Con thích siêu nhân nhưng mẹ lại chọn truyện cổ tích

Bạn tôi nói rằng khi đến nhà sách con rất thích vào xem sách siêu nhân hay khủng long nhưng mẹ lại quyết chọn truyện cổ tích vì nghĩ như thế tốt hơn.

Cho rằng trẻ chưa đủ kỹ năng lựa chọn sách, nhiều phụ huynh đang ép con phải đọc sách theo định hướng của mình khiến con mất dần hứng thú với việc đọc sách. Câu chuyện chọn sách của người bạn tôi kể dưới đây là một ví vụ.

Cô ấy là nhân viên ngân hàng, có con trai gần 6 tuổi. Nghĩ con còn quá nhỏ để chọn sách nên cô ấy thường tự mua về, nhưng lần nào cũng vậy, con không thích đọc và mẹ thì giận dữ.

Cô ấy nói rằng khi đi nhà sách con rất thích xà vào xem sách siêu nhân hay sách khủng long nhưng mẹ lại quyết chọn truyện cổ tích vì nghĩ đọc như vậy bạo lực quá, chọn truyện cổ tích tốt hơn cho con.

Tôi mới hỏi rằng con có thích những truyện cổ thích mẹ mua không. Cô ấy buồn bã đáp, đa số sách mẹ mua về con không thích vì hình minh họa không hấp dẫn và đặc biệt không có nhân vật con thích. Lúc có mẹ hoặc bố đọc cùng thì con nghe nhưng sau lại để đấy.

Trẻ thích thú khi được đọc loại sách mình chọn. Ảnh: Ngọc Hân.

Tôn trọng con qua việc chọn sách

Thực tế, việc để trẻ lựa chọn sách theo ý muốn là cách bạn tôn trọng trẻ. Con thích siêu nhân không có nghĩa là sau khi đọc sách con sẽ hóa thân thành siêu nhân như nhiều người nghĩ. Hoặc dán mắt vào những con khủng long to lớn, xù xì thì con ưa bạo lực. Cha mẹ đâu biết nhiều nhân vật khủng long hay siêu nhân vô cùng dễ thương.

Tôi lấy ví dụ về cuốn truyện tranh “Hàm răng của khủng long” mà con tôi rất thích. Cuốn truyện nói về hàm răng của chú khủng long Kaka khi nhai cả cành cây. Mỗi khi Kaka nhai cái gì đó, con đều bắt chước như muốn thể hiện mình cũng mạnh mẽ như chú khủng long vậy. Vậy là khi đọc, bố hoặc mẹ đều có thể hóa thân vào nhân vật để diễn tả lại cùng với con mình. Cuốn sách phù hợp với các bạn bé từ 0- 3 tuổi.

Hay như bộ truyện tranh rất nổi tiếng: Siêu Thỏ, với hình ảnh chú Thỏ con Simon luôn tự nhận mình là Siêu Thỏ. Ở đó, các con sẽ thấy một Siêu Thỏ can đảm, không sợ gì, dù trời có tối đến đâu, đêm có lạnh đến mấy cũng vượt qua… Dù là siêu nhân như thế, chú siêu Thỏ này lại không chịu đi học, không thích ngồi bô, thi thoảng còn nói bậy nữa - đâu khác gì những đứa trẻ tinh nghịch ở nhà chứ.

Tiếp xúc với những nhân vật yêu thích sẽ khuyến khích khả năng tiếp thu của trẻ. Ở lứa tuổi từ 3-6, khi được cha mẹ cho chọn sách, trẻ cảm thấy tự tin, thoải mái, được tôn trọng, làm được điều có giá trị. Đối với lứa tuổi 4-6 tuổi, thậm chí, khi đọc xong cuốn sách có nhân vật mình yêu thích, con có thể trình bày lại câu chuyện.

Khi chiều theo ý thích của con, phụ huynh có thể khéo léo gợi ý cho trẻ về quyển sách mà mình muốn giới thiệu. Từ đó, cha mẹ có thể định hướng được việc đọc sách của con và xây dựng hành trình đọc sách của trẻ theo ý muốn của mình.

Các em nhỏ tham gia "Ngày hội đọc sách 2019" ở TP.HCM. Ảnh: Zing

Hãy kể lại khi nào con thích

Ở lứa tuổi lớn hơn, điều các con cảm thấy khó chịu nhất là việc “tạo kỳ thi” trong việc đọc sách. Áp lực này không khác việc thi cử, vốn là một việc khá nhạy cảm với các con.

Những câu hỏi kiểm tra thường là thói quen nhưng sẽ khiến trẻ trở nên ghét đọc sách như: Con có nhớ là con vừa đọc gì không? Con có thể kể lại câu chuyện vừa đọc là gì không? Hoặc hàng loạt câu hỏi liên quan đến nội dung của sách.

Những câu hỏi này thường sẽ là quá sức với các con. Nếu không trả lời được, trẻ vừa có cảm giác tức tối, lại vừa cảm thấy kém cỏi. Sự nôn nóng này của phụ huynh đã vô tình tạo áp lực lớn cho trẻ, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi tiểu học.

Nếu cha mẹ nóng tính, trẻ sẽ sợ và tìm cách đối phó. Và chúng có thể trả lời như: “Con vừa đọc được 10 trang đấy"; "Con đọc được 2 quyển đấy"; "Con vừa đọc quyển sách dày này”... Điều đó cho thấy, trẻ hiểu được bố mẹ quan trọng đến tiến độ hoàn thành cuốn sách hơn là để con thưởng thức cuốn sách.

Một thói quen không tốt của cha mẹ nữa là so sánh - xin nhấn mạnh là tối kỵ nhé. Đối với những đứa trẻ, vì thích tranh, truyện trẻ mới đọc sách, nhưng nếu so sánh, tạo cuộc thi giữa các con là sẽ “giết chết” tình yêu với sách.

Muốn trẻ yêu sách, cha mẹ tuyệt đối dừng lại hai thói quen trên. Trẻ cần được tôn trọng trong lựa chọn sách và coi như một trò chơi, sự thư giãn sau những giờ vui chơi bên ngoài hay học bài. Có như vậy, trẻ mới thấy việc đọc sách là một nguồn vui và nuôi dưỡng mãi cho đến sau này.

Hãy chia sẻ cách đọc sách cùng con, cách giúp con thích đọc sách... về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.

Độc giả Mẹ Bông

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-thich-sieu-nhan-nhung-me-lai-chon-truyen-co-tich-post1082531.html