Công diễn vở kịch nói Việt - Pháp

NDĐT– Dù được biểu diễn bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp, 8 nghệ sĩ của hai nước đã thể hiện thành công sự đấu tranh giữa quyền lực và tình yêu qua vở kịch nói “Andromake” tại Nhà hát Paul Éluard ở thành phố Choisy-le-Roi tối ngày 18-1. Đây là một hoạt động thiết thực của các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp để kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973-2013).

Trong thời gian diễn ra đàm phán Hiệp định Paris, chính quyền và nhân dân tại thành phố này đã hết lòng giúp đỡ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian lưu trú tại đây. Nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử này, thành phố quyết định chọn Việt Nam là chủ đề để tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Mặc cho cái rét âm 1 - 4 độ C cùng tuyết rơi dày đặc, khán giả vẫn đến xem rất đông để thưởng thức sự kết hợp độc đáo của hai phong cách sân khấu kịch Việt-Pháp. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn người Pháp Jean Marie Lejdue, lần đầu tiên vở kịch được dàn dựng ở Việt Nam cùng với Nhà hát kịch Việt Nam, Trung Tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội và công ty Mắt hổ của Pháp (l’Oeil du Tigre) trong vòng hai tháng từ cuối năm 2011.

Vở kịch do nhà viết kịch tài ba Jon Foss viết lại dựa trên tác phẩm của Racine, bằng phong cách nghệ thuật hiện đại, nhằm tạo cầu nối giữa cái “cổ điển” và “hiện đại” trong nghệ thuật sân khấu. Lời thoại bằng hai ngôn ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt được 4 nghệ sĩ Việt Nam và 4 nghệ sĩ Pháp thể hiện đan xen nhau, nói về sự đấu tranh giữa quyền lực và tình yêu và cuối cùng tình yêu đã thắng.

Lúc đầu khán giả Pháp phải xem phần phụ đề bằng tiếng Pháp khi các diễn viên Việt Nam nói, rồi sau đó bị cuốn hút bởi sự diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ trên sân khấu, khiến cho họ cảm thấy như hòa vào nội dung, diễn biến kịch tính của câu chuyện tình yêu đầy bi tráng.

Trong vở kịch “Andromake”, Oreste yêu Hermione, cùng lúc nàng lại theo đuổi Pyrrhus, chàng trai này lại yêu Andromaque – người phụ nữ chỉ yêu thương con trai Astyanax và người chồng Hector đã quá cố. Trong khi đó, Andromaque, đang bị giam giữ trên đất của kẻ thù cùng con trai mình, vẫn giữ được tiết hạnh nhờ tình yêu thương và hi sinh vô bờ bến dành cho con. Bi kịch ở đây chính là bi kịch của đứa trẻ, Astyanax, nhân chứng ngây thơ và nô lệ của cuộc chiến mà người lớn gây ra.

Để có được sự kết hợp ăn ý như vậy, các nghệ sĩ của hai nước đã phải cố gắng rất nhiều để vượt qua các rào cản về cách thức biểu diễn, đặc biệt là vấn đề ngôn ngữ để thể hiện thành công tính cách của từng nhân vật. Anh Nguyễn Vĩnh Sương, trưởng đoàn và cũng là diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam, cho biết một trong những khó khăn lớn đối với các nghệ sĩ Việt Nam là chưa được tiếp cận nhiều với việc biểu diễn thần thoại Hy Lạp và sử thi Iliat. Khó khăn ban đầu rồi cũng qua, các diễn viên biểu diễn bằng hai thứ tiếng khác nhau nhưng vẫn bắt được nhịp của nhau, thể hiện được image cái thần″ và ngôn ngữ chung của vở kịch, đó là ngôn ngữ của tình yêu.

Đạo diễn Jean Marie Lejude, từng dàn dựng thành công nhiều vở diễn cho sân khấu kịch trong và ngoài Pháp, cho biết các diễn viên Việt Nam rất tuyệt, rất chịu khó tập luyện và nghiên cứu để hiểu tận gốc những ý tưởng của vở kịch. Điều quan trọng là ông đã giúp các nghệ sỹ Việt Nam tiếp nhận và thể hiện nét văn hóa và cách làm việc chuyên nghiệp. Trong khi đó, các nghệ sỹ Pháp cũng phải sang Việt Nam để tìm hiểu các bạn diễn của mình và sự thành công của biểu diễn này là kết quả từ sự hợp tác tuyệt vời.

Sau đây, các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục lưu diễn tại một số thành phố khác ở Pháp như Tulle, Troye, Rethel et Reims, nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/tin-chung/cong-di-n-v-k-ch-noi-vi-t-phap-1.387599