Con Tì Hưu

Ông anh vẫn thờ ơ mặc nhiên với tất cả người thân. Tiền nhiều thế nhưng hầu như không mua nổi một đồng quà tấm bánh cho bố mẹ. Cách đây một hai năm gì đấy, một hôm gặp nhau ở đầu ngõ ông anh khoe hắn rằng: 'Tao vừa cho bố hai trăm nghìn đấy'. Hắn nở nụ cười như mếu không biết đáp lời anh mình ra sao nữa.

“Bố mẹ sinh con trời sinh tính” - Cổ nhân đã dạy thì không có gì sai. Nhà hắn có năm anh chị em nhưng tính nết của từng người lại khác xa nhau lắm. Nay nhé, bà chị cả vóc dáng nhỏ thó tính tình hiền hòa không thấy chị ấy đỏ mặt hay to tiếng với bất kỳ ai. Chị lúc nào cũng ăn mặc nền nã, mái tóc suôn thẳng mềm mại và điều đặc biệt hơn cả là chị rất hiếu kính bố mẹ. Vì cuộc sống khốn khó năm ba mươi tuổi chị đăng ký đi xuất khẩu lao động, lận đận trời Tây gần hết một kiếp người vừa đây mới về quê an yên sống nốt quãng đời còn lại.

Những năm tháng khó khăn thời bao cấp nếu không có những miếng vàng vài chỉ của chị gửi về nuôi gia đình thì không biết bố mẹ còn được đầu bạc răng long bên nhau và các anh em của hắn chẳng biết giờ là người hay là ngợm nữa.

Cứ nghĩ những năm tháng khó khăn của thời bao cấp nước mắt hắn chỉ chực tuôn ra, mạn sườn trái đau thắt.

*

Người kế theo là anh hai của hắn, người quê thường gọi là anh cả, vì theo quan niệm phong kiến người con trai cả trong gia đình là người chịu trách nhiệm nuôi cha mẹ khi về già và thờ cúng tổ tiên. Ông anh trai cả này cao ngổng, lúc bé thường được mệnh danh là anh “Hai Sếu” nước da xám mét dáng người khắc khổ. Nhìn dáng đi lòng khòng, đôi mông lép tọa trên hai chân khẳng khiu. Dù anh mặc toàn đồ hiệu thế giới cũng chẳng thể toát lên dáng vẻ của người có tiền. Anh thuộc loại đại gia tự thân của gia đình, ước tính khối tài sản có đôi trăm tỉ. Giầu thì anh bậc nhất, không anh chị em nào trong nhà hắn không kiêng nể về độ giàu có của anh. Ngay từ khi mới ngoài hai mươi anh trai hắn đã biết vận dụng câu “phi thương bất phú” và bắt đầu kinh doanh. Sau một vòng khảo sát khắp chợ anh trai hắn kết luận: "Chợ này không có một hàng sắt nào mình sẽ mở một hàng sắt".

Như máu kinh doanh đã chảy sẵn trong người, anh trai hắn về tận phố hàng Sắt Hà Nội lấy hàng. Mua tận gốc bán tận ngọn, anh trai hắn sau mười năm phất lên trông thấy. Vốn liếng đã rủng rỉnh, anh trai hắn quyết định chuyển đổi ngành nghề bán một mặt hàng xa xỉ bậc nhất trong xã hội đó là mở cửa hàng vàng. Tiền là vàng, vàng là tiền một nghề không lo thua lỗ hay mất vốn. Cứ thế, cứ thế anh trai hắn giàu không cưỡng được.

Giàu là thế nhưng anh trai hắn lại thích lối sống đạm bạc. Ăn uống chừng mực và hầu như không chi tiêu gì.Nồi cơm nấu chỉ đủ ăn cấm được nấu thừa, đứa lớn có quá tay thêm chút gạo thì bữa ấy chán mà nghe anh cả cằn nhằn: "Lãng phí, không tiết kiệm từ cái nhỏ thì làm gì có cái lớn, chúng mày cứ phung phí như thế thì chỉ có ăn mày, ăn mày…".

Mỗi năm có một hai lần tổ dân phố đến vận động đóng tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung, vợ anh cả thản nhiên bảo rằng: "Nhà tôi đóng thuế cho nhà nước rồi nên không đóng bất cứ khoản tiền nào cả mời các bác đi cho".

Chỉ một lần trả lời dứt khoát như thế các bác tổ dân phố chạy mất dép.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Người ăn xin có đến ngửa nón xin tiền thì chị dâu cả xua như gặp tà ma.

