Công chứng đảm bảo an toàn pháp lý cao cho người dân

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa cung cấp qua Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” những thông tin rất mới xung quanh hoạt động công chứng.

Công chứng và chứng thực là hai hoạt động khác nhau

Nhiều người dân khi gửi thư về Chương trình "Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời" có thắc mắc tại sao cùng một loại giao dịch là mua bán nhà ở mà nơi thì ra công chứng, nơi thì đến Ủy ban nhân dân xã chứng thực với mức phí khác nhau?. Bộ trưởng có thể cho biết tại sao không?.

- Pháp luật hiện hành của chúng ta, từ Bộ luật chung là Bộ luật dân sự đến các luật chuyên ngành có quy định người dân được lựa chọn, hoặc là công chứng hoặc là chứng thực.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời phỏng vấn.

Tuy nhiên, tôi muốn nói công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau, từ chủ thể, hoạt động cho tới hệ quả pháp lý và khoản thu đối với mỗi hoạt động này. Công chứng là hoạt động của Cơ quan Bổ trợ tư pháp do công chứng viên thực hiện. Còn chứng thực là hoạt động do UBND cấp xã, cấp huyện thực hiện. Một bên là hành vi của Cơ quan bổ trợ tư pháp, một bên là của cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện.

Một nội dung rất quan trọng khác là chứng thực chỉ chứng nhận sự việc, chữ ký, chứ không chứng nhận nội dung. Trong khi đó, công chứng phải bảo đảm về nội dung của hợp đồng, giao dịch. Chẳng hạn, trong trường hợp này là mua bán nhà ở và công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giao dịch hợp đồng đó, bảo đảm cho giảm thiểu rủi ro, tăng cường an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Đương nhiên là hai hoạt động khác nhau thì dẫn đến chi phí khác nhau. Hiện nay pháp luật quy định khi công chứng thì người dân phải nộp "phí công chứng", còn khi chứng thực thì phải nộp "lệ phí chứng thực". Và thông thường thì phí công chứng cao hơn mức lệ phí chứng thực đối với cùng một loại việc. Tuy nhiên, đổi lại, nếu được công chứng thì người dân nhận được sự an toàn pháp lý cao hơn.

Tôi cũng xin nói thêm là các nước theo truyền thống luật thành văn như Việt Nam thì người ta phân biệt rất rõ cái gì cần công chứng, cái gì cần chứng thực. Những hợp đồng, giao dịch gì liên quan hoặc có khả năng liên quan đến quyền sở hữu, hay cả quyền chuyển quyền sử dụng đất thì yêu cầu bắt buộc phải công chứng.

Ở nước ta có thời kỳ cũng như vậy. Năm 1945 thì tất cả các hợp đồng này đều chứng thực, nhưng năm 1952 bằng Sắc lệnh của Chính phủ thì những việc về mua bán, cho, tặng nhà cửa và ruộng đất bắt buộc phải trước bạ, hay nói cách khác là công chứng.

Năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật công chứng và bắt đầu tách bạch giữa công chứng và chứng thực nhằm mục đích tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng, qua đó góp phần bảo đảm an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch. Hoạt động chứng thực hiện nay được quy định bằng các Nghị định của Chính phủ và theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì năm 2013 – 2014 tới đây Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Chứng thực để tách bạch rõ hai việc này.

Chi phí của tranh chấp, rủi ro lớn hơn nhiều phí công chứng

- Thưa Bộ trưởng, việc buộc phải công chứng các giao dịch về bất động sản có làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay không?. Hơn nữa, Chính phủ đã có Nghị quyết số 52/NQ-CP, trong đó có đề ra phương án để cá nhân, tổ chức được lựa chọn công chứng, chứng thực theo nhu cầu của mình.

- Đúng là Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ năm 2010 có đưa ra việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho người dân lựa chọn giữa công chứng và chứng thực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, nhất là vào thời kỳ kinh tế suy giảm.

Chúng ta đều biết khủng hoảng kinh tế tài chính ở Mỹ cũng có nguồn gốc sâu xa trong đó là vấn đề công chứng và chứng thực. Vì thế Chính phủ đã giao lại cho các Bộ nghiên cứu lại và trình Chính phủ. Và đầu năm 2012 vừa rồi Chính phủ đã có quyết định tiếp tục lộ trình đơn giản hóa đối với những hợp đồng giao dịch không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu nhà cửa và quyền sử dụng đất, còn nếu liên quan đến hoặc khả năng liên quan đến việc đó thì yêu cầu công chứng.

Đương nhiên là về chi phí như tôi vừa nói, nếu công chứng thì tăng chi phí cho xã hội, cho sản xuất, kinh doanh, nhưng đổi lại nó được sự an toàn. Nếu không an toàn mà dẫn đến tranh chấp, dẫn đến rủi ro thì chắc chi phí của nó còn lớn hơn rất nhiều.

