Công bằng trong sử dụng tài nguyên nước

Từ ngày 1-9, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (TNN) được Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Đây được coi là công cụ quan trọng trong khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác, nhất là hướng tới sự công bằng trong sử dụng nguồn TNN.

Nước là tài nguyên vô cùng cần thiết cho đời sống con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tài nguyên này đang đứng trước những thách thức của việc gia tăng nhu cầu sử dụng, dẫn đến khai thác quá mức, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Vì vậy, nước phải được coi là tài sản, là nguồn lực quan trọng của mỗi quốc gia và cần được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Đối với Việt Nam, do nằm ở hạ nguồn các con sông chảy qua nhiều quốc gia lớn, với khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hằng năm được sản sinh từ nước ngoài. Như vậy, nguồn TNN của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn và việc giải quyết các vấn đề nguồn nước quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Các chuyên gia trong lĩnh vực TNN cho rằng, tuy có đặc điểm là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, nhưng TNN lại không phải là vô hạn, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu mới về chia sẻ nguồn nước. Cần áp dụng chế độ thu tiền khi nhà nước trao quyền sử dụng tài sản của mình cho tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm sự công bằng và phù hợp với việc quản lý TNN như một loại tài sản của Nhà nước. Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Quản lý TNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Hoàng Văn Bảy cho biết, năm 2012, Luật TNN được Quốc hội thông qua đã có một điểm mới quan trọng là thu tiền cấp quyền khai thác TNN. Theo đó, tiền cấp quyền khai thác TNN khác với thuế TNN, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng TNN. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình tương tự như khoáng sản, đất đai. Hơn nữa, việc thu tiền cấp quyền khai thác TNN còn góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm công bằng trong việc sử dụng tài sản của Nhà nước.

Tại Điều 65, Luật TNN quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác TNN phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN trong các trường hợp sau đây: Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn. Tiền cấp quyền khai thác TNN được xác định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước. Luật TNN cũng giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác TNN phải nộp tiền cấp quyền khai thác, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN.

Cục trưởng Hoàng Văn Bảy cho biết thêm, để triển khai Nghị định số 82/2017/NĐ-CP một cách hiệu quả, Bộ TN và MT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát giá, tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên trên địa bàn làm cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác TNN. Sở TN và MT tiến hành rà soát công tác cấp giấy phép khai thác, sử dụng TNN thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, thành phố trên địa bàn như: Rà soát, lập danh sách các chủ giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất đã được cấp phép thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN theo quy định của Nghị định. Trên cơ sở đó, thông báo đến từng chủ giấy phép để yêu cầu thực hiện việc tính tiền theo quy định và nộp hồ sơ về Sở TN và MT. Bộ TN và MT cũng yêu cầu Sở TN và MT các tỉnh, thành phố cần thực hiện việc tiếp nhận, tổ chức thẩm định đồng thời hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác TNN cùng với hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất theo quy định của Nghị định đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN theo quy định.

Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã tiến hành triển khai thu tiền cấp quyền khai thác TNN như: Sơn La, Ninh Thuận, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng... và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Ngoài ra, Cục cũng có thông báo tới gần 500 chủ giấy phép khai thác, sử dụng TNN đã được Bộ TN và MT cấp phép thuộc đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN để hướng dẫn và đôn đốc việc tính toán, xác định tiền cấp quyền khai thác TNN; tiếp nhận được 38 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác TNN của các tổ chức, cá nhân trên cả nước về khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/34471902-cong-bang-trong-su-dung-tai-nguyen-nuoc.html