Công khai & minh bạch

(HQ Online)- Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có một bước tiến dài trong việc cải thiện công khai, minh bạch về chính sách tài khóa và NSNN.

Nếu như cuối những năm 1990, các văn bản ngân sách vẫn được coi là bí mật Nhà nước, thì mới đây bản dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính Nhà nước được Bộ Tài chính dự thảo có nhiều quy định mang tính đột phá về công khai, minh bạch NSNN.

Với những thành tựu về cải cách quản lý tài khóa, hiện nay nhiều dữ liệu ngân sách đã được công khai. Quy định về công khai NSNN và giám sát của cộng đồng đã được quy định cụ thể trong Luật NSNN (sửa đổi) mới đây. Theo đó, dự toán NSNN trình Quốc hội, HĐND; dự toán NSNN đã được cấp có thẩm quyền quyết định; quyết toán NSNN được Quốc hội, HĐND phê chuẩn... phải được công khai theo quy định. Trước đó, trong thảo luận liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội tiết lộ, bản thân họ rất "ngại" khi xử lý những văn bản liên quan đến ngân sách có đóng dấu "mật", ngoại trừ các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia. Bởi vì, theo lý giải của những vị đại biểu này: "Cầm báo cáo ngân sách có chữ "mật" mang về địa phương rất lo vì không biết xử lý ra sao!"

Công khai ngân sách là quy định bắt buộc ở hầu hết các quốc gia và được thể hiện trong Hiến pháp, hoặc Luật. Ví dụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, các Bộ trưởng phải công khai với công chúng về mục tiêu, chiến lược, tài sản, công nợ và các kế hoạch thực hiện hàng năm trong phạm vi quản lý hành chính của mình vào tháng đầu tiên của mỗi năm tài khóa...

Các thông tin tài chính Nhà nước hiện cơ bản được theo dõi, thể hiện từng phần hoặc khá chi tiết trên báo cáo tài chính của các đơn vị theo quy định. Tuy nhiên, do phương thức quản lý, nên những thông tin đó còn khá rải rác, phân tán.

Dự kiến, báo cáo tài chính Nhà nước sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính nhà nước trên toàn quốc hoặc tại từng địa phương, giúp cho tất cả cơ quan, tổ chức và công dân có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực tài chính và kết quả hoạt động của quốc gia hoặc đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong từng năm tài chính.

Như vậy, đây là căn cứ pháp lý để người dân có thể thấy được một bức tranh toàn cảnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính Nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc.

Công khai, minh bạch ngân sách là mong đợi của người dân. Vẫn biết rằng, công khai thì dễ nhưng khó nhất là minh bạch. Công khai, minh bạch để người dân giám sát từng đồng tiền của dân, của nước. Nếu có sự giám sát hơn nữa của người dân, các nguồn lực tài chính Nhà nước sẽ được tập trung đúng mức, chi tiêu đúng mục đích và có hiệu quả hơn. Đó chính là điểm cuối của đích đến.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cong-khai-minh-bach.aspx