Công Ninh: Ở góc độ nào đó tôi là nhân vật tiêu cực...

"Tôi đang cố gắng để có gia đình. Tôi muốn có con để mình biết mình làm cho ai, mình làm cho cái gì". 50 tuổi mới nói câu này liệu có muộn với Công Ninh - người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ nhất nhì màn ảnh VN?

(TT&VH Cuối tuần) - Với điện ảnh, gương mặt ấy đã quá quen thuộc, góc cạnh và khắc khổ với những vai diễn cũng khắc khổ và góc cạnh không kém: anh bộ đội nghèo và hành trình Ai xuôi vạn lý cùng hài cốt đồng đội, người cựu binh tàn phế trong Đời cát, gà trống nuôi con trong Mẹ con Đậu Đũa… Với sân khấu, tuy dàn dựng không nhiều, nhưng tác phẩm do anh đạo diễn luôn được đón đợi như một “hiện tượng” của sân khấu TP.HCM, từ Dạ cổ hoài lang, Êlêna thân yêu, Gái giang hồ quốc tế, đến Cõi tình, Những cuộc phiêu lưu của tâm hồn… Với các sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, ông thày Trưởng khoa Diễn viên hóa ra lại là người tới trường và lên lớp còn… chăm chỉ hơn cả học sinh. Bận rộn đến quay cuồng với nhiều loại công việc, nhiều vai trò, ấy vậy nhưng gặp và trò chuyện với Công Ninh lại không khó khăn như gặp các ngôi sao lúc nào cũng bận. Độc thân mà… Nghề đạo diễn sao sống nổi! * Lâu lắm rồi không thấy anh vào vai chính… - Thật ra thì bây giờ tôi không có vai chính được nữa. Vì vai chính hiện nay chỉ dành cho những diễn viên trẻ mà thôi. Bọn tôi bây giờ chỉ đóng được vai ba mẹ tụi nó! Vai thứ chính thôi, mà những vai này thì ít đất diễn lắm. Để có thể tạo được dấu ấn của nhân vật, ngay cả khi đó là vai chính, cũng phải mất rất nhiều công sức thậm chí còn phải “viết” lại nhân vật nữa. Giờ thì điều đó không thể, mình chỉ có thể “canh” những vai nào mình diễn thì cố gắng diễn cho thật tốt. Ngay cả bên sân khấu cũng thế, bây giờ tôi cũng đóng vai thứ, vai ba mẹ thôi! * Anh từng có 5 năm học đạo diễn tại Nga, là một trong số ít những đạo diễn sân khấu được đào tạo chuyên nghiệp tại nước ngoài hiện vẫn còn dư sức làm nghề. Vậy mà khán giả ít dược thấy anh trong vai trò này mà chỉ thấy anh “nhẵn mặt” trên vô tuyến… - Kịch thì tôi có một hai vở ở bên sân khấu 5B. Gần đây tôi ít dựng vở là do không có nhiều thời gian. Tôi đi quay (phim truyền hình) suốt, quay về đuối quá, sức đâu mà dựng? Vả lại, sống không nổi đâu em ơi, sống bằng nghề đó (đạo diễn sân khấu) đuối lắm! Tôi nói ví dụ, nếu muốn dựng vở thường xuyên thì người ra cũng chỉ xếp cho mình diễn tuần một vở, còn phải phân cho đạo diễn khác nữa. Một suất diễn như vậy, đạo diễn được trả cao nhất là năm trăm ngàn, có đoàn chỉ trả cho tôi bốn trăm. Một tháng thu nhập được hai triệu chứ mấy, mà đâu phải tháng nào cũng được đủ hai triệu đâu. Sao mà sống được với nghề này! * Nói như anh thì làm gì còn sân khấu nào sáng đèn nhỉ! Bao đạo diễn sân khấu học ở Việt Nam vẫn sống được với nghề, lại còn sống “đàng hoàng” nữa đấy chứ? - Thật ra là thu nhập như vậy hết, đạo diễn nào cũng vậy. Ai thích thì làm thôi, chứ nếu