Công an xã vùng rẻo cao biên giới

Là cán bộ công tác tại Báo CAND, cuối năm 2021, thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về xã của Bộ Công an, cơ duyên đưa tôi về Lăng Hiếu, một xã vùng biên tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng làm việc với tư cách là một chiến sĩ Công an cơ sở.

Đối với một cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm công tác thực tiễn tại cấp cơ sở như tôi thì băn khoăn xen lẫn chút tâm tư là những cảm xúc dễ hiểu, bởi bản thân lúc bấy giờ chưa hiểu về phong tục, tập quán, không hiểu tiếng dân tộc, không biết được tình hình địa bàn. Thế nhưng nhờ sự tin yêu, đùm bọc và sự giúp đỡ của anh em cán bộ Công an xã, chính quyền xã và bà con nhân dân địa phương, tôi đã nhanh chóng hòa nhập được với môi trường mới, nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phóng viên Nguyễn Tiến Trung (ngoài cùng bên trái) thời điểm tăng cường về Công an xã Lăng Hiếu (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) phối hợp cùng lực lượng chức năng trên địa bàn tuần tra đường biên, mốc giới.

Tuần tra, trực chiến, trực ban, tiếp dân, giải quyết tin báo, tố giác về an ninh trật tự, cùng góp sức vào chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử… là những công việc chuyên môn mà tôi thực hiện hằng ngày khi là một cán bộ Công an xã. Cùng với đó là những tháng ngày tuần tra đường biên, mốc giới, rong ruổi khắp các xóm để nắm tình hình địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con dân bản.

Bên cạnh những nhiệm vụ chính đó, trong quá trình công tác, tôi cùng đồng đội còn phát sinh thêm nhiều “nhiệm vụ đặc biệt” khác, lần thì rốt ráo tới bệnh viện để hiến máu cứu một người dân bản không may bị trâu húc, lần thì làm ca sĩ không chuyên góp vui tại Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ xã, lần thì làm vận động viên cùng xã tham dự Đại hội Thể dục thể thao huyện… Tôi luôn tâm niệm, vì dân, gần gũi, gắn bó với nhân dân chính là chìa khóa để được chính quyền, nhân dân địa phương tin tưởng, yêu quý.

Nói về chuyện “cùng nói tiếng dân tộc”. Bỡ ngỡ, áp lực những ngày đầu khi không hiểu được ngôn ngữ của bà con dân tộc thiểu số là vậy, nhưng khi được “chắp cánh” bởi những lớp học “ngoại ngữ vùng cao” do chính Công an tỉnh tổ chức, cùng với đó là tự học trực tiếp từ những “giáo viên” - những đồng nghiệp và người dân ở xã, tôi đã tự tin hơn, vốn từ vựng tiếng Tày, Nùng cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều và đã có thể giao tiếp cơ bản.

Nói chuyện với bà con dân bản, bà con biết tôi người Kinh, từ Bộ về, nhưng khi thấy tôi “bắn” được vài câu tiếng Tày, Nùng, bà con “khoái” lắm. Chúng tôi cứ thế mà tiếp tục những câu chuyện thân tình, thăm hỏi lẫn nhau, từ đó tình cảm quân dân càng thêm gắn bó, khăng khít hơn, công tác dân vận nhờ vậy mà cũng hiệu quả hơn rất nhiều.

Bén duyên với những vùng đất biên thùy, chúng tôi đã được trải nghiệm cái gọi là 4 cùng – “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” với bà con nhân dân tại cơ sở. Sau hai năm tăng cường về Công an xã biên giới, chúng tôi đã coi những người đồng nghiệp, những người dân địa phương như người thân, và coi những vùng đất chúng tôi sống, làm việc suốt thời gian qua như ngôi nhà thứ hai của mình…

Lần đầu lên huyện rẻo cao Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa sẽ chẳng ai quên cảm giác hoa mắt chóng mặt, ù tai bởi những dốc cao liên tiếp, thi thoảng lại gặp một khúc cua gập khuỷu tay, ngồi trong xe ôtô mà cứ lắc lư như con thuyền đang vượt sóng. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ ngồi xe liên tục, vượt quãng đường hơn 260km từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, chúng tôi đến được trung tâm thị trấn Mường Lát khi đã nhạt nắng, cảm nhận cái tê buốt của giá rét miền biên viễn.

Đón chúng tôi ở trụ sở Công an xã Tam Chung là Thiếu tá Phan Văn Ú -Trưởng Công an xã. Thiếu tá Phan Văn Ú từng giữ chức vụ Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Mường Lát, rồi làm Trưởng Công an xã Mường Lý trước khi về xã Tam Chung. Thiếu tá Phan Văn Ú cho hay, trong số 8 bản trên địa bàn xã, phức tạp nhất là tình hình ma túy ở bản Ón, đây là bản giáp biên với bản Pâng, Cụm bản Huối Hiềng - Sốp Bau (Lào), ngoài ra bản Ón còn tiếp giáp với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Lợi dụng vùng giáp biên và mối quan hệ họ hàng, đối tượng trong bản thường qua biên giới thăm thân và có các hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, nhiều năm, bản Ón là một trong 2 địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của huyện Mường Lát.

Theo Trưởng Công an xã Tam Chung, sở dĩ tình hình ma túy ở bản Ón phức tạp nhiều năm là do địa bàn giáp Lào, bên đó nguồn ma túy lớn và sự kiểm soát của cơ quan chức năng chưa chặt chẽ. Trước thời điểm chuyển hóa địa bàn, bản Ón có hơn 30 đối tượng liên quan đến ma túy và có 2 điểm phức tạp về ma túy.

