Công bố dự thảo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn để lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện, trình Chính phủ trước 30/4/2024.

Ảnh minh họa.

Trong dự thảo này, các vấn đề như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp được xác định rõ ràng, cùng với đó là các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên và đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA.

Các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp bao gồm: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Riêng đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự thảo Nghị định chia thành 3 mục với các đối tượng tham gia mua bán điện khác nhau là: mua bán điện giữa đơn vị phát điện và EVN thông qua thị trường giao ngay; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và tổng công ty điện lực; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Theo đó, nếu mua bán điện qua lưới điện quốc gia thì đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện với EVN (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) và bán toàn bộ điện năng sản xuất lên thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo quy định tại Mục 1 Chương III của Nghị định;

Khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng mua bán điện với tổng công ty điện lực, công ty điện lực để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định;

Đơn vị phát điện ký Hợp đồng kỳ hạn với khách hàng sử dụng điện lớn để quản lý rủi ro theo quy định tại Mục 3 Chương III Nghị định.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến công khai. Mọi ý kiến góp ý sẽ được Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương tổng hợp, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ trước 30/4/2024.

Trước đó, triển khai nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA.

Ngày 15/3/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.

Ngày 22/3/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 112 và Công văn số 1942 ngày 25/3/2024, giao Bộ Công Thương tổ chức xây dựng Nghị định theo quy định của pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 814 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định.

Đến nay, Dự thảo 1 của Nghị định về cơ chế DPPA đã hoàn thiện, bao gồm 6 Chương, 35 Điều. Theo đó, chương I quy định chung (gồm 4 Điều); Chương II: Mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng (gồm 4 Điều); Chương III: Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia (gồm 2 Mục, 15 Điều); Chương IV: Trình tự tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (gồm 2 Điều); Chương V: Kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện (gồm 9 Điều); Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 1 Điều).

Dự thảo lần 1 được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công Thương chiều ngày 10/4 vừa qua.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cong-bo-du-thao-nghi-dinh-ve-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-post33758.html