nói về thu nhập của nghề đạo diễn sân khấu thì như vậy là quá ít, tôi không thể chuyên tâm là đạo diễn để sống được. * Chứ không phải vì anh học bên Nga về nên làm kịch “bác học” quá, xa lạ với cái gu của khán giả TP.HCM chứ? - Không có đâu, vở tôi dựng ăn khách lắm đó! Vở Ra giêng anh cưới em là vô địch về khách luôn. Hay như Dạ cổ hoài lang, đây là vở kịch mà tôi thích và nó cũng đoạt được nhiều giải thưởng. Vừa rồi tham gia Liên hoan Sân khấu Xã hội hóa, Dạ cổ hoài lang cũng đoạt giải vàng. Nó ăn khách nhất trong tất cả các vở diễn, mà sân khấu xã hội hóa là dựa vào khán giả. * Giờ thu nhập chính của anh dựa vào nguồn nào? - Là bên phim, sống nổi là nhờ bên phim chứ lương bổng ở trường (Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) cũng thấp lắm, không sống nổi đâu, hai ba triệu một tháng thôi! * Vậy sao anh không bỏ trường ra ngoài chạy show kiếm tiền cho sướng… - Thôi không được. Tôi đâu biết công việc bên ngoài của tôi như thế nào, vài năm nữa nó không dùng đến tôi nữa thì tôi thất nghiệp. * Anh làm tôi ngạc nhiên đấy, nghe không có vẻ “yêng hùng” như những nhân vật của Công Ninh! - Thôi kệ, miễn sao tôi thấy an toàn là được rồi (cười) Nếu tôi đẹp… * Một ngày của Công Ninh diễn ra như thế nào, thưa anh? - Bữa nào có giờ lên lớp thì lên lớp, hay có quay phim thì đi quay. Bữa nào không có giờ lên lớp hoặc phim chưa quay thì tôi ở nhà. * Thế mà tôi lại nghe ai đó ác mồm bảo Công Ninh nhậu kinh lắm! Chiều về là làm bạn với cả vại bia! - Nhậu hả? Không, tôi không thích nhậu, tôi thích uống cà phê thôi! Thường thường là sau suất diễn là tôi ra ngồi quán bia uống một hai chai rồi đi về với mấy đứa bạn. Tại diễn xong mấy anh em kéo nhau tập trung đến quán bia để giảm stress chứ không có gì hết! Sau suất diễn mệt lắm. * Còn với phụ nữ thì sao? Giới nghệ sĩ như anh nổi tiếng là đào hoa mà anh lại luôn cho người đối diện cảm giác ngược lại… - Nói về đào hoa thì chắc có nhiều người hơn tôi. Còn tôi, bạn thân là chính thôi! Tất nhiên người thích mình thì có, nhưng tôi không muốn lăng nhăng tùm lum, mệt lắm! Tại tôi đâu có đẹp! Phải công nhận điều đó! Tôi không dám lừa dối bản thân (cười lớn). Nếu đẹp thì lúc đó chắc ghê lắm à! Chắc là cũng tung tẩy dữ lắm! * Tôi nghe dồn trong giới nghệ sĩ, đạo diễn luôn là “vua”, họ thích ai thì giao vai, không thích thì còn lâu mới lọt được vào mắt họ. Vì vậy, không ít diễn viên, nhất là những người mới vào nghề, thường nhận được những lời đề nghị khiếm nhã từ một số đạo diễn, nếu không là vật chất thì là chuyện tình cảm… - Tôi nghĩ là có chứ không phải không đâu! Nhưng dạng đạo diễn như vậy không nhiều đâu. Đa phần các đạo diễn làm vì nghề, làm vì cuộc sống của chính bản thân họ. Còn dạng đạo diễn “chim chuột” đó không có nhiều, nếu nó cá biệt quá thì thôi mình không bàn tới. * Thực tế là nhiều người chúng ta vẫn né tránh nói đến những hiện tượng “không nhiều” này, nên có vẻ vì thế mà nó được dung túng, được có cơ phát