Công khai bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 do Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tổ chức.

Nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách chậm giải ngân

9 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt trên 46% so với kế hoạch Quốc hội thông qua. Nguyên nhân do quy định, thủ tục đầu tư công chặt chẽ hơn; công tác giải phóng mặt bằng và năng lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu... Ngoài ra, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, thậm chí, một số dự án triển khai mang tính hình thức để ghi kế hoạch vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp nguồn lực, khả năng vốn. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, một số cơ quan, đơn vị chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, nhiều khi phải điều chỉnh thời gian, kế hoạch giao vốn nhiều lần…

Về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tổng số vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, trong đó, bố trí 80.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chậm làm giảm hiệu quả nguồn vốn.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, về lộ trình sửa Luật Đầu tư công, Thủ tướng rất quyết liệt yêu cầu Bộ phải hoàn thành phương án sửa để trình Luật ngay tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Bộ cũng đã tập trung 11 vấn đề vướng mắc cần phải sửa đổi để trình Chính phủ.
Về 80 nghìn tỷ đồng phân bổ cho các công trình quan trọng quốc gia, trong số đó, có 10 nghìn tỷ đồng chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh, Bộ KH&ĐT đã nhiều lần yêu cầu TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện thủ tục nhưng chưa xong nên rất khó giao vốn. Còn lại 70 nghìn tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ và đang kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho sử dụng 15 nghìn tỷ đồng thực hiện 4 dự án đường sắt (7 nghìn tỷ đồng), 8 nghìn tỷ đồng tập trung cho các dự án quan trọng bị đình giãn, hoãn cần phải xử lý ngay để bảo đảm hiệu quả. 55 nghìn tỷ đồng còn lại, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa vào một số dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.

Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: Cần làm rõ những bất cập, vướng mắc là do Luật hay khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện?

"Giải ngân chậm tức là sử dụng vốn ngân sách không đem lại hiệu quả cao nhất" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và nhắc lại: Chính phủ thống nhất quản lý đầu tư công, Bộ KH&ĐT giúp Chính phủ, Bộ phải chịu trách nhiệm chính cùng một số bộ, ngành có liên quan và phải chỉ rõ trách nhiệm dự án, địa phương, bộ, ngành nào chậm triển khai.

Ban hành Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công.

Hoàng Duân

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cong-khai-bo-nganh-dia-phuong-cham-giai-ngan-von-dau-tu.html