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn bám sát thực tiễn, phù hợp và đúng quy định pháp luật; những nội dung được lựa chọn trong giám sát chuyên đề, trong hoạt động chất vấn luôn là những vấn đề “đúng”, “trúng”, những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Đáng chú ý, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi các Đoàn ĐBQH về Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương trong năm để tạo sự chủ động cho các cơ quan chịu sự giám sát triển khai kế hoạch làm việc. Đồng thời, các Đoàn ĐBQH cũng phản hồi thông tin về số lượng, thời gian, địa điểm các Đoàn giám sát tại địa phương đến Tổng Thư ký Quốc hội để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều phối các hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương theo quy định Quy chế số 334/2017/UBTVQH14 về tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, góp phần bảo đảm các hoạt động giám sát thực sự thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Các đại biểu dự phiên họp.

Về các hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động phối hợp với các Đoàn ĐBQH triển khai xin ý kiến các ĐBQH trong Đoàn về dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội; các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kỳ họp Quốc hội, hoạt động chất vấn, Chương trình giám sát, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã phối hợp với các Đoàn ĐBQH chỉ đạo thực hiện hiệu quả, chuyên nghiệp hơn các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội để tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời ý kiến của các ĐBQH, giúp việc tiếp thu, giải trình các dự thảo Nghị quyết cũng như các dự án Luật tại kỳ họp ngày càng tốt hơn.

Trong năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động chỉ đạo tổ chức công tác cung cấp thông tin phục vụ ĐBQH, trong đó đã trả lời 252 câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin của ĐBQH; cung cấp 629 đầu sách, tài liệu tham khảo bao gồm 120 đầu sách, tài liệu loại giấy, với số lượng gần 13.000 bản, 509 tài liệu loại điện tử; tổ chức 1 hội thảo, nghiên cứu và hoàn thành 2 báo cáo, 9 chuyên đề; phát hành 4 số ấn phẩm thông tin tham khảo; tổ chức 4 cuộc khảo sát xã hội học; sưu tầm và biên dịch 20 văn bản luật tham khảo nước ngoài và nhiều ấn phẩm khác.

Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội còn phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của Đoàn ĐBQH thông qua việc cung cấp thông tin, hình ảnh về hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp cho các cơ quan báo chí tại địa phương.

Đặc biệt, vào thời gian cuối mỗi kỳ họp Quốc hội, các Đoàn ĐBQH luôn chủ động, khẩn trương tổ chức để ĐBQH trong Đoàn đánh giá kết quả kỳ họp. Việc thực hiện luôn bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến các Đoàn và kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng kết kỳ họp tại phiên họp gần nhất. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế cũng như phát huy những đổi mới tích cực trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp Quốc hội, qua đó, đưa ra các giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp của Quốc hội.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, cùng với công tác phối hợp triển khai các nội dung liên quan đến các nội dung phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội luôn thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội về công tác bảo đảm các hoạt động của Đoàn ĐBQH theo thẩm quyền. Đó là: phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; duyệt quyết toán ngân sách hoạt động của Đoàn ĐBQH; hướng dẫn cụ thể việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Trong năm 2023, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản hướng dẫn trả lời 9 Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố về công tác sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản, các chế độ liên quan đến công tác tài chính do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

“Với sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, cùng với tinh thần trách nhiệm, tích cực, cầu thị, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình vào trước, trong và sau các kỳ họp Quốc hội, góp phần vào những thành công trong năm qua của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Phối hợp triển khai hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện chương trình kỳ họp của Quốc hội

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội; đồng thời đề nghị các Đoàn ĐBQH quan tâm phối hợp triển khai hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện chương trình kỳ họp của Quốc hội, trong đó cần lưu ý các nội dung về đánh giá kết quả mỗi kỳ họp Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị các Đoàn ĐBQH tăng cường cung cấp thông tin đến cử tri địa phương về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Về công tác phục vụ việc xây dựng Chương trình giám sát năm 2025, tính đến ngày 19/3/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản đề xuất của 57/63 Đoàn ĐBQH với 76 vấn đề thuộc 9 lĩnh vực, do đó, đề nghị các Đoàn ĐBQH tiếp tục quan tâm phối hợp tốt, đề xuất các nội dung phù hợp, đúng quy định để việc xây dựng Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát, bảo đảm tránh trùng lặp các đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đối với địa phương có số Đoàn công tác vượt quy định, đề nghị Đoàn ĐBQH thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội về số lượng Đoàn công tác, nội dung làm việc, thành phần tham gia, thời gian làm việc cụ thể tại địa phương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị, các Đoàn ĐBQH tăng cường cung cấp thông tin đến cử tri địa phương về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như những nội dung kiến nghị đã được giải quyết, trả lời thuộc thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội; đề nghị các Đoàn ĐBQH xây dựng và gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn, đồng thời, gửi qua hệ thống thư điện tử sau khi ban hành để kịp thời tổng hợp, báo cáo. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội để thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các văn bản hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố./.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85744