triển. Chẳng đâu xa, một nam diễn viên từng là học trò của anh từng cho biết là cậu ấy “hận” nghề này vì đã từng phải từ chối hai vai chính vì ông đạo diễn cứ gần xa đòi hỏi … - Tôi nghĩ vấn đề đó thì đáng phê phán. Nhưng thực tế cũng có những trường hợp hai bên đến với nhau do tự nguyện. Mà diễn viên thường hay thần tượng đạo diễn lắm! Tôi nói nghiêm túc đấy chứ, đạo diễn trong mắt của diễn viên giống như một người thầy, một người anh cả rồi! Còn ép đến độ nếu không “cho” thì cũng cũng không giao vai cho anh thì bó tay rồi! Ở góc độ nào đó, đấy còn là vấn đề đạo đức. Nói thật, diễn viên họ cũng khổ lắm. Họ khổ trăm bề đó chứ! Thôi thì mình thấy ai xứng đáng thì mình cũng nên giúp họ. Mà những người diễn viên đi làm chuyện đó để được có vai thì họ cũng không tồn tại lâu bền trong nghể được đâu bởi vì khả năng của họ có hạn họ mới chấp nhận đánh đổi như vậy. * Anh có bao giờ gặp trường hợp “tự nguyện” đó chưa? - Vì tôi làm bên đạo diễn sân khấu nên chuyện họ tự nguyện đến với tôi rất là khó. Tôi không dám phiêu lưu * Ngần này tuổi, U50 đến nơi vẫn chưa thấy anh mơ gì về ngôi nhà và những đứa trẻ ? - Cũng không biết nữa, tùy theo số phận thôi! Một phần cũng do lỗi của mình chưa nghiêm túc. Khi mình muốn thì chưa được còn khi mình không muốn thì nó lại đến. Tốt nhất không nên trách ai hết, nên tự trách mình. Thật ra thì bây giờ giữa cái muốn và không muốn cũng lấp lửng. Tôi cũng không biết mình có đủ sức lo cho gia đình của tôi không nữa! * Anh có nghiêm trọng quá tình cảnh không vậy? Một diễn viên, một đạo diễn, một giảng viên có cả tiếng lẫn nghề như anh mà không dám lấy vợ chỉ vì sợ lo không nổi? - Đúng rồi, bấp bênh lắm! Nó theo thời vụ. Có lúc thì quá chừng việc, có lúc thì nằm ở nhà chơi vậy. Chưa có gì ổn định cả. Công việc diễn viên thường rất bất ổn. Thật ra thì ngành giải trí của nước mình cũng chỉ mới manh nha. Giải trí chưa đi vào chuyên nghiệp, một khi chưa đi vào sự chuyên nghiệp thì những người làm việc trong đó chỉ có tính thời vụ mà thôi ! Lúc “nó” thịnh thì anh em nhờ, lúc “nó” xuống thì anh em thua. Mà cái thịnh và cái suy của ngành giải trí vô chừng lắm. Rõ ràng, bây giờ phim truyền hình đang mạnh, anh em có thể sống nhờ vào đó, nhưng biết đâu mười năm nữa tình hình thay đổi, nước ngoài ào vô, lúc đó những người làm công tác đạo diễn hay sản xuất lại không có việc thì sao… * Nói như anh thì dân làm nghệ thuật ai cũng chịu cảnh “chăn đơn gối chiếc” như Công Ninh hết? - Tất nhiên không phải vậy, nhưng tính tôi cầu toàn. Vì vậy khi đảm nhận một công việc gì đó tôi muốn phải làm hết trách nhiệm của mình, tôi rất sợ bị tai tiếng, mà tai tiếng với ai chứ với vợ mình thì thật buồn cười. * Hay anh chỉ quen “chơi” chứ chưa quen “trách nhiệm”? - Tới tuổi này thì thôi, tôi nghĩ dừng bước giang hồ là được rồi. Lăng nhăng bây giờ mệt mỏi lắm! Tuổi này mà lăng nhăng gì nữa! Thật ra từ xưa tính tôi đã không phải người lăng nhăng. Bạn tôi nhiều lắm, người