Công đoàn Việt Nam tiếp tục kiến nghị giải quyết tình trạng NLĐ bị nợ đọng bảo hiểm xã hội

Sáng 3/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngay sau khi bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII: Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu, Thái Thu Xương, Huỳnh Thanh Xuân và Nguyễn Xuân Hùng chủ trì họp báo công bố kết quả của Đại hội.

Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang bày tỏ sự cảm ơn các lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí với tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, đã kịp thời thông tin những nội dung quan trọng của Đại hội.

Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, sự thành công của Đại hội có phần đóng góp không nhỏ của các cơ quan thông tấn báo chí.

"Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, phản ánh, thông tin kịp thời về tất cả nội dung của Đại hội", Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nói và khẳng định Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã thành công tốt đẹp.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII chủ trì họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Đại hội đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra, nhận được sự thu hút của đông đảo đoàn viên, người lao động cả nước, được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể Trung ương và các địa phương hết sức quan tâm, theo dõi, ủng hộ, cổ vũ cho Đại hội Công đoàn Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Khang mong muốn các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới.

Đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được tập trung cao nhất

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các cơ quan báo chí nêu về hoạt động Công đoàn sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ về khâu đột phá đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng.

Ông Hiểu cho biết, cách đây 4 tháng, tại phiên thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐ Việt Nam đại diện người lao động đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5%.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết Đại hội đã thành công, hoàn thành tất cả các nội dung đề ra.

Thời gian tới, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bao nhiêu, sẽ được Công đoàn xem xét, thống nhất, bàn bạc sau. Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, "sức khỏe" của doanh nghiệp, mong muốn của người lao động, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau.

Nội dung này tiếp tục được đại diện người lao động đánh giá kỹ hơn bức tranh về kinh tế, đặc biệt "sức khỏe" của doanh nghiệp để có đề xuất phù hợp trong những phiên đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia tới đây.

Liên quan đến thông tin trong 5 năm qua, tổ chức Công đoàn đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng với tổng mức tăng là 25,34% và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chấp thuận ở mức tăng là 23,3%, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đây là con số cộng dồn của nhiệm kỳ vừa qua. Con số này là minh chứng nỗ lực Công đoàn nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động thông qua thương lượng tiền lương.

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, một trong những khâu đột phá được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng trong đó tập trung vào tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi… Đáng chú ý, xác định đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được tập trung cao nhất bởi người lao động khi đi làm thì phải có lương đảm bảo cuộc sống.

Ông Nguyễn Đình Khang mong muốn các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục cùng đồng hành với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Để làm được nhiệm vụ trên, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ Công đoàn cơ sở về tiền lương, kỹ năng thương lượng. Bên cạnh đó, trong việc tham gia xây dựng chính sách, quan tâm nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu hiện nay, cụ thể là việc xác định vùng áp dụng lương tối thiểu.

Sau quá trình thương lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng phối hợp với Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp.

Chăm lo Tết sớm cho người lao động

Chia sẻ về nhận định lương thưởng Tết năm 2024, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm nay có nhiều khó khăn nên đời sống việc làm, lương thưởng của người lao động cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết sớm; cùng với đó là thiết kế chính sách hỗ trợ các đối tượng bên cạnh quà, tiền thưởng, sẽ tổ chức chuyển xe, máy bay không đồng, giảm phí để hỗ trợ người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu làm rõ thêm một số vấn đề.

Về số liệu hơn 200.000 lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội được nêu trong báo cáo của Đại hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Công đoàn đã kiến nghị cần chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ rộng hơn và cần sự vào cuộc, quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền… Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục theo đuổi về vấn đề này và coi đây là một trong những nhiệm quan trọng trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, ngay sau Đại hội, nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ được các cấp Công đoàn triển khai để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào thực tiễn phong trào công nhân, hoạt động Công đoàn.

Đại diện báo Lao động Thủ đô gửi lời chúc mừng thành công của Đại hội và đặt câu hỏi đề nghị lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam làm rõ về chủ trương truyền thông chính sách trong thời gian tới.

Trước mắt là xây dựng và ban hành 4 chương trình trọng tâm, 1 nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ, đó là: Nghị quyết về đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033; Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028; Chương trình xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028; Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn.

Đặc biệt, năm 2024, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng năm là tổ chức Công đoàn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập; cùng với đó, Luật Công đoàn (sửa đổi, bổ sung) sẽ được Quốc hội thảo luận, ban hành.

Nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục được tập trung trong bối cảnh người lao động vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng...

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-viet-nam-tiep-tuc-kien-nghi-giai-quyet-tinh-trang-nld-bi-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-163509.html