"Phủ sóng" tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc

- Tại Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” lần trước, Bộ trưởng có đề cập đến việc Bộ Tư pháp đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước để xây dựng một bản Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, Quy hoạch này đã được phê duyệt chưa và đến bao giờ thì mỗi huyện có được một tổ chức hành nghề công chứng?.

- Rất mừng là vào ngày 29/12/2012 vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch này. Lần đầu tiên đất nước chúng ta có một Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng cho đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn. Theo Quy hoạch này thì từ nay đến năm 2015 cả nước sẽ phát triển khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng. Vào năm 2020 toàn quốc sẽ có khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng này sẽ phân bố rộng khắp trên toàn quốc.

- Theo tôi được biết, ở thành phố lớn hoặc các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì việc phát triển các Văn phòng công chứng rất thuận lợi, còn đối với các địa bàn khó khăn như các vùng miền núi, nông thôn thì ngược lại, rất khó khăn. Bộ trưởng có giải pháp gì để người dân có thể tiếp cận được dịch vụ công chứng trong trường hợp ở địa bàn khó khăn như vậy?.

- Đúng là ở những nơi đô thị, thành phố hoặc những nơi ở đồng bằng thì việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rất thuận lợi. Tôi lấy ví dụ các tỉnh, không phải là thành phố đâu, như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... tất cả các huyện hiện nay đều có các tổ chức hành nghề công chứng. Vấn đề đặt ra ở đây là vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Trong Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch đã dự liệu vấn đề này. Về nguyên tắc, chủ yếu sẽ thành lập các Văn phòng công chứng (VPCC) xã hội hóa, tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi nào khó khăn trong việc xã hội hóa (XHH) thì lúc đó, Thủ tướng đã quy định Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm xem xét để có thể thành lập các Phòng Công chứng (PCC) của Nhà nước. Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng lộ trình để XHH 139 PCC của Nhà nước hiện nay để một mặt giúp cho vùng sâu vùng xa, một mặt XHH để tiết kiệm chi phí, biên chế của Nhà nước ở những nơi thuận lợi cho việc XHH.

Sửa luật + có Quy hoạch: hiện tượng tiêu cực sẽ sớm được khắc phục

- Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, báo chí đã phản ánh có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các VPCC cũng như hiện tượng công chứng viên đơn giản, dễ dãi, không tuân thủ đúng quy định trong trình tự, thủ tục công chứng. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp có giải pháp gì đối với vấn đề này ?

- Đúng là hiện nay có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các VPCC với nhau, thậm chí giữa các VPCC với các PCC của Nhà nước. Cũng có hiện tượng có VPCC có biểu hiện không lành mạnh, chạy theo khách hàng. Tôi cho là đó là hiện tượng ban đầu của quá trình XHH.

Có thể nói, tốc độ XHH về mặt công chứng ở nước ta rất nhanh. Tính từ 1/7/2007 đến nay thì các tổ chức hành nghề công chứng và cả số lượng các công chứng viên đã tăng gấp 6 lần. Trong khi đó trước kia chúng ta chưa có Quy hoach. Quy hoạch chỉ mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về nguyên nhân thì tôi cho rằng có hai loại nguyên nhân chính. Một là nhận thức của CCV, trình độ, nhận thức của CCV, trong đó có câu chuyện bắt nguồn từ việc dễ dãi trong việc bổ nhiệm CCV, tiêu chuẩn của 1 CCV. Nguyên nhân thứ hai là hiện nay mới có sự quản lý của Nhà nước, chưa có sự tự quản đúng mức giữa các CCV.

Hội công chứng, một tổ chức tự quản của CCV mới được thành lập ở 4, 5 tỉnh, thành phố. Cho nên về giải pháp, trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường vấn đề giáo dục, nâng cao đạo đức của các CCV, tăng cường giám sát hoạt động của CCV và đồng thời năm 2013 có tiến hành thanh tra hoạt động của CCV trên toàn quốc. Bộ Tư pháp cũng sẽ chỉ đạo mở rộng Hội công chứng ở các tỉnh, thành phố khác. Còn về lâu dài, theo tôi, chúng ta cần sửa đổi Luật Công chứng để thắt chặt hơn tiêu chuẩn đầu vào của CCV, trách nhiệm nghề nghiệp của CCV.

Rất mừng là Bộ Tư pháp đã đề xuất và được Chính phủ, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 sẽ sửa Luật Công chứng để nâng cao trách nhiệm của CCV, để giảm thiểu những biểu hiện không lành mạnh của ban đầu XHH. Hơn nữa, bây giờ đã có Quy hoạch rồi, tôi tin là hiện tượng này sẽ sớm được khắc phục.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lan Phương (ghi )

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/tuphap/tintucsukien/201301/Cong-chung-bao-dam-an-toan-phap-ly-cho-nguoi-dan-2074597/