Công đoàn tham gia khởi kiện các vụ án lao động: Cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh

Sáng 1.4, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp LĐ cá nhân và tranh chấp LĐ tập thể. Hội thảo nhằm mục đích cho ra đời một “cẩm nang” hướng dẫn cho các cấp CĐ triển khai một cách thuận lợi nhất công việc thiết thực này.

Cẩm nang tố tụng lao động cho cán bộ CĐ

“Cẩm nang” này dựa trên cơ sở Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2015. Theo bà Trần Thị Hanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ LĐ (QHLĐ) Tổng LĐLĐVN, “cẩm năng” này sắp xếp quy trình logic, tuần tự của một vụ án LĐ từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Hiện những nội dung có liên quan đến tố tụng LĐ (TTLĐ) (khoảng 100 điều khoản) nằm rải rác trong các chương của Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) - bộ luật vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2015.

Tổng LĐLĐVN cũng đã cung cấp các mẫu hồ sơ CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp LĐ cá nhân và tranh chấp LĐ tập thể, như: Giấy ủy quyền tham gia tố tụng; đơn khởi kiện; đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng tiền lệ án; giấy giới thiệu; đơn khiếu nại… để các cấp CĐ áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án LĐ.

Bà Nguyễn Thanh Hương- Phó Trưởng ban Pháp chế Bảo hiểm xã hội VN băn khoăn về nguồn lực con người tại LĐLĐ các tỉnh, quận, huyện có đủ để CĐ tiến hành khởi kiện hay không. “Tôi nghĩ CBCĐ cần phải phát huy hết vai trò, thể hiện quyết tâm và cứng rắn với DN vi phạm thì việc khởi kiện mới làm tốt”- bà Hương nói. Từ kinh nghiệm của ngành BHXH khi khởi kiện các DN nợ BHXH, bà Hương cho rằng, các cấp CĐ cần ký quy chế phối hợp với TAND cùng cấp để thực hiện tốt công việc.

Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ thuộc LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, thì băn khoăn: Cấp CĐ nào khởi kiện? CĐCS không khởi kiện được, vậy thì CĐCS ủy quyền cho CĐ cấp trên cơ sở khởi kiện hay CĐ cấp trên cơ sở trực tiếp khởi kiện? Luật sư Hà cũng đề nghị Tổng LĐLĐVN cần hướng dẫn rõ ràng về ủy quyền khởi kiện; án phí; hòa giải; thời hạn kháng cáo...

Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ với quy trình khởi kiện với cá nhân thì CĐ tham gia như thế nào? Khởi kiện với tập thể thì CĐ tham gia như thế nào?

Dám đối mặt với chủ doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trọng Sang - Ủy viên ĐCT, Trưởng ban QHLĐ (Tổng LĐLĐVN) cho rằng, CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng LĐ là thực hiện chức năng của CĐ đã được hiến định; nếu CĐ làm tốt, sẽ tạo sự yên tâm, tin tưởng hơn của NLĐ - những người yếu thế - đối với tổ chức CĐVN. Điều này là quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP, xuất hiện những tổ chức đại diện NLĐ khác.

“Luật pháp đã quy định thẩm quyền khởi kiện, tham gia tố tụng LĐ của CĐ rồi. Quan trọng nhất bây giờ mà CĐ phải thực hiện là phải có một nguồn cán bộ chuyên về pháp luật LĐ, TTLĐ để bảo vệ NLĐ một cách thiết thực nhất khi tranh chấp xảy ra. Sắp tới,Tổng LĐLĐVN sẽ có kế hoạch đào tạo đội ngũ luật sư của CĐ”- ông Sang nói.

Vẫn theo ông Sang, CBCĐ cần phải rèn luyện kỹ năng bản thân mình; tăng chuyên trách để bảo vệ NLĐ được tốt hơn. Ông Sang nhấn mạnh: Tuyên truyền chính sách pháp luật bao nhiêu cũng không có tác dụng to lớn bằng bằng bảo vệ cụ thể quyền lợi cho 1 NLĐ. Để làm được điều đó, CBCĐ phải có bản lĩnh, dám đối mặt với chủ DN để bảo vệ NLĐ.

Kết luận hội thảo, ông Lê Trọng Sang - Ủy viên ĐCT, Trưởng ban QHLĐ cho biết, sẽ tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến đóng góp sát thực của các đại biểu để chỉnh sửa, hoàn thiện “cẩm nang” này trong thời gian tới.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cong-doan-tham-gia-khoi-kien-cac-vu-an-lao-dong-can-bo-cong-doan-phai-co-ban-linh-536077.bld