Công nghiệp bứt phá sau đại dịch

Chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19, song nhờ linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, cùng sự nỗ lực của cộng đồng DN, 6 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp trên địa bàn tiếp tục có nhiều khởi sắc, tăng gần 17% so với cùng kỳ, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

Công ty TNHH TKR Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm thường xuyên cho 230 lao động, với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng Ảnh Thế Hùng

Công ty TNHH TKR Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm thường xuyên cho 230 lao động, với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng Ảnh Thế Hùng

Theo Cục Thống kê tỉnh, quý I năm 2022, kinh tế Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, số ca nhiễm mới tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân, hoạt động SXKD của các DN. Sang quý II năm 2022, với sự linh hoạt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong trạng thái chủ động, bình thường mới, các hoạt động dịch vụ, SXKD của các DN phục hồi gần như hoàn toàn về trạng thái trước khi xuất hiện dịch.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định và có sự khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất ước tính tăng 16,84%. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục dẫn đầu, tổng giá trị sản xuất công nghiệp với mức tăng trưởng giá trị sản xuất ước tính đạt 27,55%, đóng góp tới 13,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Tiêu biểu, một số DN sản xuất linh kiện điện tử trong 6 tháng đầu năm 2022 đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường tuyển dụng lao động và có doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ như Công ty TNHH Interflex Vina, KCN Bá Thiện tăng 127,57%; Công ty TNHH BH Flex Vina, KCN Khai Quang tăng 110,81%; Công ty TNHH Yong Poong Electronic Vina, KCN Bình Xuyên II tăng 94,53%; Công ty TNHH Arcadyan Technology, KCN Thăng Long 3 tăng 50,90%...

6 tháng đầu năm 2022, thị trường tiêu thụ ô tô liên tục sôi động, nhu cầu mua sắm xe ô tô của người dân tăng cao, nhất là đối với những dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước do được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021 của Chính phủ đã đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành ước tính đạt 7,63%, đóng góp 0,80 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Bên cạnh đó, sản lượng xe ô tô nguyên chiếc tăng so với cùng kỳ năm trước, một số DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô cũng có sản lượng tăng đáng kể như Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Astra Visteon Việt Nam, Công ty TNHH Ohashi Tekko…

Riêng ngành sản xuất xe máy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành đạt 9,21%, đóng góp 1,96 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngoài Công ty Honda có sản lượng sản xuất xe máy nguyên chiếc tăng, một số DN phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng xe máy cũng có sản lượng sản xuất tăng đáng kể như Công ty TNHH Norrthstar Precision (Việt Nam) tăng 51,21%; Công ty TNHH công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 tăng 42,34%; Công ty TNHH công nghiệp Minda Việt Nam tăng 35,17%; Công ty TNHH Sunhua tăng 23,44%;…

Đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh tổ chức triển khai một cách sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH phù hợp với thực tiễn. Chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh đạt cao so với mức bình quân chung của cả nước.

Triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ DN ổn định sản xuất gắn với thu hút đầu tư, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; triển khai chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số, hiện đại hóa nền hành chính.

Cùng với đó, sự chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt của các DN, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo đúng tiến độ đơn hàng đã ký kết, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ, bố trí tăng ca, trả lương làm thêm giờ hợp lý, bù đắp kịp thời sự thiếu hụt nhân công, đảm bảo tiến độ các đơn hàng, đảm bảo thu nhập của người lao động.

Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất...

Các DN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động SXKD tương đối ổn định, không có DN nào phải ngừng sản xuất do tác động của dịch bệnh. Nhờ đó, Vĩnh Phúc đã kiểm soát tốt dịch bệnh, số ca F0 giảm nhanh trong quý II, các hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng phát triển ổn định.

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chức năng, các huyện, thành phố tập trung quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực (nhất là về đất đai, môi trường đầu tư…) để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển KT-XH.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trọng tậm là cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Tăng cường sự phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Triển hai đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phục hồi phát triển SXKD…

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79303/cong-nghiep-but-pha-sau-dai-dich.html