Cống hiến hết mình trên mọi mặt trận

Trở về quê hương sau nhiều năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, hành trang của ông Trần Văn Hiệp (sinh năm 1958), hiện đang sống tại thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, có được chỉ là một chiếc ba lô bạc màu và cơ thể thương tật do bom đạn gây ra. Thế nhưng phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ, người cựu chiến binh ấy vẫn luôn nỗ lực vươn lên, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn dẫn dắt phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh (CCB) địa phương ngày càng đi lên.

Vợ chồng ông Hiệp hạnh phúc khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm - Ảnh: T.P

Nặng lòng với đồng đội

Mới tờ mờ sáng nhưng quán cháo lòng bình dân tại thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, do chị Lê Thị Lý (sinh năm 1993) làm chủ đã đông khách. Ghé quán ăn, hỏi chuyện mới biết, gia đình chị được hỗ trợ mở quán từ cuối năm 2021. Nói “hỗ trợ” là bởi tất cả bàn ghế, nồi niêu và công thức nấu món cháo lòng đều được vợ chồng ông Trần Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Liêm Công Tây để lại. “Tôi vốn là người Cam Lộ, theo chồng về làm dâu ở đây nên không có việc làm ổn định.

Qua mẹ chồng tôi - thời điểm ấy đang là hội viên Chi hội CCB thôn Liêm Công Tây - bác Hiệp biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi nên tạo điều kiện cho tôi về làm phục vụ cùng 4 người nữa tại quán cháo lòng của gia đình bác.

Hồi ấy, mỗi tháng tôi được trả tiền công 5 triệu đồng. Đó là khoản thu nhập tương đối cao lúc bấy giờ, nhờ vậy mà cuộc sống của vợ chồng tôi đỡ vất vả hơn”, tranh thủ lúc vãn khách, chị Lý kể chuyện, tay không quên chỉ về vị trí quán cháo cũ của ông Hiệp. Chị Lý cho hay, đầu năm ngoái, khi có ý định đóng quán, ông Hiệp đã động viên chị đứng ra mở một quán cháo lòng. Vợ chồng ông để lại bàn ghế, còn giúp chị đứng bếp một thời gian cho đến khi chị quen với công việc và có lượng khách hàng ổn định. Biết lý do tôi tới tìm ông vì tò mò về câu chuyện nói trên, ông Hiệp chỉ cười hiền, nói: “Không chỉ có cháu Lý mà tôi còn giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều hội viên, con em CCB trên địa bàn thông qua mô hình kinh tế của gia đình. Họ không phải ai xa lạ mà đều là đồng đội, con cháu của những người từng kề vai sát cánh với mình trong chiến đấu”.

Sau 13 năm cầm súng chiến đấu, làm việc trong môi trường quân ngũ, ông Hiệp trở về quê hương với cơ thể thương tật hạng ¼ cùng tỉ lệ mất sức lao động 83%. Tuy không có gì trong tay nhưng nhờ biết tính toán và chăm chỉ, nỗ lực, ông đã thành công trong phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, mà chị Lý là một trong số đó.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của gia đình mình, ông Hiệp cho hay, giờ lớn tuổi nên vợ chồng ông chỉ tập trung làm mô hình VAC, trồng xen thêm cây lâm nghiệp, cây trái vụ, cây ngắn ngày và hợp tác mở một xưởng may tạo việc làm cho phụ nữ, con em hội viên CCB tại địa phương. Nhưng trước đây, trên mảnh đất xây dựng xưởng may, gia đình ông đã từng mở quán bán cháo lòng rất đắt khách.

Được biết, những ngày đầu mới trở về quê hương, nhận thấy dịch vụ kinh doanh ăn uống chưa được nhiều người chú ý nên vợ chồng ông bàn bạc với nhau vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để khởi nghiệp.

Ngoài việc mở quán ăn, ông Hiệp còn đầu tư đào 2.000 m2 đất làm hồ nuôi cá, làm vườn trồng trọt. Ngày ấy, rất nhiều người biết đến quán cháo lòng của vợ chồng ông Hiệp. Không chỉ bởi cháo ngon mà vợ chồng chủ quán rất thân thiện, biết lắng nghe góp ý của khách hàng. Tiếng lành đồn xa, quán cháo nhỏ của ông ngày càng được khách hàng nhiều nơi đến thưởng thức. Trung bình mỗi ngày, ông bán hơn một trăm tô. “Vợ chồng tôi được trời thương, làm ăn thuận lợi. Chỉ sau năm đầu tiên, sau khi trả toàn bộ chi phí, nợ nần, chúng tôi lãi được 27 triệu đồng. Thời điểm năm 1991, đó là số tiền không nhỏ”, ông Hiệp nhớ lại. Đến nay, trung bình mỗi năm sau khi trừ các khoản, gia đình ông Hiệp thu được khoảng 300 triệu đồng.

