Công diễn vở opera đặc biệt 'Công nữ Anio' tại Hưng Yên

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), tối 27/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên đã công diễn vở opera đặc biệt 'Công nữ Anio', với dự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hưng Yên và đông đảo người dân trên địa bàn.

Quang cảnh buổi công chiếu vở opera đặc biệt "Công nữ Anio".

Khán giả đã được thưởng thức trọn vẹn sân khấu opera do các nghệ sĩ hai nước biểu diễn và đắm chìm vào câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Hội An, Việt Nam và Araki Sotaro, một thương nhân Nagasaki, Nhật Bản vào thời Mậu dịch Châu Ấn thuyền (Shuinsen) của Nhật Bản, ở đầu thế kỷ 17.

Araki Sotaro là một thương nhân Châu Ấn thuyền, vào đầu thế kỷ 17, anh đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung, Việt Nam). Nhận được sự tin tưởng của chúa Nguyễn, anh được chúa đồng ý gả công nữ Ngọc Hoa về làm vợ. Sau đó, Araki Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki. Tại đây, nàng được người dân Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio san”. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội “Nagasaki Kunchi” ở Nagasaki.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tỉnh Hưng Yên tổ chức một số hoạt động thiết thực, ý nghĩa, trong đó có chương trình biểu diễn opera đặc biệt “Công nữ Anio” minh chứng cho quan hệ tình cảm đặc biệt và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.

Tỉnh Hưng Yên tự hào có địa danh kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử Phố Hiến. Vào đầu thế kỷ 17 - 18, Phố Hiến là trung tâm kinh tế, đô thị lớn và là thương cảng nổi tiếng ở phía Bắc Việt Nam, với thuyền bè tấp nập và nhiều giao thương quốc tế ở biển Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây... Người Nhật Bản đến Phố Hiến từ rất sớm vào khoảng đầu thế kỷ 17. Họ là các thương nhân, người làm nghề hoa tiêu, phiên dịch, môi giới, giáo sĩ…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, trải qua nhiều lần biến động của lịch sử, song quan hệ ngoại giao, hữu nghị, hợp tác và tình cảm đất nước, dân tộc Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản trở thành một trong những nhà đầu tư và đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Đến nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh là 516 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,313 tỷ USD, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng đầu về số dự án với 173 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hiện nay, đã có 169 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 3,258 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định, thời gian tới, Hưng Yên sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản; tỉnh sẽ đóng góp tích cực hơn nữa qua đó góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Quang cảnh buổi công chiếu vở opera đặc biệt "Công nữ Anio".

Dự án opera này được khởi xướng bởi những người Nhật Bản sinh sống tại Việt Nam. Dự án có cố vấn danh dự là ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Đại diện dự án là ông Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Dự án còn hai đồng đại diện khác là ông Trịnh Tùng Linh, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và ông Furukawa Naomasa, Trưởng ban Điều hành "Công nữ Anio"...

Tin, ảnh: Mai Ngoan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/cong-dien-vo-opera-dac-biet-cong-nu-anio-tai-hung-yen-20230927221922603.htm