Con trai người liệt sĩ ở Tây Nguyên và những câu chuyện xúc động

Tôi biết anh A Đôi cách đây 32 năm. Khi đó, anh đang là phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai-Kon Tum. Anh được cử ra Hà Nội, học lớp Đại học Báo chí khóa 8, Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp, anh về làm việc tại Phòng Tổng hợp, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum. Sau đó anh được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập Báo Kon Tum. Rồi anh được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Kon Tum. Năm 2005 anh được Tỉnh ủy phân công, bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy huyện Kon Rẫy, cho đến hết năm 2009.

Cuối năm 2009, anh về làm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum. Rồi anh sang làm Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum. Năm 2020, anh được nghỉ ngơi, hưởng chế độ hưu trí. Hơn 30 năm sau mới có dịp gặp lại, trò chuyện với anh, biết được nhiều câu chuyện xúc động về người cha là liệt sĩ A Lai của anh, hy sinh trong trận càn của giặc Mỹ ở chiến trường Đăk Sao, Đăk Tô (Kon Tum) mùa mưa năm 1967 và chuyện về những thân phận của người thân yêu của anh phía sau cuộc chiến…

Tuổi thơ mất cha, xa mẹ, ra Bắc để học chữ Bác Hồ

A Đôi là người con ưu tú của dân tộc Xơ Đăng. Anh sinh ra tại vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Đăk Sao, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nay là huyện Tu Mơ Rông (làng dưới chân núi Ngọc Linh), tỉnh Kon Tum. Cả tuổi thơ của anh gắn liền với mưa bom, bão đạn. Bây giờ, cứ mỗi lần trời nổi giông bão, sấm sét, là anh lại liên tưởng đến năm tháng cùng với dân làng sơ tán vào rừng sâu để tránh những trận càn và mưa bom thảm khốc của giặc Mỹ.

Anh A Đôi kể, vào một chiều đầu mùa mưa tháng 7-1967, khi cả làng của anh mới sơ tán vào vùng căn cứ Ta Rang, dưới chân núi Ngọc Păng - Đăk Tô (Kon Tum) mới được vài ngày thì gia đình nhận được tin dữ. Cha anh, ông A Lai, Trưởng ban Kinh tế xã Đăk Sao đã hy sinh trong một trận càn của giặc. Lúc đó, anh mới chưa đầy 7 tuổi. Mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Cả dân làng cùng khóc... Người em gái của anh lúc đó còn quá nhỏ tuổi, cứ ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra với nhà của mình, làng của mình...

Anh A Đôi bảo, lúc đó anh còn nhỏ quá, nên ít biết và nhớ kỹ càng về cha của mình. Thời điểm này, buôn làng của anh cứ liên tục phải sơ tán để tránh những trận càn và bom đạn của giặc Mỹ. Vì hồi ấy còn nhỏ nên anh A Đôi cũng không nhớ là cha mình hy sinh ngày tháng năm nào. Sau này, nhìn vào tấm Bằng Tổ quốc ghi công, anh mới biết chính xác cha mình hy sinh vào ngày 5-7-1967. A Đôi giọng buồn trĩu: “Điều mà tôi và gia đình đau khổ nhất, đó là cha tôi không có được một tấm ảnh để lưu lại hậu thế. Vì đã hơn 50 năm rồi, bây giờ tôi không còn hình dung được hình ảnh chi tiết về người cha kính yêu của mình…”.

Nhà báo A Đôi (bên trái) chụp ảnh chung với tác giả bài viết tại Kon Tum, tháng 7-2023.

Những kỷ niệm thân thương của anh A Đôi với người cha yêu quý của mình thì còn mãi... Anh bảo, hồi nhỏ, cứ mỗi lần thấy cán bộ về làng, thế nào các nhà cũng có muối ăn. Hồi ấy, buôn làng của anh cũng như cả Tây Nguyên thiếu muối ăn lắm. Người dân phải đốt lá rừng lấy than có vị mặn ăn thay muối. Anh kể: “Mỗi lần cán bộ đem muối về cho gia đình, tôi thường giấu người lớn, lấy muối chia cho đám bạn trong làng. Bị mẹ phát hiện, quất roi. Có lần bị mẹ cho ăn roi. Tôi đang khóc nhè thì thấy cha về. Cha bênh tôi, hỏi mẹ vì sao lại đánh con? Mẹ “kể tội” chuyện tôi lấy muối đem cho đám bạn. Biết chuyện, cha tôi cười bảo mẹ: "A Đôi nó biết thương bạn như thế là rất tốt. Chỉ sợ nhất là nó keo kiệt, có gì ngon chỉ ăn một mình...". Kể từ đó trở đi, tôi không bị mẹ đánh đòn nữa...".