Đặc biệt, ông Hiệp là người nặng lòng với đồng đội cũng như các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo. Ông bộc bạch: “Điều tôi tự hào nhất sau khi trở về quê hương không chỉ là làm kinh tế giỏi mà còn giúp được đồng đội hay những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”. Vì thế trong 3 năm 2002, 2006 và 2011, ông Hiệp đã hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội; ủng hộ hơn 100 triệu đồng để xây dựng đường bê tông, xây dựng nông thôn mới và các hoạt động, phong trào tại địa phương; ủng hộ 18,6 triệu đồng cho Quỹ vắc xin phòng chống COVID - 19 và Quỹ phòng chống COVID - 19...

“Còn sức khỏe là còn cống hiến”

Từng cống hiến thanh xuân cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đến khi trở về, ông Hiệp lại tiếp tục cống hiến trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương. Ở xã Hiền Thành, ông được mọi người biết đến là một chi hội trưởng CCB tận tâm, nhiệt huyết. Vì thế, khi ông xin thôi giữ chức, nhiều hội viên đến nhà vận động để ông tiếp tục tham gia.

Chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Linh Trần Thanh Chương đánh giá: “Kể từ năm 1995, sau được người dân tín nhiệm bầu làm bí thư kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Liêm Công Tây, anh Hiệp đã không ngừng trăn trở, nỗ lực đưa hoạt động, phong trào của chi hội CCB thôn nói riêng và của Hội CCB xã Hiền Thành nói chung đi lên. Anh là người rất năng nổ, trách nhiệm với công việc, có uy tín cao tại địa phương”.

Ông Hiệp chia sẻ giản dị rằng, muốn hội viên lắng nghe, làm theo thì trước hết, bản thân mình phải là tấm gương. Thế nên suốt 26 năm làm công tác hội, ông luôn gương mẫu trong từng lời ăn, tiếng nói lẫn tác phong làm việc, ứng xử; luôn sâu sát với từng hội viên, chủ động bàn bạc, lắng nghe ý kiến từ họ để đưa ra kế hoạch hoạt động phù hợp.

Điều đặc biệt chỉ riêng tại Chi hội CCB thôn Liêm Công Tây mới có đó là ông Hiệp chủ động mượn, thuê ruộng đất bỏ trống để trồng cây lâm nghiêp, cây ngắn ngày thu lợi nhuận, từ đó xây dựng nguồn quỹ hoạt động ổn định cho chi hội, trang bị đồng phục cho tất cả hội viên. Trước đây, đối với các hộ hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn, ông Hiệp đã xây dựng nguồn vốn quay vòng, động viên họ làm ăn kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Như hộ gia đình ông Phạm Xuân Á là một ví dụ điển hình. Từ một hộ thuộc diện khó khăn tại địa phương, thông qua 100 triệu đồng mượn từ nguồn vốn của hội, ông Á đầu tư nuôi tôm và chỉ sau một vụ đã thu lãi gần 500 triệu đồng.

Nhờ thế mà hiện nay, 66 hội viên trong chi hội CCB thôn Liêm Công Tây đều thuộc hộ khá trở lên. Dưới sự dẫn dắt của ông Hiệp, những năm qua, chi hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 100% gia đình CCB đạt gia đình văn hóa, các hoạt động vì cộng đồng như ủng hộ ngày vì người nghèo, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh... được triển khai, thực hiện thường xuyên và được chính quyền xã Hiền Thành, Hội CCB huyện Vĩnh Linh đánh giá rất cao. Ông Hiệp nhiều lần vinh dự nhận bằng khen của tỉnh; Trung ương Hội CCB Việt Nam cùng nhiều giấy khen của các cấp hội và địa phương.

Ông Hiệp thu hoạch cây ngắn ngày - Ảnh: T.P

Để tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, ông còn thường xuyên tham gia những buổi trò chuyện do Hội CCB địa phương phối hợp với Xã đoàn, trường học tổ chức. “Hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu và nước mắt của ông cha, của đồng đội tôi. Vì vậy, tôi muốn thế hệ trẻ của đất nước phải hiểu và giữ gìn điều đó”, ông Hiệp xúc động nói. Trong các buổi nói chuyện, ông Hiệp luôn tìm cách để những câu chuyện quá khứ được hiện lên một cách đầy đủ, sinh động nhằm thu hút sự chú ý của các bạn trẻ. Dự định của ông Hiệp trong thời gian tới chính là xây dựng một mô hình thiết thực, hiệu quả liên quan đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Dù mang trên mình nhiều thương tật, cơ thể đau đớn mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông chưa bao giờ than vãn hay nản chí, mà luôn lạc quan rằng “còn sức khỏe là còn cống hiến”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=168103&title=cong-hien-het-minh-tren-moi-mat-tran