Công nhân bảo dưỡng cầu Long Biên dưới trời nắng như đổ lửa

Dưới cái nắng gay gắt gần 40 độ C, những người công nhân đường sắt vẫn cần mẫn, thực hiện cẩn thận từng bước bảo dưỡng cây cầu trăm năm tuổi.

Cầu Long Biên (cây cầu nối giữa quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên, Hà Nội) được ví von là chứng nhân lịch sử giờ đây cũng đã hơn 120 năm tuổi.

Để cây cầu luôn ở trạng thái tốt nhất, những công nhân đường sắt vẫn đang ngày đêm kiểm tra, tu sửa cho công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô, bất chấp cái nắng gay gắt cùng mức nhiệt cao kỷ lục những ngày gần đây.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống trong sáng 2/6, các công nhân thuộc Công ty Đường sắt Hà Hải đang gấp rút thực hiện các công tác bảo dưỡng đường ray tàu hỏa. Trong đó việc kiểm tra, đánh giá tình trạng các hạng mục và thực hiện song song các biện pháp chống xuống cấp, đảm bảo an toàn được ưu tiên hàng đầu.

Hình ảnh công nhân thực hiện bảo dưỡng cầu Long Biên dưới trời nắng như đổ lửa:

Công việc bảo dưỡng cầu Long Biên diễn ra từ 6 giờ sáng, ngay khi mặt trời mới ló rạng, các công nhân đường sắt đã có mặt trên cầu.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, công việc trong sáng 2/6 là cạo rỉ, đánh sạch lớp sơn cũ, các rỉ sét, sơn chống rỉ rồi mới sơn phủ.

Từng chi tiết trên đường ray phải được kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng.

7h sáng, thời tiết trở nên oi nóng hơn, công việc bảo dưỡng cũng vì thế mà vất vả hơn.

Một công nhân như đang treo người giữa các thanh sắt của cầu.

Tại các vị trí sơn có lắp các tấm lưới để phòng hộ đảm bảo an toàn cho công nhân

Mỗi nhóm công nhân sẽ được giao khoán phụ trách một đoạn trên cây cầu dài hơn 2km.

Sau quá trình đánh giá, vị trí các tấm kim loại của cầu phía quận Hoàn Kiếm cần phải cố định lại nên các công nhân đã tháo toàn bộ.

Những tấm kim loại rất nặng, nhân lực lại có hạn, mỗi người 1 việc nên các công nhân đôi khi phải thực hiện công việc 1 mình dù khá nặng nhọc.

Để giữ sức, mỗi người thay nhau di chuyển từng tấm kim loại, quần áo ai cũng đã ướt đẫm mồ hôi.

Đến khoảng 8 giờ sáng, những tia nắng chói chang và gay gắt hơn, kết hợp với việc các bộ phận trên cầu được làm bằng kim loại nên hấp thu và tỏa nhiệt khiến cầu Long Biên không khác gì chảo lửa.

Công việc kéo dài đến trưa, làm liên tục 3,4 tiếng cho kịp tiến độ nên ai cũng khá mệt.

Trải qua hàng trăm năm sử dụng, nếu không được bảo dưỡng thường xuyên thì cầu sẽ càng nhanh bị hư hỏng, xuống cấp hơn.

Để đảm bảo đúng quy trình, công nhân thực hiện sơn phủ phải sơn kín các chi tiết dù là nhỏ nhất, bao gồm bản thép và cả các mối nối, ốc, bu lông.

Bên cạnh những người công nhân đường sắt còn có nhân viên tuần cầu, những người này sẽ phải đi quãng đường từ giữa cầu đến hết cầu và ngược lại, mỗi lượt đi dọc một bên đường sắt để kiểm tra, đánh giá tổng thể tình trạng cầu.

Công việc bảo dưỡng cầu diễn ra thường xuyên, liên tục. Tùy vào khối lượng công việc mà công nhân có thể bắt đầu làm từ 5 giờ sáng và kết thúc vào giữa trưa.

Cây cầu hơn 120 năm tuổi đang ngày đêm được bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp để phục vụ người dân luôn ở mức tốt và an toàn nhất.

Cầu Long Biên Hà Nội được khởi công xây dựng vào ngày 12/9/1898. Sau hơn 3 năm vào ngày 3/2/1902, cầu hoàn tất quá trình xây dựng và lễ khánh thành diễn ra vào ngày 28/2/1902. Cây cầu hơn 120 năm tuổi này bắc qua hai bờ sông Hồng, kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và quận Long Biên, Hà Nội.

Với chiều dài 2290 mét qua sông và 896 mét cầu dẫn, bao gồm 19 nhịp dầm thép và 20 trụ cao. Vào thời điểm khánh thành, cầu được ví von là tháp Eiffel nằm ngang khi là cầu dài thứ hai thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn ở Mỹ. Cầu Long Biên rộng 4,75 mét, chia thành 3 làn đường chính, ở giữa là đường sắt đơn, hai bên là làn đường dành cho xe ô tô, xe máy, xe đạp và luồng đi bộ ở phía ngoài cùng.

Về kiến trúc, cầu ghi dấu ấn đặc biệt khi sở hữu thiết kế hài hòa trên kết cấu xếp tầng chặt chẽ tựa như dáng rồng uốn lượn, vừa mạnh mẽ, hiên ngang lại vô cùng mềm mại. Ngày nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng như: cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân. Nhưng cầu Long Biên vẫn là biểu tượng không thể thay thế của Thủ đô, bởi kiến trúc cổ kính cùng những giá trị lịch sử lưu giữ qua hơn 120 năm.

Mùa Thi, Sĩ Tử Cần Làm Gì Để “Học Đâu, Nhớ Đó”?

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cong-nhan-thuc-hien-bao-duong-cau-long-bien-duoi-troi-nang-nhu-do-lua-169230601211902585.htm