Công bố thông tin quý III trước nguy cơ "tốc độ rùa"

(ĐTCK-online) Đến quý IV/2010, vẫn có doanh nghiệp (DN) xin gia hạn BCTC soát xét 6 tháng đầu năm như trường hợp của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG). Một trong nhiều nguyên nhân được đưa ra là, DN này phải thực hiện báo cáo hợp nhất từ các công ty con. Tuy nhiên, việc quá chậm trễ như trên khiến cổ đông không thể không đặt câu hỏi về tính minh bạch của DN này.

Trong bối cảnh thị TTCK vẫn diễn biến lình xình cùng với tính thanh khoản chưa được cải thiện, có thể nói, việc công bố thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2010 của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) là cơ sở để nhà đầu tư (NĐT) hiểu rõ tình hình hoạt động của DN. Hiện nay, tính kịp thời và minh bạch trong vấn đề công bố thông tin, đặc biệt là công bố BCTC vẫn còn là một vấn đề bất cập đối với NĐT và các cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù đến ngày 25/10 mới đến hạn nộp BCTC quý nhưng việc chậm nộp là điều có thể nhìn thấy ngay từ lúc này. Tính đến ngày 12/10, trên website của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chỉ có vài DN công bố kết quả kinh doanh quý III/2010 và 9 tháng đầu năm 2010 như CTCP Hapaco (HAP), CTCP Kết cấu kim loại và xây lắp dầu khí (PXS). Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng chỉ lác đác vài DN công bố kết quả kinh doanh quý III/2010. Điểm qua có thể thấy, những DN công bố thông tin kịp thời là các DN có kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Các DN thường tìm cách bao biện cho việc chậm công bố báo cáo. Nhiều nguyên nhân được đưa ra như việc hợp nhất đầy đủ số liệu từ các công ty con để lập BCTC hợp nhất mất rất nhiều thời gian, số liệu chưa được kiểm toán… Nhưng có một lý do mà các DN "ngại" công bố thông tin là do kết quả kinh doanh không được khả quan và nếu công bố sớm, vô hình trung sẽ tác động ngay đến giá cổ phiếu của chính DN. Không công bố sớm nhưng nhiều khi thông tin rò rỉ đến tai NĐT hàng tuần trước khi DN công bố chính thức. Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán cho biết, báo cáo kết quả kinh doanh quý là một trong những yếu tố căn bản để NĐT quyết định có đầu tư vào cổ phiếu của DN hay không. Và vẫn là câu chuyện "tốt khoe, xấu che", nếu DN có kết quả kinh doanh khả quan thì đã công bố sớm, NĐT không cần phải chờ đợi, nhưng với những DN có kết quả kinh doanh không tốt thì rất ngại công bố thông tin. Nhất là trong thời gian vừa qua, nhiều DN gặp bất lợi, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh như các DN thuộc ngành thủy sản, vận tải biển… Nhiều DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào tính mùa vụ nhưng chưa đến kỳ thu hoạch; các DN hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, dù DN chưa công bố con số cụ thể thì NĐT cũng phần nào hình dung được tình hình, rằng kết quả kinh doanh quý III sẽ ít khả quan hơn quý II. Nên chăng, hàng tháng, các DN nên cố gắng công bố thông tin vắn tắt về tình hình sản xuất kinh doanh; phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn trong tháng… hay thông tin về việc triển khai thực hiện các dự án lớn để NĐT phần nào nắm được tình hình của DN. Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 1.200 công ty đại chúng - những đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ công bố BCTC theo quy định. Trong đó, có hơn 600 DNNY, CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ). Tuy nhiên, trong số 150 công ty kiểm toán độc lập chỉ có gần 50 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán các DNNY. So với số lượng DN niêm yết (gần 600) và số đối tượng do công ty kiểm toán chấp thuận thực hiện kiểm toán (CTCK và CTQLQ) có thể thấy sự "quá tải" trong công tác kiểm toán BCTC là điều không thể tránh khỏi. Mong muốn thông tin từ các DNNY đến tay NĐT sớm là một nhu cầu cấp thiết để họ ra quyết định mua bán phù hợp. Mới đây, HOSE đưa ra ý tưởng xây dựng một quy trình công bố thông tin trực tuyến, cho phép các thông tin của DN được đẩy thẳng thông tin trực tiếp mà không mất nhiều thủ tục và thời gian như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ là dự kiến. Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm từ phía DN. Chừng nào DN chưa ý thức được việc công bố thông tin kịp thời, chừng đó DN chưa tạo dựng được niềm tin của các cổ đông. Bởi thông tin công khai, minh bạch cũng chứng tỏ khả năng quản trị của chính lãnh đạo DN. Chỉ khi nào NĐT tiếp nhận thông tin một cách thuận lợi và hoàn toàn chính xác, họ mới thật sự đặt niềm tin vào DN và đầu tư lâu dài.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFGGFI/cong-bo-thong-tin-quy-iii-truoc-nguy-co-toc-do-rua.html