Công nhân mong sớm tăng lương

Doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài còn người lao động dù thắt chặt chi tiêu thì tiền lương vẫn không bảo đảm các nhu cầu tối thiểu

Hai năm qua đi, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM vẫn chưa thể phục hồi sản xuất, thậm chí phải thu hẹp hoạt động. Đơn hàng ít, ngày công giảm dần khiến thu nhập của đại bộ phận người lao động (NLĐ) đã ít lại càng teo tóp, chỉ xấp xỉ lương tối thiểu (LTT) vùng.

Giật gấu vá vai

Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Hồ Thị Út Tuyển, công nhân (CN) Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Tân Vĩnh Tiến, tại một khu nhà trọ trên Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM). Chị Tuyển cùng chồng đang nhặt rau để chuẩn bị cho cơm chiều nhưng cứ ít phút lại ngó vào màn hình điện thoại chờ thông báo tình hình việc làm từ công ty.

Chị Tuyển cho biết mấy năm nay công ty thường khan hiếm đơn hàng, vì vậy mỗi tuần CN chỉ làm 3-4 ngày. Hôm nào có việc thì chị được trả công 250.000 đồng, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tình trạng này đã kéo dài khiến chị và đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó không ít người đã xin nghỉ để tìm việc ở nơi khác.

Riêng chị Tuyển vẫn cố gắng bám trụ, bởi vợ chồng chị có một đứa con trai mắc bệnh tự kỷ, phải thay nhau ở nhà săn sóc, rất khó tìm việc mới. Chồng chị Tuyển là thợ hồ, thu nhập cũng bấp bênh nên cuộc sống của gia đình mấy năm qua cứ lay lắt. Những gì tốt nhất anh chị dành hết cho cậu con trai, còn bản thân không dám sắm sửa gì. "Làm việc bao nhiêu năm nhưng vẫn phải giật gấu vá vai. Sinh hoạt phí tại TP HCM ngày càng đắt đỏ, nếu tình hình này kéo dài thì có lẽ vợ chồng tôi phải về quê" - chị Tuyển thở dài.

Chị Hồ Thị Út Tuyển, CN Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Tân Vĩnh Tiến, chăm sóc cậu con trai mắc bệnh tự kỷ Ảnh: HUỲNH NHƯ

Từ năm 2021 đến nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhựa Chợ Lớn (quận 8) cũng liên tục gặp khó về đơn hàng, buộc phải giảm giờ làm. Cuộc sống của hàng trăm CN bị ảnh hưởng, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Lanh (48 tuổi). Mẹ con bà Lanh làm cùng công ty. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, không dư dả nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống.

Khi dịch bùng phát, công ty phải đóng cửa nhiều tháng, sau đó là tình trạng khan hiếm đơn hàng kéo dài. Do chỉ làm 3-4 ngày/tuần nên thu nhập của CN giảm đi phân nửa (hơn 4 triệu đồng/tháng), thấp hơn cả LTT vùng khiến cuộc sống gia đình bà đảo lộn. Để tiết kiệm chi tiêu, mẹ con bà quyết định dọn vào phòng trọ nhỏ hơn. Cả 4 người lớn và 2 trẻ em chen chúc trong căn phòng trọ cũ chưa tới 10 m2.

Không có tích lũy

Thu nhập không tăng mà còn có xu hướng giảm do giãn ca, giảm giờ làm nên số đông NLĐ bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ sớm điều chỉnh LTT vùng bởi đợt điều chỉnh gần nhất đã cách đây hơn một năm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, CN Công ty TNHH Nhựa Đức Đạt (KCN Tân Tạo), cho biết điều chị rất mong chờ là LTT vùng được điều chỉnh. Chị Thúy có hơn 20 năm làm việc tại công ty nhưng thu nhập chỉ ở mức 6-7 triệu đồng/tháng (kể cả tăng ca). Hiện công ty đang giảm giờ làm (chỉ làm từ thứ hai đến thứ sáu), thứ bảy nghỉ được tính vào phép năm.

Tuy nhiên, nếu hết phép năm và đơn hàng chưa khôi phục thì thu nhập NLĐ sẽ giảm sâu. "Lương không tăng mà ngược lại còn teo tóp khiến CN khó trăm bề. Trong khi đó, con gái lớn của tôi vừa vào đại học, gánh nặng học phí rất lớn, con trai út thì đang nhờ ông bà chăm sóc. Chỉ hy vọng LTT vùng sớm được điều chỉnh để đời sống CN được cải thiện" - chị Thúy nói.

Chị Trần Thị Hiền, CN một DN ở KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), cũng cho biết mức LTT hiện nay đã không theo kịp mức sống tại thành phố lớn như TP HCM. Ở công ty chị, do DN giảm sản lượng nên CN thường xuyên nghỉ chờ việc hoặc chỉ làm nửa ca rồi về, thu nhập chỉ ngang với LTT vùng. Chồng chị Hiền là tài xế chở hàng cho một công ty gần đó cũng đang bị giảm thu nhập trong khi con gái đang thất nghiệp.

"Việc ít nên thu nhập giảm sút trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tôi chỉ mong có việc làm ổn định và mức lương đủ sống" - chị Hiền bày tỏ.

Sau khi mất việc tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân), chị Nguyễn Thị Thủy tìm được công việc mới tại một cơ sở cán keo. Công việc nặng nhọc, độc hại trong khi lương thấp (chưa tới 5 triệu đồng/tháng) khiến chị sống trầy trật. Ngoài chăm sóc 2 con nhỏ, vợ chồng chị còn phụng dưỡng cha mẹ già ở quê. Mỗi tháng, sau khi đã trừ tiền trọ, điện, nước và tiền gửi về quê cho cha mẹ, họ gần như không có dư. "Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ rút BHXH một lần nhưng với tình trạng khó khăn hiện tại, tôi không còn sự lựa chọn nào khác" - chị Thủy chia sẻ.

Bà NGUYỄN THỊ PHÁT, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nikkiso Việt Nam (KCX Tân Thuận):

Chậm điều chỉnh LTT vùng, NLĐ thiệt thòi

LTT vùng hiện nay vẫn chưa theo kịp mức sống tối thiểu và việc chậm điều chỉnh sẽ tác động lớn đến NLĐ, không chỉ cuộc sống hiện tại mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi về lâu về dài của họ. Ví dụ như chế độ thai sản, BHTN, hưu trí... bởi hiện tại, rất nhiều DN chỉ đóng BHXH cho NLĐ trên LTT vùng. DN khó khăn nhưng thiệt thòi nhất vẫn là NLĐ. Tôi mong Chính phủ sớm điều chỉnh LTT vùng để giúp NLĐ ổn định cuộc sống.

THANH NGA - HUỲNH NHƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-mong-som-tang-luong-20231107203052827.htm