Công khai, minh bạch, cụ thể để tránh tiêu cực

Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 20.6, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, tránh trùng lặp giữa các loại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đồng thời cần quy định rõ hơn về thẩm quyền cấp giấy phép, trình tự, thủ tục cấp giấy phép, quyền, trách nhiệm của người cấp giấy phép và trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép. Các quy định này phải rất công khai, minh bạch, cụ thể, tránh dẫn đến tiêu cực.

Không tạo thêm thủ tục hành chính

Dành sự quan tâm đến quy định về lấy ý kiến cộng đồng, dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) nêu rõ, khoản 7, Điều 44 dự thảo Luật có nêu “tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước của dự án”. Quy định này là cần thiết, tuy nhiên, theo các đại biểu, lại đang chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cụ thể Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn đã quy định: “các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức có liên quan”. Việc tiếp tục lặp lại quy định này trong khoản 7, Điều 44 dự thảo Luật sẽ dẫn đến nguy cơ một dự án phải thực hiện hai lần lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng có hai bộ hồ sơ, gây tốn kém, không cần thiết, tăng chi phí thủ tục hành chính. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần nhắc kỹ quy định này, trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng liên quan đến việc lấy ý kiến cộng đồng, dân cư và tổ chức, cá nhân đối với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh, quy định về tài nguyên nước, lưu vực sông có ảnh hưởng lớn đến quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh đang diễn ra bình thường có thể phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì thay đổi quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Bên cạnh đó, việc thay đổi đột xuất cũng làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi đó, dự thảo Luật chưa làm rõ việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trong quá trình lập quy hoạch.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị, bổ sung quy định trong trường hợp quy định tài nguyên nước, lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó. Đơn cử, nguồn nước đang được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được đề xuất thay đổi sang chức năng chỉ cho nước sinh hoạt, không sử dụng làm nông nghiệp nữa thì cá nhân, tổ chức đang sử dụng nguồn nước phải được lấy ý kiến. Hồ sơ lấy ý kiến nên bao gồm 1 trong 3 tài liệu sau: lấy ý kiến người đang sử dụng nước; biên bản xác nhận của chính quyền cấp xã về việc người đó không có ý kiến; biên bản xác nhận của chính quyền địa phương về việc không liên lạc được với người đó.

Trường hợp nào cấp phép, trường hợp nào xin phép?

Đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định tại Điều 44, Điều 76, Điều 77 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố. Qua nghiên cứu các điều khoản này, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, dự thảo Luật đang có quá nhiều loại giấy phép với các tên gọi khác nhau, như: giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất, giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ… "Cần rà soát lại, tránh trùng lặp giữa các loại giấy phép. Đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền cấp giấy phép, trình tự, thủ tục cấp giấy phép, quyền, trách nhiệm của người cấp giấy phép; trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép. Phải rất công khai, minh bạch, cụ thể để tránh dẫn đến tiêu cực”, đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết thêm, Điều 44 dự thảo Luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải xin phép; trường hợp nào tổ chức, cá nhân chỉ phải đăng ký. Trong khi đó, việc xin phép và việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước là khác nhau về trình tự, thủ tục, mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu cũng chỉ rõ, trường hợp cấp phép và trường hợp đăng ký còn liên quan đến các nội dung khác của dự thảo Luật như khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải đăng ký thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Hay trường hợp không phải xin cấp phép thì UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về trường hợp cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và trường hợp đăng ký khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Liên quan đến thẩm quyền cấp phép, ngay tại khoản 6, Điều 44 dự thảo Luật quy định “Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước theo thẩm quyền”. Nhận định quy định này là chưa hợp lý, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, đây là quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong cấp phép, cấp đăng ký, chứ không phải quy định chung là “theo thẩm quyền”. Đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật thẩm quyền của cơ quan Trung ương, thẩm quyền của cơ quan ở địa phương trong việc cấp giấy phép, cấp đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các trường hợp đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy đăng ký. Bởi lẽ, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Giải trình tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục rà soát, tách bạch giữa thẩm quyền quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương, bảo đảm không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc lấy ý kiến cộng đồng, dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nhất là việc không lấy ý kiến hai lần, bảo đảm sự tham gia kiểm tra, giám sát của người dân đối với các dự án, công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế các dự án gây ô nhiễm nguồn nước.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/cong-khai-minh-bach-cu-the-de-tranh-tieu-cuc-i333260/