Thời gian qua, Công an xã Tam Chung đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác điều tra cơ bản, nắm rõ lý lịch, di biến động của đối tượng; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý bản tổ chức nhiều buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là tuyên truyền tác hại và hệ lụy của ma túy để lại; tổ chức cho các gia đình, dòng họ ký cam kết không tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy…

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình địa bàn, tổ chức bắt giữ 6 vụ việc liên quan đến ma túy, qua đó xóa các điểm phức tạp, lập 2 hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung, số còn lại lập hồ sơ, áp dụng biện pháp cai nghiện tại xã phường. Đến nay, các đối tượng trọng điểm, cốt cán liên quan đến ma túy ở bản Ón không còn, hơn 20 đối tượng đang thực hiện các biện pháp cai nghiện tập trung, cai nghiện tại cộng đồng, uống methadone. Sau 5 tháng thực hiện chuyển hóa địa bàn, tình hình ANTT ở bản Ón đã trở nên yên bình, không còn đối tượng ma túy ra vào hút chích.

Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.

Rời Tam Chung, chúng tôi đi dọc quốc lộ 16 đến bến đò Huy Tùng, xã Mường Lý rồi theo chân Trung úy Lê Đức Long, cán bộ Công an xã Trung Lý đi đò qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn vào bản Tà Cóm.

Đại úy Vũ Chí Duy - Phó Trưởng Công an xã Trung Lý cho hay, trước khi Công an chính quy về xã, công tác quản lý đối tượng liên quan đến ma túy trên địa bàn xã Trung Lý nói chung, bản Tà Cóm nói riêng còn lỏng lẻo. Khi thực hiện chuyển hóa địa bàn, toàn xã Trung Lý có 12 đối tượng bán lẻ ma túy, 36 đối tượng nghiện, nghi nghiện là 45… Thời gian qua, Công an xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Ban quản lý bản và người dân nhận thức sâu hơn về tác hại và hệ lụy ma túy, qua đó vận động người thân, người nhà đang nghiện, nghi nghiện ma túy đi cai nghiện.

Bên cạnh đó, phối hợp với Tổ liên ngành thường xuyên thực hiện tuần tra, góp phần làm giảm đáng kể đối tượng lạ vào địa bàn. Một trong những giải pháp quan trọng là Công an xã đã phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện, Đồn Biên phòng Trung Lý bắt giữ 18 vụ, 23 đối tượng phạm tội về ma túy, phối hợp đấu tranh, triệt xóa 1 chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng. Đồng thời lập hồ sơ, vận động 18 đối tượng cai nghiện tự nguyện và bắt 1 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Trung Lý còn 15 đối tượng nghiện, 14 đối tượng nghi nghiện và 1 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.

Trưởng bản Tà Cóm Thào An Sự vui mừng nói, từ khi Công an chính quy về xã và triển khai mô hình “Bản tự quản về phòng, chống ma túy” tại bản Tà Cóm, dân bản được tuyên truyền nhiều về tác hại của ma túy, nhiều người đã tự giác đi cai nghiện, số người nghiện nay đã giảm hẳn, bà con yên tâm hơn. Trước đây ở bản, có thời điểm hơn 50 người nghiện, nay chỉ còn 8 - 9 người (số liệu do Ban quản lý bản nắm bắt), trong đó hồ sơ Công an quản lý là 6 đối tượng.

Ban đầu Mường Lát xác định 3 xã chuyển hóa địa bàn (Trung Lý, Pù Nhi và Tam Chung), sau đó các xã còn lại cũng thực hiện chuyển hóa để đồng bộ toàn huyện, đến nay, trên địa bàn không còn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Tuy nhiên, để giữ vững kết quả từ “vùng đỏ” sang “vùng xanh” về ma túy, đòi hỏi Mường Lát phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, lực lượng Công an, Biên phòng đóng vai trò nòng cốt, chặn đứng nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn, góp phần giữ vững ANTT vùng biên giới.

Đánh giá vai trò của lực lượng Công an xã trên địa bàn, Thượng tá Trương Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết, có hơn 70% cán bộ Công an xã trên địa bàn là người ở địa phương khác đến, người ở Mường Lát chỉ chiếm khoảng 1/3 quân số, tuy nhiên anh em rất đoàn kết, quyết tâm hoàn thành mọi công việc được giao. Trong khoảng thời gian ngắn triển khai xuống địa bàn, lực lượng Công an xã đã nhanh chóng tiếp cận trọn vẹn mọi công việc từ phòng, chống tội phạm đến quản lý hành chính...

Đặc biệt trên lĩnh vực phòng, chống ma túy, Công an xã đã làm tốt công tác phòng ngừa, công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến ma túy. Bên cạnh đó, Công an xã làm tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng trên tuyến biên giới; tham gia giải quyết trực tiếp các kế hoạch, đề án của Công an cấp trên; tăng cường xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn… Đến thời điểm này có thể khẳng định, lực lượng Công an xã đã đáp ứng cơ bản yêu cầu, nhiệm vụ công tác, là lực lượng nòng cốt để giải quyết các sự việc ở cơ sở.

Trung Nguyễn - Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-xa-vung-reo-cao-bien-gioi-i721317/