Công nghiệp ô tô Việt Nam: Ngắc ngoải vì sản lượng thị trường

Năm 2016 sản lượng thị trường ô tô Việt Nam đạt con số đáng ngạc nhiên với trên 300 ngàn chiếc/năm, tăng 24% so với năm 2015. Dù có mức tăng khá lớn nhưng sản lượng thị trường vẫn là yếu tố chính khiến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang… ngắc ngoải.

Công nghiệp ô tô phát triển hay không còn phụ thuộc vào hạ tầng giao thông

Sản lượng thị trường Việt Nam rất nhỏ

Theo ông Trương Thanh Hoài, quyền Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), tổng năng lực sản xuất lắp ráp ô tô vào khoảng 460 nghìn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe, trong đó xe cá nhân rơi vào khoảng 200 ngàn xe. Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân quá thấp. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 nhưng đến nay mới chỉ đạt 7-10%. Riêng Thaco đạt 15-18%, Toyota đạt 37% đối với dòng xe Innova.

Nguyên nhân được chỉ ra là quy mô thị trường còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN. Cụ thể, sản lượng thị trường bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và bằng 1/4 của Indonesia trong khi lợi thế của ngành công nghiệp ô tô lại phát triển dựa vào lợi thế quy mô. Hiện nay, sản lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường.

Ngành công nghiệp ô tô hiện đã hình thành nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp… Các nguyên liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

“Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô”, ông Hoài cho biết.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, sản lượng thị trường ở Việt Nam rất nhỏ, ví dụ số lượng xe Vios tiêu thụ tại Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với thị trường Thái Lan. Do thị trường nhỏ, sản lượng nhỏ nên chi phí khấu hao, chi phí sản xuất cao hơn khu vực rất nhiều. Đó là lý do vì sao giá xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 20%.

Một vài thống kê khác từ VAMA cũng cho thấy ở thị trường Malaysia cứ 1.000 người dân thì có 250 xe ô tô trong khi đó, ở Việt Nam con số này mới chỉ dừng lại 25 xe. Do đó tiềm năng thị trường ô tô rất lớn, nhất là trong đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hiện nay.

Muốn sản lượng lớn phải đầu tư cho hạ tầng giao thông

Ông Bùi Thanh Nam, Tổng giám đốc Cty Nhựa Hà Nội cho biết, Cty của ông hiện đang cung cấp linh kiện ổn định cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Riêng linh kiện ô tô, Nhựa Hà Nội đã từng cung cấp cho Ford và cho Toyota ổn định 4 năm. Ông Nam khẳng định, sản lượng đặt hàng linh kiện ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất và năng lực của các công ty cung ứng.

Ông Nam cho biết, nếu sản lượng đặt hàng tăng, chi phí khấu hao khuôn mẫu và đồ gá, chi phí nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm và chế tạo, chi phí sản xuất hàng loạt linh kiện ô tô trên một đơn vị sản trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm. Ông Nam ví dụ, riêng chi phí thử nghiệm của phụ tùng ô tô rất cao như chi phí thử nghiệm của một hạng mục tại Cty SGS (Thái Lan) rơi vào khoảng 1.000 USD, trong khi mỗi lần thử nghiệm tới 6 hạng mục.

“Do đó, nếu sản lượng đặt hàng đủ lớn, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn nhiều, lúc đó, giá cả của linh kiện phụ tùng ô tô mới giảm đi được và xe ô tô sản xuất tại Việt Nam mới có thể cạnh tranh với các dòng xe trong khu vực”, ông Nam nói. Ông Nam cũng khẳng định, khi sản lượng đặt hàng tăng, các công ty sẽ chú trọng ưu tiên cải thiện năng lực thiết kế, chế tạo để cho ra đời những sản phẩm ưu việt nhất.

Điều quan trọng nhất, khi sản lượng đặt hàng đủ lớn, nhiều doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng thị trường sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất, do đó, ngành công nghiệp ô tô sẽ thu hút được nhiều đơn vị tham gia chuỗi cung ứng, từ đấy tỉ lệ nội địa hóa ô tô cũng sẽ tăng thêm. Do đó, câu chuyện sản lượng thị trường vẫn là một bài toán khó đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ngoài câu chuyện sản lượng nêu trên, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, cần phải coi công nghiệp ô tô là một nền công nghiệp. Vì công nghiệp ô tô tích hợp rất nhiều ngành nghề, từ cơ khí, điện tử, công nghệ cao. Ông Tuất khẳng định: “Chỉ khi nhận thức được như thế Chính phủ mới đưa ra được những chính sách cho hỗ trợ cho công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết, Chính phủ đang thực hiện đúng chính sách phát triển, đặc biệt ưu tiên phát triển những doanh nghiệp lớn, vì họ đưa ra được dung lượng thị trường lớn, từ đó mới kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hải, muốn có dung lượng lớn thì cần phải quan tâm đến hạ tầng giao thông vì chỉ khi hạ tầng giao thông phát triển thì sản lượng tiêu thụ ô tô mới gia tăng. Đặc biệt, ông Hải cũng cho biết Bộ Công Thương sẽ ưu tiên, phối hợp và kêu gọi sự đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhưng với điều kiện họ phải chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.

“Chính phủ vẫn sẽ quan tâm đến việc bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước, có chính sách cho các nhà sản xuất (không chỉ của Việt Nam) để giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hải khẳng định.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//thi-truong/cong-nghiep-o-to-viet-nam-ngac-ngoai-vi-san-luong-thi-truong-360701.html