Sau ngày cha hy sinh, cán bộ Ủy ban kháng chiến xã Đăk Sao nhiều lần về làng, gặp gia đình A Đôi động viên ông nội và mẹ cho anh ra miền Bắc để học tập. A Đôi kể: “Mỗi lần thấy cán bộ đến, người lớn thường xúi tôi chạy trốn vào rừng. Có hôm, do không chạy kịp, tôi phải nhảy vào chiếc gùi để trốn... Cán bộ đến vận động nhiều lần không được, phải đề nghị ông nội và mẹ của tôi lên Ủy ban kháng chiến xã Đăk Sao làm việc. Cuối cùng, ông nội và mẹ đã quyết định cho tôi ra miền Bắc học. Mẹ tôi lúc đó buồn lắm”.

Đêm đó, buôn làng tổ chức họp tại Nhà Rông để nghe cán bộ phổ biến chính sách, trong đó có việc cậu bé A Đôi được Ủy ban kháng chiến xã cho ra miền Bắc để học chữ Bác Hồ. Và ngày hôm sau, cậu bé A Đôi được cán bộ đưa băng rừng, vượt suối, đi suốt 3 tháng trời mới ra tới được miền Bắc. Thời gian đó là đầu tháng 11-1970.

A Đôi ra Bắc, được học chữ, học nghệ thuật. Anh có năng khiếu vẽ và âm nhạc. Anh kể, hồi còn nhỏ, sống ở buôn làng, cha của anh được gặp họa sĩ Su Man đi công tác qua xã Đăk Sao. Thấy họa sĩ vẽ đẹp, cha anh nói với mọi người: “Sau này A Đôi mà biết vẽ như họa sĩ Su Man thì tốt quá...”. Có lẽ, đó là ý nguyện của cha của anh. Và anh đã đạt được ý nguyện đó.

Nhà báo A Đôi (lúc này là Phó Tổng biên tập báo Kon Tum) chụp ảnh chung với Thiếu tướng A Sang, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh Kon Tum.

Năm 1979, anh đi học vẽ ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Họa sĩ Su Man và các họa sĩ Trường Mỹ thuật ở Huế đã dạy anh vẽ. Kết thúc khóa học, A Đôi được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đạt loại Giỏi. Giấy chứng nhận đó bây giờ A Đôi vẫn cất giữ phẳng phiu. Anh coi đây một kỷ niệm đẹp của mình, trong đó có hình bóng của người cha kính yêu.

Không chỉ có năng khiếu hội họa, anh A Đôi còn có năng khiếu âm nhạc, nhất là với nhạc cụ dân tộc, truyền thống. A Đôi có 2 năm được cử đi học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh có chất giọng khỏe khoắn, mang đậm phong cách người con bản địa của đại ngàn cao nguyên. Hồi học ở trường báo chí, đêm đêm trong ký túc xá hoặc trong các hội diễn văn nghệ, cánh nữ sinh, nam sinh mỗi khi nghe tiếng sáo, giọng hát của anh mà lòng cứ xao xuyến...

Cũng như bao người con miền Nam được đưa ra miền Bắc học tập trong thời kỳ mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ, anh A Đôi là một trong số những người con của dân tộc Xơ Đăng ở Tây Nguyên học được nhiều chữ của Bác Hồ và trở về thành đạt trong công tác. Sau này, anh trở về cống hiến cho quê hương Kon Tum với nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống chính trị của tỉnh. Anh được bạn bè, đồng nghiệp và bà con buôn làng quý mến...

Nơi người cha hy sinh sắc hoa sứ đã hòa vào đại ngàn

Cha của anh A Đôi cùng đồng đội hy sinh ở lưng chừng núi Ngọc La, xã Đăk Sao (thời chiến tranh, xã Đăk Sao mật danh là H80) của huyện Đăk Tô lúc đó. Bây giờ, xã Đăk Sao thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Anh A Đôi bảo, nghe các bác, các chú cùng thời với cha kể lại: Đầu tháng 7-1967, bộ đội địa phương và du kích xã Đăk Sao bị phục kích trong một trận càn không cân sức của giặc Mỹ. Cha của anh đã hy sinh cùng với 2 đồng đội. Đó là đồng chí A Nhing và đồng chí A Prát, đều là du kích của xã Đăk Sao. Đồng chí A Nhing là bác rể, lấy chị ruột của mẹ A Đôi. Sau khi 3 người hy sinh, quân địch gom xác của họ, chất lên nhau. Chúng gài mìn ở dưới để bẫy người đến lấy xác. Lúc đó, trinh sát Tiểu đoàn 304, bộ đội chủ lực của tỉnh Kon Tum đã phát hiện địch gài bẫy mìn, nên đã cảnh báo cho bà con dân làng không tự phát vào lấy xác người thân, nguy hiểm, có thể sẽ thêm nhiều người thương vong. Khoảng một tuần sau, địch không thấy ta đến lấy thi hài liệt sĩ, trước khi rút quân, chúng cho mìn nổ...

