Công an tỉnh: Nỗ lực đảm bảo an ninh môi trường và nguồn nước

Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, coi trọng, bởi Hòa Bình là đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân không chỉ trên địa bàn mà còn của hàng chục nghìn hộ dân ở phía Tây Thủ đô Hà Nội. Mất an ninh môi trường, an ninh nguồn nước ở Hòa Bình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, coi trọng, bởi Hòa Bình là đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân không chỉ trên địa bàn mà còn của hàng chục nghìn hộ dân ở phía Tây Thủ đô Hà Nội. Mất an ninh môi trường, an ninh nguồn nước ở Hòa Bình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Nguồn sống của hàng trăm nghìn hộ dân

Nguồn nước mặt sông Đà từ lâu được xác định có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an nguồn nước không chỉ ở Hòa Bình mà còn đối với người dân ở chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Đồng chí Nguyễn Khắc Long, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Theo đánh giá của các chuyên gia, sông Đà có chất lượng nước sạch, hoàn toàn có thể làm nguồn nước thô phục vụ các nhà máy xử lý, cung cấp cho người dân sử dụng sinh hoạt. Hiện nay, ngoài việc đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho gần 50.000 hộ dân trong tỉnh, với khả năng cung cấp từ 17 - 20 nghìn m3 nước/ngày đêm, nguồn nước mặt sông Đà còn là nguồn cấp nước đầu vào cho hệ thống xử lý Nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco), cấp nước cho hàng trăm nghìn hộ dân thuộc chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội.

Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước trên địa bàn đang đứng trước nhiều mối đe dọa, nhất là trong điều kiện tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, cùng với tăng trưởng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, số lượng các cơ sở gia tăng và phát triển, lượng chất thải phát sinh tăng theo, đặc biệt là chất thải công nghiệp. Tại các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa còn chung với nước thải sinh hoạt; nước thải đô thị và nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Nước thải xả trực tiếp hoặc chỉ xử lý bằng bể tự hoại sau đó xả ra môi trường qua các dòng suối, hệ thống cống nước rồi đổ ra sông Đà. Cùng với đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ngày càng gia tăng. Quá trình vận chuyển các nguyên, vật liệu phục vụ công trình, dự án không thực hiện đầy đủ biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, dẫn đến phát tán đất, đá ra các tuyến đường giao thông gây ô nhiễm môi trường... làm ảnh hưởng đến nguồn sống của hàng trăm nghìn hộ dân...

Nỗ lực đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước

Theo Thượng tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, xuất phát từ thực tế trên, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công an tổ chức chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực môi trường và vi phạm pháp luật về môi trường. Tính từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã khởi tố và đề nghị khởi tố 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 274 vụ. Kết quả trên đã giải quyết kịp thời những "điểm nóng”, các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu xử lý chất thải, hủy hoại rừng, vấn đề an toàn, an ninh nguồn nước...

Cùng với đó, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước tại các dòng sông, suối. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 39 sông, suối lớn nhỏ với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lưu lượng dòng chảy bình quân hàng năm khoảng 5 tỷ m3 nước. Ngoài việc khai thác lượng nước mặt để phục vụ sản xuất, hệ thống các sông, suối cung cấp cho người dân khoảng 23 triệu m3/năm để phục vụ sinh hoạt.

Tuy vậy, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cũng có nhiều nguy cơ, tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển KT-XH, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ nguồn nước của một bộ phận người dân chưa cao. Từ thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công an, Công an tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; đã tiếp nhận, xác minh, điều tra, xử lý 27 vụ vi phạm về xả nước thải vượt quá quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến an ninh nguồn nước; xử phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng. Điển hình là lập hồ sơ, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 425 triệu đồng đối với Công ty cổ phần tre, gỗ Hải Hiền (TP Hòa Bình) về hành vi xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra suối đổ về sông Đà...

Ngoài ra, Công an tỉnh phối hợp cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục sự cố đối với 2 vụ việc tiềm ẩn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Không để tình hình diễn biến phức tạp, làm ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu, tiêu cực tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngô Thủy

(Công an tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/185912/cong-an-tinh-no-luc-dam-bao-an-ninh-moi-truong-va-nguon-nuoc--.htm