Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật vừa được Quốc hội thông qua

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, 8 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Phòng thủ dân sự.

Tại họp báo, trả lời báo chí về lộ trình cụ thể việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lực lượng công an khi Bộ luật Lao động đã có hiệu lực hơn 2 năm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế - Cải cách hành chính, Bộ Công an cho biết, đối với hạn tuổi phục vụ áp dụng cho sĩ quan có tuổi phục vụ trên 60 tuổi sẽ được áp dụng căn cứ lộ trình quy định tại Bộ luật Lao động. Cụ thể là 3 tháng 1 năm với nam sĩ quan và 4 tháng 1 năm với nữ sĩ quan, áp dụng cùng thời điểm với thời điểm Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1/2021. Theo lộ trình này thì đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan là 62 tuổi và đến 2035 nữ là 60 tuổi.

Đối với nhóm nam sĩ quan và nữ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ lần lượt là dưới 60 tuổi và dưới 55 tuổi, theo ông Nguyên, qua khảo sát thực tế trong lực lượng công an hiện nay, tuổi đang phục vụ là rất thấp so với hạn tuổi đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ theo quy định của Bộ luật Lao động.

"Lộ trình đưa vào chính sách trong Luật Công an nhân dân sửa đổi lần này là áp dụng tăng 2 tuổi mà không theo lộ trình của Bộ luật Lao động, bởi vì thứ nhất là không có tác động, thứ hai là thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các độ tuổi, hạn tuổi phục vụ trong lực lượng công an. Việc này sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đã nghỉ theo chế độ trước ngày luật này có hiệu lực là ngày 15/8", ông Phạm Công Nguyên cho biết.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trả lời báo chí.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trả lời báo chí.

Trả lời câu hỏi về việc các quy định của Luật Đấu thầu đã tháo gỡ được tất cả vướng mắc trong vấn đề đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y tế chưa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tất cả những vướng mắc trong ngành y tế hiện nay trong quá trình soạn thảo đã được tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Với những vướng mắc liên quan đến luật thì đã sửa trong luật. Còn những vướng mắc ở văn bản thấp hơn luật thì các cơ quan chủ trì phải rà soát, sửa đổi, đặc biệt là các thông tư.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hình thức chỉ định thầu trong lựa chọn nhà thầu trong một số tình huống sẽ sử dụng hiệu quả hơn nhất là trong những trường hợp cấp bách, đặc thù. Tuy nhiên hình thức chỉ định thầu đòi hỏi phải có quy trình hết sức chặt chẽ chẽ, đảm bảo sự công khai, minh bạch.

“Lần này rà soát và hoàn thiện hơn các quy định về pháp luật. Ngoài ra, cũng cần ứng xử của những người có trách nhiệm trong công việc chỉ định thầu, phải thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật và đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Đặc biệt là đối tượng được chỉ định thầu trong luật cũng đã quy định rõ, rất nhiều đối tượng cụ thể có thể giúp các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền có thể dễ dàng vận dụng trong thực tiễn là đối với loại hình nào thì có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu, làm sao có thể thuận lợi nhất đẩy nhanh tiến độ. Rất mong chờ luật có hiệu lực từ 1/1/2024 tới để giải quyết các vướng mắc ngành y”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trả lời báo chí.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trả lời báo chí.

Liên quan đến vấn đề máy mượn, máy đặt trong các bệnh viện công được quy định như thế nào, đến nay đã được giải quyết được chưa, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin thêm đây là hình thức rất đặc thù đối với các bệnh viện. Cán bộ không làm trong ngành y tế ở cơ quan soạn thảo đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa thành quy định pháp luật. Bởi, việc quy định về mô hình máy đặt, máy mượn phải đảm bảo 2 mục tiêu. Một là, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp máy đặt, máy mượn. Hai là, người bệnh được sử dụng với chi phí hợp lý nhất. Tuy nhiên khi thực hiện mô hình này phải đảm bảo mô hình này không bị lợi dụng, lách luật và có tiêu cực, mà phải có đầu thầu công khai, minh bạch.

Việt Cường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-8-luat-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-post1033205.vov