Công nghệ số đã làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa truyền thống

Từ mô hình 'đường ống' truyền thống theo đó các khâu trong chuỗi sáng tạo tiếp nối nhau theo đường tuyến tính, giờ đây dưới tác động của công nghệ số, chuỗi giá trị văn hóa bị biến đổi sang mô hình 'mạng lưới'.

Sáng ngày 23/8 tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số”.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho biết sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người. Mặt khác, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đền quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.

TS. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL)

TS. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL)

Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam do nhóm chuyên gia Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT thực hiện, bên cạnh những cơ hội về khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo thông qua các nền tảng số, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ số đã và đang làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa gồm: sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Từ mô hình “đường ống” truyền thống theo đó các khâu trong chuỗi sáng tạo tiếp nối nhau theo đường tuyến tính, giờ đây dưới tác động của công nghệ số, chuỗi giá trị này bị biến đổi sang mô hình “mạng lưới”. Tại đó, sự phổ biến của điện thoại di động và các thiết bị thông minh đã thu hẹp đáng kể chi phí và thời gian làm việc trên tất cả các liên kết trong chuỗi giá trị, điều này đặc biệt có lợi cho những nhân tố mới xuất hiện như nghệ sĩ kỹ thuật số, người sáng tạo tự phân phối, nhà xuất bản điện tử, công ty khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng trực tuyến...

Sự phổ biến của điện thoại di động và các thiết bị thông minh thay đổi cách con người thụ hưởng văn hóa.

Sự phổ biến của điện thoại di động và các thiết bị thông minh thay đổi cách con người thụ hưởng văn hóa.

Mô hình trên cho phép người tiêu dùng, khán giả có thể can thiệp vào quá trình sáng tạo của nghệ sỹ và người sáng tạo như thay đổi cốt truyện, thay đổi kết phim, đồng sáng tác, đồng tác giả trong thơ ca, văn học, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác,... hoặc cũng cho phép nghệ sỹ được kết nối trực tiếp với công chúng, bỏ qua các giai đoạn thông thường của chuỗi giá trị. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), sự biến đổi về mô hình chuỗi giá trị trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo đặt ra những thách thức, trong lúc thiếu vắng các quy định và khuôn khổ pháp lý về quản lý, cũng như các cơ chế hỗ trợ bảo vệ các bên liên quan trong chuỗi giá trị này.

Sự thay đổi về cách thức con người tương tác và giao tiếp với nhau, từ trực tiếp chuyển nhiều sang trực tuyến, có thể làm giảm các kỹ năng xã hội và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất các cá nhân. Giới trẻ trên thế giới và cả ở Việt Nam hiện đang có xu hướng chìm đắm nhiều hơn vào các trang thiết bị số và các nền tảng số để học tập, giải trí và giao tiếp với nhau. Trong khi đó, các thế hệ lớn tuổi hơn thì ngày càng trở nên gắn bó với các thiết bị di động do yêu cầu của công việc và đời sống vật chất lẫn tinh thần....

Hội thảo phân tích các thách thức đặt ra cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam.

Hội thảo phân tích các thách thức đặt ra cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam.

Việc thực thi và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường số cũng là một thách thức lớn đối với hầu hết các quốc gia, điều này kìm hãm sự phát triển của ngành. Công nghệ kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều hoạt động sử dụng trái phép các nội dung sáng tạo. Việc phổ biến và tiêu dùng sản phẩm văn hóa và sáng tạo bất hợp pháp, vi phạm bản quyền trên nền tảng số tước đi doanh thu chính đáng của người sáng tạo và các doanh nghiệp sáng tạo, trong một số trường hợp, ảnh hưởng tới động cơ theo đuổi các ngành nghề sáng tạo của nhiều cá nhân hoặc xu hướng khởi nghiệp sáng tạo, gây khó khăn cho việc tài trợ, đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo.

Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu vắng một hệ thống dữ liệu số (digital data) và lưu trữ số (digital archive) về văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam cũng đặt ra những hạn chế cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, khi mà dữ liệu đã trở thành "mạch máu" nuôi dưỡng toàn bộ nền kinh tế số của nhiều ngành kinh tế và nhiều quốc gia trên thế giới. Hạn chế này sẽ dẫn tới nguy cơ nhiều chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành được xây dựng thiếu cơ sở thực tiễn và không có khả năng dự báo chính xác các xu hướng phát triển trong lương lai; hoặc thậm chí, đầu tư lệch trọng tâm, thiếu hiệu quả.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/cong-nghe-so-da-lam-bien-doi-chuoi-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-post1041111.vov