nào mình quí thì mình đến với họ, tôi có nhiều bạn gái lắm. Lúc còn trẻ tôi có nhiều người yêu lắm đó chứ. Lúc trẻ thích chinh phục, còn bây giờ thì không. Người nào đến được với mình thì đến, đến không được thì thôi. Nhưng tôi có nhắm một vài chỗ rồi, nhưng phải từ từ… * Ối! Lắm mối tối lại nằm không hết đời cho mà xem… - Không đâu, có chỗ thì quan trọng, có chỗ thì chưa quan trọng. Nếu không khéo có thể là tôi sẽ sống độc thân luôn đấy chứ. Nhưng tôi đang cố gắng để có được một gia đình. Tôi muốn có con để mình biết mình làm cho ai, mình làm cho cái gì... * Là nghệ sĩ mà nhìn lại tôi thấy cuộc sống của anh cái gì cũng lửng lơ, nhạt nhẽo quá, chẳng có gì là đam mê, là quyết liệt cả, thưa anh? - Ừ! Cuộc sống của tôi nhạt nhẽo lắm. Cũng may tôi không là công chức tối xách ô đi tối vác về, làm công chức còn bi kịch nữa. Do mình thôi, do mình không thích phiêu lưu thì sao bây giờ! Khi tôi muốn cuộc sống sóng gió hay có những dấu ấn, tôi phải phiêu lưu, nhưng tôi thì thích cầu toàn nên phải chấp nhận thôi. * Tôi không nghĩ một diễn viên để lại dấu ấn bằng những vai gai góc mà ngoài đời lại có lối sống bằng phẳng, chấp nhận như vậy! - Ở một góc độ nào đó thì tôi là một nhân vật tiêu cực! Tôi không dám phiêu lưu, có phiêu lưu chẳng qua là phiêu lưu trong vở kịch của mình thôi. Cuộc sống của tôi bây giờ chưa có gì ổn định hết, mọi bất trắc đều có thể xảy đến. Nếu gọi là bi quan thì cũng chưa đúng, mà không bi quan thì cũng không đúng. Tôi cứ sống lấp lửng, con người tôi kỳ cục vậy chứ! Hiện tôi đang trong trạng thái chơi vơi. Có những lúc tôi muốn buông xuôi cho cuộc đời tới đâu thì tới nhưng có những lúc tôi muốn vạch ra cho mình một kế hoạch để đạt được. Khi bản thân tôi định vạch ra một kế hoạch để đạt tới thì tôi lại hỏi là để làm gì, để cho ai, tôi lại thấy nó vô nghĩa. Thôi kệ! Tại sao mình phải dằn vặt mình cho khổ, đời người chỉ có mấy chục năm mà mình làm khổ mình làm chi. Thôi thì cứ để cuộc đời nó đưa đẩy, thế là trở lại vị trí cũ. Tôi cứ lấp lửng ở chỗ đó. Chứ dự định tôi có nhiều dự định lắm… * Sống thế anh có thấy cô đơn? - Cô đơn thì không, tôi cảm thấy buồn thôi! Tôi rơi vào tâm trạng muốn thì nhiều mà đạt được không bao nhiêu. Mà cũng do mình thôi, mình không cố gắng đạt tới điều đó mà. Nhiều khi tôi ngồi ngẩn ngơ và thấy ôi cuộc đời sao nhạt nhẽo như vậy không biết nữa. Cuộc đời nó nhạt nhẽo với tôi quá! Tôi nói cuộc đời tôi đó! Nhưng rồi nghĩ lại. Ủa! Nhạt nhẽo là do mình chứ do ai đâu, tôi muốn cho nó có sóng gió hay một dấu ấn gì đó thì tôi phải làm. Tôi không làm thì nó nhạt nhẽo. Thôi! Bây giờ tôi tìm niềm vui ở vai diễn. Tôi tìm niềm vui với nhân vật của tôi. * Chỉ thế thôi sao… - Ừ thì… Dạy học sinh thì niềm vui của mình là sau khi ra trường đứa này thành đạt, đứa kia thành đạt mình thấy mình vui vậy thôi.

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20090726042927964t133/cong-ninh-o-goc-do-nao-do-toi-la-nhan-vat-tieu-cuc.htm