Công bố quy hoạch ngành Công nghiệp Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Lần đầu tiên có một bản quy hoạch tổng thể cho toàn bộ nền công nghiệp Việt Nam. Đây là bước xây dựng nền tảng để phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có tiền đề vững chắc để cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Ảnh VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (7/7), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp (CN) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (IPSC), cho biết quan điểm quy hoạch ngành CN là phát triển CN tập trung vào một số ngành CN đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Cùng với đó, sẽ tập trung phát triển CN chế biến, chế tạo nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, phát triển mạnh CN hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Phát triển ngành CN sẽ dựa trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế dân doanh và đầu tư nước ngoài.

Lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm trước mắt là CN hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh là động lực phát triển.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành CN lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: CN chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Đồng thời, chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các vùng lãnh thổ, sẽ bao gồm vùng CN lõi và vùng CN đệm. Trong đó, các địa phương thuộc vùng lõi gồm vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.

Về quy hoạch ngành CN, sẽ có 10 ngành được tập trung xây dựng lại là cơ khí-luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may-da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí.

Về xác định các cụm CN hỗ trợ tại địa phương, bản quy hoạch nêu ra các địa phương sẽ có cụm CN để làm động lực phát triển cho cả vùng là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.

Bản quy hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn để thực hiện.

Về giải pháp ngắn hạn, các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành CN; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý Nhà nước về CN; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu.

Về dài hạn, quy hoạch đưa ra 7 nhóm giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và sản phẩm, phát triển CN hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp CN vừa và nhỏ, CN nông thôn.

Bộ Công Thương là đầu mối trong việc xây dựng quy hoạch, nhưng thực tế nhiều ngành CN do các đơn vị khác quản lý. Ví dụ như ngành đóng tàu do Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính; ngành Chế biến nông sản do Bộ NNPTNT quản lý; ngành CN Dược do Bộ Y tế quản lý chính…

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, quy hoạch ngành CN của Việt Nam sẽ có tác động sâu rộng đến từng người, từng địa phương và từng ngành. Để quy hoạch này đi đúng quỹ đạo và sát với đời sống, rất cần sự vào cuộc của rất nhiều ngành và các địa phương trên cả nước.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/cong-bo-quy-hoach-nganh-cong-nghiep-viet-nam/203106.vgp