Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản: Còn nhiều khó khăn

Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn gặp một số khó khăn.

Tỷ lệ phụ nữ quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tăng

Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh là đơn vị quản lý, hỗ trợ cho các đơn vị y tế tuyến dưới của tỉnh về công tác chăm sóc SKSS. Bình quân mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận hàng trăm lượt người dân đến khám và sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS. Hiện nay, trung tâm triển khai nhiều dịch vụ chăm sóc SKSS hiện đại và chuyên sâu, như: Xét nghiệm Double test và Triple test sàng lọc trước sinh để tìm ra nguy cơ mắc các dị tật thai nhi; sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung; xét nghiệm tinh dịch, lọc rửa tinh trùng, bơm tinh trùng vào cổ tử cung… Trung tâm cũng đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại như: Máy siêu âm 4D, hệ thống xét nghiệm... nên thu hút nhiều người dân ở TP. Nha Trang và các huyện, thị xã trong tỉnh đến thăm khám. Chị Lưu Thị Ngọc Hiền (xã Diên An, huyện Diên Khánh, mang thai 6 tuần) chia sẻ: “Trước đây, định kỳ tôi có đi kiểm tra SKSS tại trung tâm. Khi mang thai, tôi vẫn chọn trung tâm để khám và theo dõi thai nhi bởi ở đây bác sĩ nhiệt tình, hệ thống siêu âm và xét nghiệm đầy đủ”.

Thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.

Bác sĩ Trần Thị Quỳnh Uyên - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, người dân đã chủ động trong việc đi khám SKSS định kỳ 6 tháng, 1 năm/lần. Dịch vụ họ chọn chiếm phần nhiều là tầm soát ung thư vú, tử cung, sàng lọc trước sinh...”.

Theo báo cáo của Sở Y tế, những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc trước, trong và sau sinh tăng; tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em, mang thai và phá thai vị thành niên giảm đáng kể so với trước. Riêng 10 tháng năm 2023, các cơ sở y tế thực hiện hơn 153.000 lượt khám phụ khoa, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022; gần 79.000 lượt điều trị phụ khoa, tăng 8%; hơn 54.600 lượt người tầm soát ung thư cổ tử cung bằng nghiệm pháp VIA/VILI, phát hiện 668 ca dương tính, 85 trường hợp nghi ngờ ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ phụ nữ khám thai 4 lần vào 3 thời kỳ thai nghén đạt hơn 94%; tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,8%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế đạt 99,8%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 89%.

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Do thiếu nhân lực bác sĩ chuyên khoa sản, nữ hộ sinh ở các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường dẫn đến hạn chế triển khai dịch vụ chuyên môn tại đây. Nhiều cơ sở y tế trang thiết bị xuống cấp, gây khó khăn cho hoạt động chăm sóc SKSS. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn về cơ chế; việc hiểu biết về SKSS, sức khỏe tình dục của người chưa thành niên và thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; dịch vụ chăm sóc sinh sản nam giới chưa đáp ứng được nhu cầu…

Cán bộ y tế lấy máu sàng lọc trước sinh cho sản phụ tại một trạm y tế ở huyện Khánh Vĩnh.

Tại Diễn đàn trí thức lần thứ 2 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết: “Hiện nay, việc thực hiện tầm soát trước sinh ở trung tâm còn hạn chế, đối tượng thụ hưởng theo quy định hầu như không có; do bảo hiểm y tế không chi trả cho dịch vụ sàng lọc trước sinh nên người có bảo hiểm y tế không chọn dịch vụ. Cùng với đó, trang thiết bị chưa hiện đại cũng gây cản trở trong việc thực hiện chuyên môn, kỹ thuật cao”.

Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian tới, Sở Y tế sẽ quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao sức khỏe của người dân nói chung và nâng cao các chỉ tiêu về chăm sóc SKSS nói riêng. Trong đó, sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền ở các trường học về giáo dục SKSS cho học sinh, sinh viên; tăng cường đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế; quan tâm các nguồn lực y tế cho công tác SKSS, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…”.

Cùng với những giải pháp nêu trên, tại Diễn đàn trí thức lần 2, các đại biểu còn đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS như: Có các chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân bác sĩ; đảm bảo thực hiện chăm sóc sản khoa thiết yếu và chăm sóc sơ sinh ở các trạm y tế miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển khai chăm sóc phát triển trẻ nhỏ, sàng lọc các bệnh tật trước sinh, sơ sinh nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông giáo dục về tầm quan trọng của công tác chăm sóc SKSS ở bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ; SKSS tình dục ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên…

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202312/cong-tac-cham-soc-suc-khoe-sinh-sancon-nhieu-kho-khan-8272b6a/