Con tưởng mẹ là 'quái thú' vì miếng dán chống say tàu xe

PNVN Sau khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe, nhiều trẻ nhỏ rơi vào tình trạng loạn thần, la hét. Thậm chí, có trẻ khi nhìn thấy mẹ lại nghĩ là người khác hay tưởng là đang nhìn thấy quái thú.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 - cho biết, trong thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị loạn thần sau khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe. Nhiều nhất là vào thời điểm mùa hè vì trẻ thường được cha mẹ cho đi chơi xa.

Theo BS Khanh, chuyện đi tàu đi xe bị say là bình thường. Để giải quyết vấn đề này thì nhiều người dựa vào các phương pháp dân gian hoặc sử dụng miếng dán chống say tàu xe.

Tại các nhà thuốc, miếng dán chống say xe được mua khá dễ dàng với giá khoảng 10.000-15.000 đồng, dùng để dán phía sau tai 1-4 giờ trước khi đi tàu xe để ngăn ngừa tình trạng chóng mặt, buồn nôn, nôn... Trên hướng dẫn sử dụng có cho biết, liều dùng cho người lớn là một miếng trong 72 giờ. Riêng trẻ 8-15 tuổi và người lớn có trọng lượng 40 kg chỉ dùng 1/2 miếng.

BS Khanh nhấn mạnh rằng, miếng dán chống say tàu xe không được sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nhiều bậc phụ huynh vẫn sử dụng miếng dán chống say tàu xe cho trẻ dưới 12 tuổi. Có nhiều trẻ mới 5-6 tuổi đã sử dụng loại miếng dán này.

BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo các bậc phụ huynh không sử dụng miếng dán chống say tàu xe cho trẻ dưới 12 tuổi

“Miếng dán chống say tàu xe là loại thuốc ngấm qua da, có tác dụng chống buồn nôn và chống nôn. Việc sử dụng miếng dán này cho trẻ nhỏ có thể sẽ khiến cho trẻ lừ đừ, li bì trong vòng 72 giờ. Nếu trẻ nhạy cảm hơn thì sẽ bị loạn thần, la hét, bò lồm cồm. Thậm chí, có trẻ nhìn thấy mẹ ra người khác, tưởng là quái thú”, BS Khanh cho hay.

Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, việc điều trị cho các bệnh nhi bị tác dụng phụ do miếng dán chống say tàu xe không khó, chủ yếu theo dõi là chính. Cho đến nay thì các ca bệnh do miếng dán chống say tàu xe do BV Nhi đồng 1 tiếp nhận đều điều trị hết, dứt điểm.

Tuy nhiên, do có các triệu chứng giống với bệnh viêm não nên trong một số trường hợp, nếu gặp với bác sĩ chưa có kinh nghiệm thì việc điều trị sẽ phức tạp, mất thời gian hơn.

Bác sĩ khuyến cáo, trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng miếng dán này mà có thể áp dụng một số cách chống say xe bằng dân gian như cho vé ngậm hoặc xoa một chút gừng.

Trước khi đi tàu xe, không nên để trẻ ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Cha mẹ không nên nói chuyện say xe với trẻ trước khi lên xe.Khi ngồi trên xe, nên ưu tiên để trẻ ngồi các hàng ghế trước, tránh gió lùa... Trong trường hợp trẻ bị nôn thì nên chuẩn bị trước túi đựng, khăn ướt, khăn lau và quần áo để thay.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/con-tuong-me-la-quai-thu-vi-mieng-dan-chong-say-tau-xe-post31190.html