Dạo anh cả mới lấy vợ mỗi lần đi lấy hàng dưới Hà Nội thường mua quà về cho vợ rồi hai vợ chồng ăn vụng với nhau trong buồng. Mẹ kể, có một lần hai vợ chồng mua mực khô đem nướng vụng, ai dè mùi mực nướng thơm tỏa ra cả phòng ngoài. Mẹ biết nhưng thật khó mở lời may mà mấy đứa em đã ngủ chúng còn thức thì tội quá.

Một lần anh cả bảo với hắn:

''Nay mai tao chết cứ chôn ở góc vườn việc gì phải mua đất nghĩa trang cho rách việc''.

Hắn nghe xong buột miệng nói: "Ối anh định làm ma xó trong vườn à?".

Về phương diện tình cảm trong gia đình thì anh trai hắn khép kín tới mức lạnh lùng. Anh trai hắn thản nhiên trước những biến cố của anh chị em ruột thậm chí là cả đối với bố mẹ.

Hắn nhớ lại cái lần hai bố con hắn đi lấy hàng sắt giúp ông anh, hai bố con được đãi hai nắm xôi muối vừng. Khi về qua khúc sông mùa nước cạn người thì đói rủn sau một chặng đường dài 130km bò toài trên con xe cà tàng với hai bao tải hàng nặng. Bánh xe mắc vào hòn đá đổ nghiêng, Bố hắn gương mặt tái sạm mồ hôi chảy ròng cố gắng gượng nâng xe lên giọng hổn hển động viên hắn: "Cố giúp anh con ạ. Anh em như chân với tay, ruột già máu mủ phải biết đùm bọc nhau".

Khúc sông cạn lổn nhổn đá năm nào giờ đã xây một cây cầu lớn với bốn làn đường. Mỗi lần qua cầu hắn lại nhìn thấy bố gương mặt tái dại đang đứng quệt giọt mồ hôi thở từng nhịp đứt quãng. Lời dạy của bố như vừa hôm qua nhưng không thấm một từ nào vào đầu anh trai hắn.

Ông anh vẫn thờ ơ mặc nhiên với tất cả người thân. Tiền nhiều thế nhưng hầu như không mua nổi một đồng quà tấm bánh cho bố mẹ. Cách đây một hai năm gì đấy, một hôm gặp nhau ở đầu ngõ ông anh khoe hắn rằng: "Tao vừa cho bố hai trăm nghìn đấy".

Hắn nở nụ cười như mếu không biết đáp lời anh mình ra sao nữa.

Hai trăm nghìn đồng ấy quả là mua được cân đường hộp sữa nhưng gần hết đời người mới làm được một lần như thế nghe sao tủi, sao ngậm ngùi chua xót đến thế.

Cũng may trời còn thương bố mẹ hắn nhà có cậu út có công ty riêng làm ăn khấm khá và nhất nhất hiếu thương bố mẹ. Cậu út nhận nuôi bố mẹ và bao nhiêu cái giỗ gia tiên cậu út làm hết.

*

Hắn nhớ thời nghèo khó một cân đường không mua nổi và biết bố thích ăn ngọt nên khi có tí tiền cậu út mua cả một bao tải năm mươi cân đường cho bố, để bố thỏa thuê pha nước chanh đường uống hàng ngày.

Khi bố mẹ hắn về già bao đận đau ốm nằm viện, vợ chồng cậu út chăm lo chu toàn cả. Cậu út trả lương cho một chú y sĩ hàng ngày đến đo huyết áp tiêm tiểu đường cho bố mẹ. Sau khi bố mất sợ mẹ buồn cậu út thuê một cô giúp việc nhà và trò chuyện nhổ tóc sâu cho mẹ.

Đi làm về bao giờ cậu út cũng ghé vào phòng mẹ hỏi: "Hôm nay mẹ thế nào mẹ thiếu gì, cần mua gì nói với con".

Cậu út làn da trắng hồng gương mặt và dáng người đẹp như tài tử xi nê.

Cậu út là người giữ lửa và kết nối gia đình để mọi người gần gũi với nhau. Ngoài những dịp giỗ tết ra thì thỉnh thoảng cậu lại tổ chức ăn uống gặp mặt. Có lúc phạm vi hẹp chỉ có anh chị em dâu trong nhà nhưng cũng có lúc “cơ chế mở rộng” là có mặt tất cả con cháu, dâu rể trong gia đình.

