Công cụ quan trọng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Để triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, công cụ quan trọng là thúc đẩy Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm (FIHV), liên kết sức mạnh đổi mới trong nước và quốc tế.

Hướng đến chuỗi giá trị thông minh

Phát biểu tại Tọa đàm "Đối tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp" ngày 30.1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Chính phủ xác định là lợi thế quốc gia, trụ đỡ nền kinh tế. Trong đó, sản xuất lúa gạo là trọng điểm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, với yêu cầu thị trường ngày càng cao, quy định các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, chất lượng gạo được nâng cao phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường, sản xuất giảm phát thải, nâng cao thu nhập của người nông dân. Tại COP 26, Thủ tướng đã cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, có thể thấy lúa gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, yêu cầu phải chuyển mình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Tọa đàm

Trong bối cảnh đó, Đề án đã được phê duyệt và để triển khai cần huy động nguồn lực, tiến bộ kỹ thuật và công cụ quan trọng là Mạng lưới đổi mới sáng tạo - với mục tiêu liên kết sức mạnh đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy công nghệ số, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh. Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm (FIHV) sẽ mở rộng quy mô, đẩy nhanh việc chuyển đổi nông nghiệp để đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản. Ngành hàng lúa gạo là ví dụ điển hình khi triển khai mạng lưới này.

Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) Nguyễn Anh Phong cho biết, việc thành lập mạng lưới FIHV sẽ hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành lúa gạo bằng cách huy động chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế liên kết với các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ chế biến sâu lúa gạo, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo để sản xuất lúa gạo giảm phát thải, tận dụng phụ phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cải thiện thu nhập của nông dân, tăng khả năng tiếp cận các giải pháp công nghệ nhằm tăng sản lượng, hiệu quả, chất lượng và giá trị lúa gạo.

Trong sơ đồ phát triển, năm 2024 FIHV sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức, năm 2025 tập trung vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; năm 2026 sẽ mở rộng ra các đối tượng mới như cà phê, rau quả. Đến năm 2027 sẽ xây dựng được các mạng lưới FIHV cấp vùng và 2028 sẽ kết nối với các mạng lưới hiện có trên toàn cầu, như tại châu Âu, Kenya, Ấn Độ, kết nối với mạng lưới của WEF (FAA, First Movers...).

Doanh nghiệp chuyển từ cam kết sang hành động

Chia sẻ sáng kiến đổi mới nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi ngành hàng lúa gạo bền vững, bà Cherie Tan, Giám đốc Quan hệ công chúng, Khoa học và Phát triển bền vững Tập đoàn Bayer cho biết, Bayer đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai mô hình “Nông nghiệp bền vững - Hướng đến tương lai” (ForwardFarm). Với vai trò đồng chủ tịch nhóm đối tác công tư (PPP) trong sản xuất lúa gạo, Bayer nỗ lực hỗ trợ nông dân tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tiếp cận thị trường. Năm 2023, chương trình ForwardFarm đã tập huấn cho 50 cán bộ khuyến nông và 2.000 nhà nông tại đồng bằng sông Cửu Long về thực hành canh tác bền vững. Bên cạnh đó, thông qua dự án ForwardFarm, Bayer cũng đưa ra các giải pháp về công nghệ số, hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo.

“Thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định địa bàn cụ thể ưu tiên triển khai đổi mới. Khi nói về sản xuất lúa gạo phát thải thấp cần phải xác định tiêu chí rõ ràng để khu vực tư nhân có thể nắm. Bên cạnh đó, có 3 yếu tố quan trọng cần quan tâm là công nghệ, thị trường và chính sách để có được những thay đổi hiệu quả đối với các nông hộ nhỏ trong chuyển đổi ngành hàng lúa gạo”, bà Cherie Tan nhấn mạnh.

Trong Mạng lưới đối tác nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, Tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) cũng có nhiều đóng góp về hỗ trợ tài chính, nguồn lực cũng như kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế tham gia. Với những tiến bộ công nghệ để chế biến đa dạng hóa sản phẩm, chế biến phụ phẩm, cải thiện khả năng phục hồi môi trường và chuỗi cung ứng nông sản thông minh thích ứng biến đổi khí hậu là một số trọng tâm sắp tới. Grow Asia sẽ tiếp tục đàm thảo với các bên liên quan nhằm triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha và chuyển mạnh cam kết thành hành động thực tế.

Nhất trí cao với việc chuyển từ cam kết sang hành động, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, các hành động này cần mạnh mẽ, cụ thể, sát với thực tế để đem lại hiệu quả tốt hơn. Lộc Trời sẽ đem tất cả những gì đã làm và đang làm về canh tác giảm phát thải để đóng góp vào sự thành công của Đề án, vì mục tiêu xuyên suốt là "Cùng nông dân phát triển bền vững”.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/cong-cu-quan-trong-thuc-hien-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-i359233/