Đầu năm 1996, trong một chuyến công tác tại huyện Đăk Tô, A Đôi tình cờ được gặp đồng chí A Brai, Phó trưởng phòng Tài chính - Lao động - Thương binh xã hội huyện và cộng sự chuẩn bị lên xã Đăk Sao để tìm kiếm khai quật mộ liệt sĩ. Thế là anh xin nhập cuộc...

A Đôi kể: Trước khi lên đường, anh không quên ghé qua nhà người bạn để xin vài nhành cây hoa sứ mang theo với hy vọng nếu tìm được mộ chí của cha, sau khi khai quật hài cốt về nghĩa trang, anh sẽ trồng cây hoa sứ ở đó để tỏ lòng nhớ thương của những đứa con đối với người cha liệt sĩ, đã hy sinh vì đất nước.

Bạn đồng môn Báo chí K8 của nhà báo A Đôi viếng mộ liệt sĩ A Lai tại Nghĩa trang liệt sĩ Đăk Tô, Kon Tum.

Từ thị trấn Đăk Tô về xã Đăk Sao, nếu đi bộ phải mất cả ngày đường. Hôm đó, may thay, A Đôi đi nhờ được xe đoàn công tác của huyện Đăk Tô về xã Đăk Sao để triển khai nghị quyết của Đảng. Sau vài giờ đồng hồ, chiếc U oát cũ chạy quanh co trên con đường đất đỏ, cũng lên được đỉnh núi Vang Loan. Từ trên đỉnh núi Vang Loan, có thể nhìn thấy toàn bộ xã Đăk Sao. Hai bờ dòng Đăk Ni bây giờ làng mạc trù phú. Những dãy núi, rừng trùng trùng, điệp điệp. Nơi đây đã từng chở che cho bộ đội, cán bộ, dân làng của anh trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc...

A Đôi tìm gặp ông A Bló, người ở làng Nong Lang lớn. Ông A Bló nguyên là du kích xã Đăk Sao, đã từng chiến đấu cùng với cha của anh trong trận càn tại núi Ngọc La tháng 7-1967. Ông A Bló là người biết nơi 3 liệt sĩ hy sinh. Ông vui vẻ nhận lời chỉ dẫn tìm kiếm. Nhiều thân nhân các liệt sĩ cũng ngỏ lời đi cùng để tìm kiếm, trong đó có anh A Ruổi, con của liệt sĩ A Nhing.

Sáng hôm sau, khi ánh bình minh vừa ló sau đỉnh núi Ngọc Păng, đoàn người đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ lên đường... Họ cùng nhau lên đỉnh núi Ngọc La. Do thời gian đã lâu, kèm theo sự tác động, thay đổi của thiên nhiên, nên ngay cả ông A Bló - người từng chiến đấu ở đây năm xưa cũng khó xác định được rõ nơi 3 đồng đội hy sinh năm ấy. Họ tìm mãi, tìm mãi, nhưng không thấy bộ hài cốt nào, mà chỉ thấy những mảnh vụn của mìn, vỏ đạn... Vậy là sau bao nhiêu năm, thi thể của 3 liệt sĩ đã hóa thành cát bụi…

Anh A Đôi và đoàn tìm kiếm trân trọng lấy từng nắm đất, chia làm ba phần tượng trưng cho 3 hài cốt của liệt sĩ, rồi cùng nhau đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Đăk Tô để chôn cất. Họ đã được yên nghỉ bên cạnh những đồng đội của mình.

Trước khi rời núi Ngọc La, A Đôi cùng đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã trồng nhành cây hoa sứ xuống nơi cha anh và 2 đồng đội hy sinh. Cây hoa sứ bây giờ vẫn mãi tươi tốt, hòa quyện sắc thắm vào đại ngàn...

Những phận người sau cuộc chiến

Trong số thân nhân của 3 liệt sĩ trong đoàn đi tìm hài cốt, thương nhất là A HLang. Ông A Prát, cha của A HLang hy sinh khi anh còn nằm trong bụng mẹ. Nhưng đáng thương hơn là khi chào đời, A HLang lại bị tật nguyền, không được đi học như bao đứa trẻ khác, trong khi đó anh là con trai duy nhất của liệt sĩ A Prát.

Anh A Đôi và anh A HLang trong chuyến đi tìm hài cốt của cha của 2 anh.

