Công bố đồ án quy hoạch Hà Tiên đến năm 2040

Đồ án quy hoạch xác định phát triển Hà Tiên gắn với 3 nhóm chiến lược gồm các chiến lược phát triển tổng quan, các chiến lược phát triển đô thị với kinh tế cốt lõi và các chiến lược phát triển nền tảng.

Sáng 15/3, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040. Hội nghị này cũng kết hợp với công tác xúc tiến đầu tư thành phố Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang.

Thành phố có nhiều hệ sinh thái độc đáo

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thành phố Hà Tiên là thành phố ven biển phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang. Đây là vùng đất biên thùy Tây Nam tổ quốc, là một đô thị truyền thống với 316 năm hình thành và phát triển. Ngoài sức hấp dẫn đến từ cảnh quan và quần cư đô thị lâu đời, nổi tiếng với 10 cảnh đẹp tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ, thành phố Hà Tiên còn nằm trong vùng sinh thái đặc biệt với nhiều hệ sinh thái tự nhiên độc đáo gồm cả hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái ngập nước, núi đồi, rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn và không gian đô thị.

Hà Tiên cũng được xác định là một vùng đất lịch sử, nhiều di sản văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất; là nơi có Tao đàn Chiêu Anh các, tiếp giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới 14 km. Đô thị Hà Tiên có cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, phía Tây và Tây Nam giáp biển, với đường bờ biển dài 26 km, thông thương với Vương quốc Campuchia. Đây là những lợi thế rất to lớn để kết nối giao thương trực tiếp đến các quốc gia Đông Nam Á, phát triển kinh tế một cách toàn diện và đồng thời tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia biên giới, biển đảo phía Tây Nam của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Nhật.

Sau hơn 20 năm thực hiện quy hoạch đã phát huy tác dụng quan trọng, là cơ sở để đầu tư xây dựng, nâng cao trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáng kể cho đô thị Hà Tiên. Hiện, thành phố Hà Tiên đã được công nhận là đô thị loại III, trở thành một trong những thành phố giáp biển hấp dẫn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long với hạ tầng khá đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, khởi sắc nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.

Năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt thành lập thành phố Hà Tiên trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Hai năm sau, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, tâm huyết, trí tuệ và công sức của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Hà Tiên qua nhiều thế hệ.

Nghiên cứu lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo

Tổng diện tích theo hoạch thành phố Hà Tiên và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040 là 34.800 ha, bao gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Hà Tiên (khoảng 10.049 ha, gồm 5 phường là Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu, Mỹ Đức, xã Thuận Yên, xã đảo Tiên Hải) và phần diện tích khoảng 24.751 ha mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã, phường thuộc phần đất liền thành phố Hà Tiên. Theo nghiên cứu, định hướng tương lai là lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo.

Trong đó, khu vực đất liền, đảo tự nhiên có diện tích khoảng 10.049 ha (gồm 1.600 ha diện tích Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên). Các khu vực nghiên cứu lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo diện tích khoảng 11.383 ha. Về định hướng phát triển đô thị, thành phố và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm.

Đô thị phát triển đa hướng với các hướng phát triển chủ đạo dựa trên các tuyến quốc lộ 80, quốc lộ N1, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến đường thủy dọc theo sông Giang Thành, kênh Vĩnh Tế và kênh Hà Tiên - Rạch Giá, tuyến đường vành đai kết nối trực tiếp khu vực cửa khẩu Hà Tiên với vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng các tuyến đường vượt biển phía Nam và phía Bắc Hà Tiên, gắn kết các quần đảo nhân tạo, khu vực sân bay chuyên dùng, các khu vực cảng biển với các khu vực đô thị hiện hữu và phụ cận.

Cấu trúc đô thị được hình thành trên các chiến lược chủ đạo gồm: Chiến lược phát triển đô thị đối ngẫu (Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên tương tác cùng phát triển); chiến lược phát triển đô thị di sản và công nghiệp văn hóa; chiến lược phát triển đô thị cửa khẩu, cảng và sân bay; chiến lược phát triển đô thị trên nước, đô thị chuyên đề và đô thị cộng đồng; chiến lược phát triển đô thị lấn biển, giao thông đa dụng và đa phương tiện, chiến lược hạ tầng xanh và thông minh.

Các khu vực đô thị xen cài với các không gian xanh, các khu bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên đặc trưng gắn với các khu vực tạo việc làm, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học và đào tạo; tổ chức các cụm đô thị, các khu vực chức năng vừa độc lập vừa liên hoàn, tạo không gian giãn cách phù hợp với nền tảng hạ tầng phát triển bền vững, thích ứng với các tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động về kinh tế, xã hội với giới hạn tăng trưởng hợp lý.

Một trong những điểm vui chơi giải trí tại Hà Tiên. Ảnh: Duy Khang.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, đồ án quy hoạch chung thành phố và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên là kết quả của một quá trình nghiên cứu, tổ chức lập, tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân Hà Tiên; được Hội đồng thẩm định thông qua và đánh giá cao về chất lượng. Hiện, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định của Hội đồng, hoàn thiện hồ sơ đồ án và trình phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

“Đây là mãnh ghép cuối cùng, hoàn thành các quy hoạch chung đô thị trọng điểm của tỉnh, sau thành phố Rạch Giá được duyệt năm 2023, thành phố Phú Quốc được duyệt vào đầu năm 2024”, ông Nhàn chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định đồ án quy hoạch xác định phát triển Hà Tiên gắn với ba nhóm chiến lược gồm các chiến lược phát triển tổng quan, các chiến lược phát triển đô thị và kinh tế cốt lõi và các chiến lược phát triển nền tảng.

Trên cơ sở đó, định hướng phát triển không gian theo mô hình đô thị di sản lượng cực nhất thể, đa trung tâm và được chia thành tám khu vực phát triển đô thị truyền thống, đô thị phát triển du lịch di sản văn hóa lịch sử tham quan danh lam thắng cảnh đô thị cửa khẩu. Quá trình tổ chức quy hoạch, quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch mới được công bố ngày hôm nay cần phải bảo vệ nghiêm ngặt di sản, diện tích rừng, hệ thống sông, đầm tự nhiên, các không gian ven biển, các không gian sinh hoạt công cộng, các giá trị thiên nhiên, nhân văn, các bản sắc riêng có của thành phố Hà Tiên. Theo đó, phải quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt biển, khu vực ven biển, vùng bờ bảo tồn biển xây dựng các biện pháp phù hợp để bảo vệ các điểm di tích, di sản, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trên địa bàn thành phố Hà Tiên theo đúng quy định hiện hành.

"Quá trình triển khai đồ án quy hoạch, rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên và Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên quan tâm, đặt lên hàng đầu lợi ích của người dân Hà Tiên, nâng lên đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của nhân dân Hà Tiên đồng thời đảm bảo hài hòa chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Nghị đặt ra mong muốn.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã trao 4 quyết định chủ trưởng đầu tư cho 4 dự án tổng diện tích hơn 16 ha (gồm khu nhà ở nghỉ dưỡng, dự án khu dân cư…) với tổng vốn đầu tư trên 2.400 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang cũng trao 17 biên bản ghi nhớ cho các doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 37.000 tỷ đồng.

Duy Khang - Anh Nhật

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cong-bo-do-an-quy-hoach-ha-tien-den-nam-2040-c2a70316.html