*

Một thành viên nữa trong gia đình phải nhắc đến là bà chị trên hắn. Trong cả gia đình mọi người đều theo nghiệp buôn bán kinh doanh thì có một cô con gái cứ thích đi theo con đường công chức cho nó oai nhưng nghèo “vĩ đại”.

Nghèo thì chẳng giúp được ai bằng tiền nhưng bù lại chị hắn có tấm lòng nhân ái thương người.

Nhà có mấy đứa cháu tốt nghiệp đại học xong là bà chị đứng ra lo xin việc cho chúng.

Chị cả khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài có đứa con gái phải gửi dì chăm nuôi. Dì tròn trách nhiệm thương nó hướng nghiệp học hành đàng hoàng, giờ đứa cháu đã yên bề gia thất.

Với bố mẹ chị cũng cố gắng phận làm con. Lúc bố mẹ chuyển nhà theo cậu út về phố, chị cũng vét túi tiền có bao nhiêu giúp cậu út một phần mua ngôi nhà cho bố mẹ ở, nhưng đôi khi lực bất tòng tâm cứ loay hoay mãi với chữ nghèo mà muốn giúp nhiều hơn nữa cũng đành chịu.

Bà chị công chức ấy có mái tóc xoăn mềm như tơ, đôi mắt ướt, ánh mắt u hoài. Có lẽ cuộc đời nhiều bất hạnh đau thương quá nên đời chị cứ ngẩn ngơ như thế.

Chị lấy chồng sinh con rất sớm nhưng cuộc hôn nhân đổ vỡ, đứa con đầu chết khi cháu mới qua tuổi thiếu niên. Chị vượt qua tất cả bão giông tự mình liếm láp vết thương mà sống. Nghèo nhưng không hèn.

Dạo này lại thấy chị làm thơ, nào thơ đăng phây nào thơ in báo. Phải chăng đó là cách để chị sống vui mỗi ngày.Những dịp gặp mặt cậu út toàn trêu bà chị: "Giới thiệu với mọi người đây là nhà thơ Lệ Rơi của gia đình".

Mọi người phá lên cười vui vẻ. Chị cũng ỏn ẻn như mới lớn cười theo. Ánh mắt như đang dõi về chốn xa xôi.

*

Người cuối cùng là hắn.

Hắn thuộc dạng làng nhàng chẳng giầu mà cũng không nghèo. Sau khi rời quân ngũ hắn quyết chí lập nghiệp. Hắn chọn nghề gọi là tôn vinh cái đẹp đó là làm may.

Cái nghề để phất lên làm giàu là không thể. Còng lưng mờ mắt bán sức mà kiếm tiền. Để có cuộc sống dư dả nuôi hai con ăn học bằng người là cũng ghê gớm lắm rồi.

Có những đêm mất ngủ hắn nghĩ lại mà thấy tiếc giá như ngày ấy đừng xuất ngũ cứ theo con đường binh nghiệp giờ chắc cũng sao này vạch nọ mặt vênh với đời.

Nằm nghe con thạch sùng tặc lưỡi trên tường nhà hắn chợt giật mình tỉnh mộng an ủi chính mình: "Ờ biết đâu ngày ấy ở lại rồi vòng xoáy kim tiền làm cho con người đảo điên khéo lại dính vào lao lý, tù tội thì nhục nhã cho ba đời bốn kiếp dòng họ tổ tiên. Tham vốn là bản tính của con người nếu mà bất chấp lại không khéo dựa cột.

Nghĩ đến đây tự nhiên hắn lại nghe thấy đoàng đoàng như hai phát súng nã vào đầu. Vốn nhát nên hắn run cầm cập cả ngay trong suy tưởng.

Hắn là người cũng thuộc tuýp nhu mì dĩ hòa vi quý với anh em bạn bè và hàng xóm.

Hắn có hiếu với cha mẹ vừa đủ.

Thế cũng quý rồi chứ lại như ông anh thì nhà mạt phúc.

*

Ông anh trai cả giờ đây tư duy thay đổi đến bất ngờ biết hưởng thụ cho riêng mình, biết du lịch đây đó. Thay vào chiếc áo may ô thời cổ cũng đã biết sắm cho mình cái áo phông đồ hiệu nhưng dù mặc gì thì nhìn vẫn không hề thăng hạng với dáng đi lòng khòng ấy.

Trong nhà xì xào: "Hay có em ún?".

Thắc mắc đã được cậu út giải mã. Không biết qua kênh nào mà cậu út biết rõ anh mình có em ún trẻ ngon. Anh trai cũng đã đầu tư cho nàng vốn liếng rất lớn, nghe nói xây cả một tiệm vàng cho nàng.