Anh A Đôi bảo, mỗi lần về thăm làng, thấy A HLang thương lắm. Anh thường cho A HLang quà. Cuối năm 2022, A HLang mất sau một trận ốm nặng...

Dịp tháng 7 hằng năm, anh A Đôi thường lên Nghĩa trang Liệt sĩ Đăk Tô thắp hương ngày giỗ của cha (5-7) và tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh ở nơi đây.

Khi được hỏi về những người thân trong gia đình, anh A Đôi tâm sự: Sau khi được đưa ra miền Bắc học chữ Bác Hồ, năm 1975, đất nước giải phóng, non sông thống nhất, liền một dải. Tôi trở về buôn làng. Lúc này tôi đã 15 tuổi. Khi về đến làng, hay tin ông nội và người mẹ kính yêu của tôi đã mất năm 1972, sau trận ốm nặng...

Cha mẹ anh A Đôi sinh hạ được hai người con. A Đôi là con trưởng. Em gái sinh 1965. Năm 1979, học văn hóa tại Trường nuôi dạy con thương binh, liệt sĩ tỉnh Gia Lai-Kon Tum, đóng tại thị xã Kon tum, học vài năm về làng làm nông. Năm 2015, cô ấy ốm và mất...

Trong số những người con của 3 liệt sĩ trong trận càn ở Đăk Sao năm xưa, có lẽ A Đôi là người may mắn hơn cả. Anh được Đảng và Nhà nước cho học hành, đào tạo bài bản. Năm 2019, có chuyến công tác vô Kon Tum, biết nhà riêng của anh ở phố Thi Sách, kế bên tòa soạn Báo Kon Tum, dự định tới thăm, nhưng anh lại ra Hà Nội kỷ niệm 65 năm Trường học sinh Miền nam trên đất Bắc (1954 - 2019). Một thế hệ người miền Nam được đưa ra miền Bắc đào tạo về sau đều trưởng thành. Nhiều người giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước...

Khi hỏi về người "nâng khăn, sửa túi" của mình, anh A Đôi cho biết, bà xã tên là Y Hồng Hà, có cha là người dân tộc Xơ Đăng và mẹ là người dân tộc Giẻ Triêng. Ông bà trước đây đều là công an huyện Đăk Tô. Chị Y Hồng Hà hiện là Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Kon Tum. Bây giờ anh A Đôi đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Còn chị Hà, vợ anh vẫn đương nhiệm.

Vào cuối tuần, vợ chồng anh A Đôi thường về huyện Kon Rẫy để... làm rẫy. Huyện này là nơi anh từng làm Bí thư Huyện ủy. Anh bảo, ở Kon Rẫy, mấy chú thương, cho cái rẫy con con để làm cho vui khỏe. Anh A Đôi xách tặng tôi ký me rừng mọc tự nhiên ở rẫy nhà. Anh khoe, những trái me rừng này có hàm lượng Vitamin C gấp 20 lần cam, chanh đấy nhé... A Đôi sống tình cảm, chân chất như những cánh rừng đại ngàn ở miền cao nguyên đất đỏ.

Nhà báo A Đôi gặp gỡ bạn bè báo chí tại Kon Tum.

Khi tôi đang viết bài báo này thì một đồng nghiệp có bố mẹ từng sinh sống và chiến đấu ở mặt trận Đăk Tô - Tân Cảnh năm nào - nơi được ví như "Điện Biên Phủ của Tây Nguyên" cung cấp thông tin. Anh cho biết, cha của anh là Trung tá Hà Sỹ Ngữ, nguyên Huyện đội trưởng huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai hay kể về những trận càn của giặc Mỹ ở Đăk Tô, Tân Cảnh...

Nhiều đồng chí chiến đấu ở mặt trận này sau trở thành sĩ quan cao cấp của quân đội. Có thể kể đến như: Thiếu tướng Lý A Huê, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum; Thiếu tướng A Sang, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Kon Tum. Anh A Đôi gửi cho tôi bức ảnh chụp chung với Thiếu tướng A Sang, Tỉnh đội trưởng tỉnh Kon Tum lúc đó. Hồi này, anh A Đôi đang là Phó tổng biên tập Báo Kon Tum.

Thế hệ những người như bác A Lai, A Nhing, A Prát, A Sang, Lý A Huệ, Hà Sỹ Ngữ và nhiều người khác nữa đã làm nên những chiến công vang dội một thời trên mặt trận Đăk Tô, Đăk Sao... để có được Tây Nguyên hùng vĩ như hôm nay.

Tây Nguyên - Hà Nội, mùa mưa tháng 7-2023

HÀ HUY PHƯỢNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/con-trai-nguoi-liet-si-o-tay-nguyen-va-nhung-cau-chuyen-xuc-dong-736380