Công nghiệp Việt Trì phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Việt Trì là vùng đất được các Vua Hùng chọn làm kinh đô nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và còn được biết đến là nơi xây dựng khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của miền Bắc. Sau chặng đường phát triển, từ nền tảng công nghiệp, thành phố Việt Trì đã phát triển năng động, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao.

Công ty CP Giày Vĩnh Phú, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì chuyên sản xuất giày thể thao phục vụ xuất khẩu.

Ngược dòng lịch sử, những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Việt Trì được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm điểm xây dựng KCN. Đây là dấu mốc quan trọng để tạo tiền đề cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước, góp phần thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển. Trong khi công trường xây dựng KCN Việt Trì đang khẩn trương thi công, ngày 13/4/1959, một vinh dự lớn đến với cán bộ, công nhân viên công trường nói riêng và nhân dân Phú Thọ nói chung là được đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Người đã căn dặn: “Đây là KCN đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một KCN to lớn, làm cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả đất nước. Vinh dự này là thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ”. Những lời căn dặn của Bác là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công nhân đang xây dựng KCN nói riêng và của nhân dân tỉnh Phú Thọ nói chung.

Thực hiện kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất 1961-1965, từ năm 1962, hàng loạt cơ sở sản xuất mới được xây dựng và đi vào hoạt động, trong đó có những cơ sở được trang bị khá tốt và trở thành đơn vị đầu đàn của công nghiệp địa phương. Công nghiệp Trung ương trên địa bàn, nhiều nhà máy hoàn thành vượt mức kế hoạch, những cái tên đã đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của công nghiệp tỉnh nhà thời kỳ này như: Giấy Việt Trì, Đường Việt Trì, Điện, Mì chính, Hóa chất Việt Trì...

Ghi nhớ lời dạy của Người, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh Phú Thọ nói chung, TP Việt Trì nói riêng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, với sự tin tưởng, đặt nền móng phát triển công nghiệp ngay từ sớm của Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ. Các doanh nghiệp, nhà máy vẫn luôn nỗ lực, không ngừng đầu tư, nâng cấp, thay thế dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động.

Nhà máy Giấy Việt Trì là tiền thân của Công ty CP Giấy Việt Trì ngày nay được khởi công xây dựng tháng 12 năm 1958, đi vào hoạt động ngày 19/5/1961. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Giấy Việt Trì đã khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành giấy Việt Nam trong sản xuất giấy bao bì cao cấp. Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Công ty vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, sản xuất được gần 135.000 tấn sản phẩm, đạt 112% kế hoạch; doanh thu 1.990 tỉ đồng, đảm bảo việc làm cho trên 450 lao động.

Ông Đặng Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Việt Trì cho biết: Công ty CP Giấy Việt Trì luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, TP Việt Trì, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội, quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nộp ngân sách hàng năm.

Công nghiệp trên địa bàn thành phố chú trọng phân bố không gian, phù hợp với quy hoạch, phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng bền vững. Trên địa bàn hiện có trên 450 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 80% số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho trên 40.000 lao động. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: Mì chính, bia các loại, vải thành phẩm, sản phẩm may mặc, giấy bìa, hóa chất các loại, gạch ceramic... Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, sản phẩm cơ khí chính xác. KCN Thụy Vân và Cụm công nghiệp Bạch Hạc thu hút các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, tạo việc làm cho nhiều lao động. Trong đó, KCN Thụy Vân với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê trên 240ha, tỉ lệ lấp đầy 95%, thu hút trên 80 dự án đầu tư.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa; phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thu hút đầu tư theo định hướng tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/cong-nghiep-viet-tri-phat-trien-ben-vung-gan-voi-bao-ve-moi-truong/184665.htm