Cậu út thở dài nói vu vơ với bà chị nhà thơ Lệ Rơi rằng: "Ông anh mình bị ngã đập đầu sân giếng"

Bà chị vốn thật thà hỏi lại: "Ngã thật à có sao không?".

Cậu út bấy giờ mới thủng thẳng giải thích: "Ý em nói là ông anh mình thần kinh có vấn đề, với bố mẹ thì không chăm lo gì còn với gái thì chiều chuộng hết mức".

Hai chị em nhìn nhau lắc đầu chán ngán.

*

Ngày bố mất ông anh hai du ngoạn trời Tây. Cả nhà phải chờ mấy ngày mới làm lễ an táng bố.Khi đưa bố vào lò hỏa thiêu sợ ông anh trai không đi kịp từ sân bay quốc tế về. Cậu út lại phải đút lót người của nhà tang lễ cho chậm giờ lại mới hỏa thiêu để anh con trai nhìn mặt bố lần cuối.

Anh trai cả cuối cùng cũng xuất hiện, người nhà vội vàng đưa mảnh khăn tang quấn vào đầu rồi vào nhìn mặt bố lần cuối.

Vong hồn bố sống khôn thác thiêng lẽ cũng mỉm cười khi nhìn thấy anh cả. Bởi lúc còn sống bố luôn quý anh cả lắm.

Giây phút cuối cùng diễn ra nhanh, người ta đẩy bố vào lò hỏa thiêu, các con bố sụt sùi nghẹn ngào chia tay bố.

Anh trai cả đứng chắp hai tay nét mặt bình thản như sống chết vốn là quy luật.

*

Hôm nay cậu út lại tổ chức mấy mâm cơm để chị em bên nhau. Nhân lúc anh trai cả chưa tới mọi người bèn đưa chuyện anh cả ra đàm đạo.

Hắn phát hỏa đầu tiên:

- Này ông anh nhà mình giầu thế không biết tiền để làm gì nhỉ?

Chị cả nhỏ nhẻ:

- Để cho các con tiêu.

Cậu út:

- Để con tiêu cháu phá. Cậu cứ nghĩ anh mình nếu mà không có tiền thế liệu em ún nó có theo không nhỉ?

Hắn nhanh nhẩu trả lời luôn:

- Còn lâu. Với lại sao keo thế mà đi gái lại thoáng, lạ thật.

Vợ hắn:

- Không có tiền con lâu gái mới theo nó chả ị cho vào tay ấy chứ.

Sau câu nói là một cái nguýt dài bỏng rát má trái hắn. Hắn bèn im tịt luôn trong đầu vội nghĩ thôi im cho nó lành.

Mọi người lại bảo: "Các cụ dạy thế gian được vợ hỏng chồng nhưng cả vợ chồng nhà này giống nhau.

Hê hê chồng nào? vợ nấy mới ở được với nhau chứ?

Bà chị nhà thơ Lệ Rơi thủng thẳng hỏi:

- Đố mọi người biết vì sao anh trai cả giàu không?

Mọi người lao xao:

- Thì gặp vận, biết tính toán, chí thú làm giàu…

Khi ấy bà chị nhà thơ Lệ Rơi mới đưa ra đáp án:

- Mọi người nói đúng nhưng chưa đủ còn thiếu điều này: Anh cả nhà mình là người không có hậu môn chỉ ăn vào không ị ra giống con Tì Hưu. Ha ha, hi hi….

Mọi người cười như địa chủ được mùa ai nấy gật gù:

- Nhà thơ Lệ Rơi nói chuẩn.

- Hi hi ha ha…

Hắn nhìn ra cửa giật mình e hèm lớn bảo mọi người:

- Loa loa… xin thông báo vợ chồng nhà Tì Hưu đã đến.

Mọi tiếng cười im bặt.

Gương mặt đăm chiêu, dáng khòng với cặp mông lép của anh trai cả trái hẳn dáng vẻ béo tốt của con Tì Hưu, có giống thì chỉ giống nó ở điều ăn vào nhưng không ị ra.

Loài người thâm thật, một con vật như thế cũng nặn ra và lạ hơn cả rất nhiều người thích đã mua về, coi nó như linh vật đáng trân trọng để mà thờ cúng.

Tên con linh vật khác biệt nhất trong tất cả các loài thú là không có hậu môn được gọi là con Tì Hưu.

Không biết con Tì Hưu ấy nếu biết yêu nó có thoáng như anh trai cả không nhỉ?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/con-ti-huu-i716271/