Công đoàn Thủ đô chia sẻ 5 mô hình hiệu quả trong phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự

Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2018 - 2023, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đã chia sẻ 5 mô hình hiệu quả, góp phần phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Chia sẻ về mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa LĐLĐ và Công an thành phố Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 92 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với trên 20.000 công nhân lao động. Đa số các Tổ tự quản đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, xây dựng được lịch sinh hoạt hằng tháng, hằng quý.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ 5 mô hình hiệu quả của Công đoàn Thủ đô, góp phần phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ảnh: Minh Phương.

“Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi luôn xác định đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, cán bộ Công đoàn và Công an đã đi tới các nhà trọ công nhân, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê từ 20 - 100% giá phòng cho người lao động xa quê bị mất, thiếu việc làm.

“Đặc biệt, thời gian gần đây, LĐLĐ thành phố Hà Nội xây dựng thêm các Tủ sách pháp luật tại các Tổ tự quản. Đến nay có thể khẳng định, hoạt động của các Tổ tự quản đã phát huy quyền làm chủ của người dân tham gia quản lý xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa công nhân thuê trọ và người dân địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, bà Thủy thông tin.

Chia sẻ về xây dựng mô hình các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Trên cơ sở đánh giá hiệu quả thiết thực của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, năm 2021, LĐLĐ Thành phố xây dựng đề án “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông công nhân lao động cư trú tập trung giai đoạn 2021 - 2025” và đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, cấp hỗ trợ kinh phí 90 triệu đồng/điểm.

Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn còn vận động chủ doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, vận động xã hội hóa xây dựng 3 mô hình: Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị, doanh nghiệp; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu, cụm công nghiệp và chế xuất; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu dân cư.

Đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ Thành phố đang có 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã đi vào hoạt động nền nếp và cho thấy cần thiết, phù hợp và thiết thực với cơ sở, góp phần ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với các đơn vị bạn và là điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động trong Công ty và công nhân lao động đang sinh sống khu vực lân cận.

Thứ ba là mô hình hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô vay vốn để phát triển kinh tế gia đình từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô. 5 năm qua, Quỹ đã giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, công nhân, lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Thông qua hoạt động của Quỹ đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn Thủ đô.

LĐLĐ quận Nam Từ Liêm (LĐLĐ thành phố Hà Nội) được Bộ Công an khen thưởng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2018 - 2023. Ảnh: Minh Phương.

Thứ tư, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, Xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Cụ thể, hằng năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô giữa các chuyên gia (trong đó có các chuyên gia tư vấn pháp luật của Bộ Công an, Luật sư và các chuyên gia trong lĩnh vực Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội…) với người lao động về chính sách, pháp luật thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao động tham gia, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn thường xuyên quan tâm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao như: Hội khỏe công nhân, viên chức, lao động Thủ đô; Cuộc thi ảnh “Dấu ấn Công đoàn và người lao động Thủ đô”; Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô; Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động Cúp báo Lao động Thủ đô... từ đó góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, lối sống lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ.

Thứ năm, LĐLĐ Thành phố phát động và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, trọng tâm là: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với hàng trăm nghìn cá nhân điển hình được tôn vinh hàng năm. Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã phối hợp với chính quyền và các đơn vị liên quan tổ chức hiệu quả Hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ những hoạt động này, điều kiện làm việc và môi trường làm việc được các doanh nghiệp quan tâm, giúp công nhân, lao động yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn.

Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết vụ việc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Đây chính là yếu tố quan trọng đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động tại địa phương, không xảy ra tình trạng đình công, ngừng việc, tranh chấp lao động phức tạp gây mất an ninh, trật tự trong thời gian qua.

“Xác định những năm tới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội dự báo còn phức tạp, có thể xuất hiện những yếu tố mới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đồng hành, kề vai, sát cánh phối hợp cùng lực lượng Công an, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nắm chắc tình hình, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo môi trường thuận lợi, an toàn để công nhân, viên chức, lao động yên tâm sống, làm việc và cống hiến”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-thu-do-chia-se-5-mo-hinh-hieu-qua-trong-phong-chong-toi-pham-dam-bao-an-ninh-trat-tu-164251.html