Công bố bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông

Bản đồ công nghệ số giúp nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ TT&TT vừa công bố bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT. Đến nay, Bộ TT&TT là bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố tám bản đồ công nghệ cho tất cả lĩnh vực quản lý của bộ.

AI tạo ra chín trưởng đơn vị ảo

Trước đó, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III với các đối tượng quản lý ở Hà Nội ngày 9-10, Bộ TT&TT đã trình chiếu video clip công bố tám bản đồ công nghệ trong tám lĩnh vực TT&TT. Đáng chú ý là trong video clip, AI đã giúp Vụ KH&CN tạo ra chín trưởng đơn vị ảo đại diện các đơn vị chính thức công bố bản đồ công nghệ trong lĩnh vực mình phụ trách.

Tiết lộ về việc thực hiện video clip để công bố bản đồ công nghệ của Bộ TT&TT tại hội nghị, lãnh đạo Vụ KH&CN cho biết dựa trên hình ảnh, video clip, giọng nói của các lãnh đạo cấp trưởng cùng với nội dung các vị này sẽ nói, AI đã giúp Vụ KH&CN tạo ra chín trưởng đơn vị ảo sau khi huấn luyện cho AI dựa trên giọng nói của các đồng chí này. Việc thực hiện phỏng vấn này với sự hỗ trợ của AI thực sự nhanh chóng và hiệu quả.

Bản đồ công nghệ lĩnh vực bưu chính. Ảnh: Bộ TT&TT

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao ý tưởng này, đồng thời gợi ý AI cần được cải thiện để trở nên sinh động, chân thực hơn nhằm hỗ trợ việc phỏng vấn của báo chí đối với các đồng chí lãnh đạo.

Theo Bộ trưởng Hùng, hiện nay việc phỏng vấn của báo chí gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi thực hiện phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao như bộ trưởng vì khó tìm được thời gian phù hợp giữa người thực hiện phỏng vấn và người được phỏng vấn. Giờ chỉ cần một bức ảnh, nội dung cần nói và clip 10 phút của người được phỏng vấn để nhận giọng, trợ lý AI có thể tạo ra cuộc phỏng vấn mà PV cần. Trợ lý AI thực sự trở thành một công cụ hữu ích, làm thay đổi đáng kể việc đi phỏng vấn của PV báo chí.

Phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ

Bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT được xây dựng dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt; tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới; các tài liệu của một số tổ chức uy tín trên thế giới về cách thức, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước.

Mỗi bản đồ công nghệ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực với bốn loại thông tin là mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian. Cụ thể, với bản đồ công nghệ số cho lĩnh vực chính phủ số bao gồm những thông tin sau:

Bản đồ công nghệ chính phủ số gồm 32 công nghệ số được thể hiện theo hình radar với:

- Các vòng tròn đồng tâm thể hiện thời gian: Dưới hai năm, 2-5 năm, 5-10 năm và trên 10 năm.

- Con số trong các hình tròn chỉ mức độ trưởng thành của công nghệ, số 1 là mức phôi thai, số 2 là mức trẻ em, số 3 là mức thanh niên, số 4 là mức trưởng thành, số 5 là mức chín muồi.

- Độ to hay nhỏ của hình tròn biểu thị cho mức độ ảnh hưởng của công nghệ đó đối với lĩnh vực. Có ba mức là thấp, trung bình, cao.

- Màu sắc của các hình tròn biểu thị cho các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ: Bình minh công nghệ, đỉnh điểm của sự thổi phồng kỳ vọng, đáy của sự vỡ mộng, công nghệ dần được chấp nhận, công nghệ được ứng dụng rộng rãi và ổn định.

Buổi công bố bản đồ công nghệ ngành TT&TT vừa được diễn ra tại hội nghị giao ban ngành TT&TT. Ảnh: MINH HIỂN

Trên thế giới, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thường chọn áp dụng sớm công nghệ từ giai đoạn đáy của sự vỡ mộng, áp dụng rộng rãi sớm thì chọn giai đoạn công nghệ dần được chấp nhận, áp dụng rộng rãi muộn là giai đoạn công nghệ được ứng dụng rộng rãi, ổn định, còn sau đó là công nghệ đã lạc hậu.

Như vậy, bản đồ công nghệ số cho lĩnh vực chính phủ số khuyến cáo lựa chọn áp dụng công nghệ chatbot và full life cycle API management trong vòng hai năm tới.

Bản đồ công nghệ sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn phù hợp với sự phát triển của công nghệ gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.

Bản đồ công nghệ là công cụ hỗ trợ quản lý

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ KH&CN, sau ba tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của tám bản đồ công nghệ cho tám lĩnh vực TT&TT gồm: Viễn thông, bưu chính, báo chí, xuất bản, chính phủ số, an toàn thông tin, đại học số, công nghệ số.

“Bản đồ công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất” - ông Lịch nói.

Bản đồ công nghệ sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả lời ba câu hỏi mang tính sống còn: Các xu hướng lớn nào ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số trong năm nay? Các công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro? Các công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai?

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-bo-ban-do-cong-nghe-linh-vuc-thong-tin-va-truyen-thong-post757944.html