Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Còn quá mới!

Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài có mặt tại Hội thảo "Công nghiệp văn hóa: Vai trò đối với nền kinh tế và khung chính sách phù hợp phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam" do ĐSQ Đan Mạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Trông người mà ngẫm đến ta Ngành công nghiệp văn hóa đã có một vị trí đáng kể trong cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia và được coi là một trong những mũi nhọn chủ yếu trong phát triển kinh tế. Ở Anh, ngành này tạo ra thu nhập hơn 112 tỷ bảng/năm, chiếm 5% GDP. Chỉ riêng năm 2007, công nghiệp văn hóa đóng góp 46 tỉ USD vào GDP và thu hút 600.000 lao động ở Canada. Ở Nhật Bản, chỉ riêng tổng doanh thu từ việc “xào nấu” lại bộ truyện tranh Doremon bằng nhiều hình thức đã lên đến 2 tỉ USD. Các chuyên gia có mặt tại Hội thảo đều cho rằng khái niệm "công nghiệp văn hóa" vẫn còn quá mới mẻ với Việt Nam. Tất cả đều mới manh nha, và chưa có con số thống kê cụ thể nào chứ đừng nói đến doanh thu hay lợi nhuận. Thậm chí một phần của công nghiệp văn hóa là các hoạt động văn hóa và thể thao còn đang trong tình trạng thụt lùi, từ 0,55% (năm 1995) xuống 0,44% (năm 2008) trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước. Thiếu và yếu PGS.TS Lương Hồng Quang - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhận định Việt Nam mới chỉ có một số ngành công nghiệp văn hóa ra đời vào những năm cuối của thế kỷ 20 (xuất bản, báo chí, truyền hình…) mà chưa có các ngành mang hàm lượng tri thức và khả năng quản trị cao (thời trang, kỹ thuật số, phần mềm, tổ chức sự kiện…), vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội vì thế mà bị hạn chế. Việt Nam cũng chưa có những doanh nghiệp hội tụ đủ các yếu tố: tính sáng tạo, khả năng quản trị và năng lực phát triển thị trường để biến các ý tưởng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; thiếu hụt các nền tảng kinh tế xã hội cần thiết cho sự phát triển cũng như đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao về ngành công nghiệp văn hóa. Nền kinh tế thị trường của Việt Nam cũng chưa đầy đủ nên việc vận dụng các yếu tố và công cụ thị trường vào việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ còn khó khăn. Là cố vấn nghệ thuật cho Công ty BHD và hãng phim Việt, nhà văn Ngô Thảo cũng chia sẻ những băn khoăn về đội ngũ làm văn hóa - nghệ thuật: "Cho đến nay, cả nước chỉ có chưa đến 10 đạo diễn làm phim có khán giả. Đào tạo nhân lực có trình độ cao, tác giả, đạo diễn, kỹ thuật viên giỏi... chỉ có thể trông vào Nhà nước. Nhưng trong dự án đào tạo hai vạn tiến sỹ, không biết có mấy người của văn hóa nghệ thuật?" Cần đổi mới quan niệm Phần lớn các nhà nghiên cứu và chuyên gia đều xác định: Muốn xây dựng công nghiệp văn hóa trước hết phải đổi mới quan niệm về lĩnh vực mới mẻ này. Đó là một ngành công nghiệp, vì thế nó cần một hệ thống chính sách phù hợp. Trình độ quản lý hành chính về văn hóa trực tiếp tác động vào công nghiệp văn hóa. Quản lý văn hóa đòi hỏi phải có hành lang pháp lý thuận lợi cho sản xuất và tiêu dùng sản phẩm văn hóa, cả những biện pháp kinh tế, pháp luật, hành chính, giáo dục, truyền thông... Theo ông Jen Nielsen, chuyên gia văn hóa Đan Mạch, Việt Nam có thể tham khảo mô hình Kinh tế trải nghiệm của Đan Mạch để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Trong đó, cần thiết lập trung tâm chuyên triển khai các dự án để củng cố giao thoa và trao đổi giữa các ngành công nghiệp sáng tạo, hợp tác khu vực giữa các tổ chức, công ty, thu thập tri thức và dữ liệu trong ngoài nước. Bà Almuth Meyer Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe lại khuyến nghị Việt Nam cần có những đánh giá về tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa, ở đó xác định được nhu cầu thị trường, người tiêu dùng và chính sách nhà nước, từ đó xác định được loại hình mũi nhọn ưu tiên cho ngành công nghiệp này. Công nghiệp văn hóa là gì? Theo UNESCO, thuật ngữ "Công nghiệp văn hóa" được áp dụng cho "các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng sản phẩm hay dịch vụ" Về bản chất, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp, vận hành theo nguyên tắc sản xuất công nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến việc sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp văn hóa sản xuất và kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ văn hóa dưới rất nhiều kiểu dạng khác nhau, song đều mang đặc tính rất khác với các hàng hóa thông thường khác. Giang Ly

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2010/5/517670ED12DBBF05/