Công nghiệp ôtô Australia cũng chết vì xe giá rẻ

Ngành công nghiệp sản xuất ôtô Australia hình thành khá sớm, nhưng phải chịu cảnh sụp đổ do các chính sách mở cửa cho xe nhập khẩu.

Trước đây, Toyota, Ford, Nissan và Mitsubishi đều từng có nhà máy tại Australia. Tuy nhiên, tất cả đều đã rời đi. Công nghiệp xe hơi tại Australia vì thế đã 'hấp hối' trong những năm trở lại đây.

Đến 20/10, ngành sản xuất ôtô chính thức bị khai tử với việc đóng cửa nhà máy của hãng xe Holden, một thương hiệu xe bình dân cho General Motors gây dựng và từng rất được ưu chuộng.

Theo giới chuyên gia, cái chết của công nghiệp ôtô Australia là điều đã được báo trước. Đó là cái giá đánh đổi khi nước này quyết định ký hàng loạt hiệp định tự do thương mại song phương trong hai thập niên gần đây.

Tổng cộng, kể từ 1997, Australia đã ký tổng cộng 10 hiệp định. Kéo theo đó, thuế nhập khẩu ôtô vào nước này từ mức 15% vào năm 2000 chỉ còn 5%.

Toyota tạm biệt ngành công nghiệp ôtô Australia sau hơn nửa thế kỷ gắn bó. Ảnh: Motor1.

Hệ quả là, thị trường Australia tràn ngập xe ngoại, với giá rẻ hơn, tính năng cao hơn, hoặc thậm chí cả hai. Việc này đã ăn mòn thị phần của các hãng có nhà máy tại Australia.

Australia cũng không thể xuất khẩu để thoát khó. Vì vậy, quanh họ là các nước đang phát triển với chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều.

Điểm nhấn làm nên cái chết của sản xuất ôtô Australia chính là hiệp định tự do thương mại nước này ký với Thái Lan. Với chi phí nhân công thấp, là trung tâm sản xuất ôtô lớn của hàng loạt thương hiệu toàn cầu, xe Thái nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Australia.

Cái chết của ngành công nghiệp ôtô Australia không ảnh hưởng gì đến người mua xe, nếu không nói là có lợi cho họ. Hiện nay, Australia là một trong những nơi có giá xe rẻ nhất thế giới.

Từ cái chết của ngành công nghiệp ôtô Australia, xem ra ngành công nghiệp ôtô Việt Nam non trẻ cũng không có nhiều hy vọng.

Cách đây khoảng 20 năm, “giấc mơ” ôtô của Việt Nam đã manh nha xuất hiện, với khát vọng từng bước hình thành một ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô đích thực. Nhưng đến nay, thành quả thu được từ nền công nghiệp này vẫn hoàn là... lắp ráp.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện cả nước có 400 doanh nghiệp tham gia lắp ráp, sản xuất chi tiết ôtô. Tuy nhiên, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, mức độ nội địa hóa lẹt đẹt, không quá 15-30% đối với xe con.

Quan trọng hơn, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện ôtô thật sự. Các doanh nghiệp vẫn chỉ đảm nhận những chi tiết đơn giản như: Ghế ngồi, cụm dây điện, kính, công đoạn sơn, hàn… Tính chung, ngành công nghiệp ôtô mới đóng góp 2% GDP.

Trong khi đó, cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA) của Việt Nam, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các quốc gia nội khối giảm về 0% trong năm 2018 so với mức 30% của năm 2017.

Điều này càng khiến giới chuyên gia lo ngại các liên doanh lắp ráp ô tô sẽ rút hết khỏi thị trường Việt Nam sau năm 2018.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã chết lâm sàng, phải chấp nhận hy sinh nó để tập trung vào những ngành khác quan trọng hơn.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/cong-nghiep-oto-australia-cung-chet-vi-xe-gia-re-3345540/