Cơn sốt giá cà phê: Cả thế giới săn mua chỉ sau vàng ròng và dầu mỏ

Giá cà phê tăng phi mã và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu, tại Việt Nam ghi nhận mức giá cao nhất mọi thời đại.

Theo VietNamNet, Cà phê thuộc nhóm cây công nghiệp, được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên nước ta. Loại hạt này đang trở thành hàng “hot”, được giới đầu tư thế giới xếp chỉ sau vàng và dầu mỏ.

Trước đây, cà phê được xem là “cây xóa đói giảm nghèo” cho hàng trăm nghìn hộ nông dân. Theo năm tháng, cây cà phê phát triển đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó cà phê Robusta đứng số 1 toàn cầu.

Thế nhưng, suốt những thập kỷ qua, cà phê Việt bị gắn với cụm từ “hàng giá rẻ”. Trung bình giá cà phê ở mức thấp khiến nhiều nông dân không còn mặn mà, điệp khúc trồng - chặt diễn ra ở nhiều địa phương.

Mãi đến cuối năm 2023, loại hạt “giàu vị đắng” này bất ngờ vào cơn sốt giá trên toàn cầu.

Cà phê Robusta được các nhà rang xay trên thế giới ưu tiên chọn lựa, giá liên tục phá đỉnh lịch sử. Loại hạt này nóng đến mức giới đầu tư trên toàn cầu rót tiền đầu cơ, trữ nhiều chỉ sau vàng ròng và dầu mỏ.

Sức mua mạnh đã kích hoạt các lệnh mua tự động, đẩy giá cà phê kỳ hạn liên tiếp thiết lập những mức kỷ lục mới. Giá cà phê nhân tại Việt Nam tăng lên ngưỡng cao nhất mọi thời đại và sắp chạm đỉnh 100.000 đồng/kg. Người trồng cà phê ở nước ta trúng đậm chưa từng có dù sản lượng sụt giảm.

Giá cà phê trong nước liên tục tăng, sắp chạm đỉnh 100.000 đồng/kg. Ảnh: Reuters.

"Hiện tại, giá cà phê Robusta của Việt Nam đang cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang mua hàng từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, trước tình hình giá Robusta cao và khó mua hàng như hiện nay, rất nhiều nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển sang mua cà phê Arabica của Brazil nhờ mức giá ổn định hơn", Chủ tịch Phúc Sinh cho biết.

Tri thức đưa tin, theo bà Văn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee, giá cà phê tăng cao do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do biến đổi khí hậu khiến sản lượng cà phê giảm xuống, các vùng trồng ở Tây Nguyên cũng chuyển từ độc canh sang trồng cà phê và thêm nhiều loại cây khác như sầu riêng, chanh leo...

"Bên cạnh đó, nhu cầu cà phê Robusta cũng đang tăng cao ở nhiều nước trên thế giới thay vì chỉ chuyên dùng cà phê Arabica trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, những năm gần đây, Trung Quốc - đất nước tỷ dân cũng chuyển từ uống trà sang uống cà phê góp phần đẩy nguồn cung tăng cao", Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee lý giải.

Ngoài ra, theo bà Loan, các cuộc xung đột trên thế giới đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao. Hơn nữa, từ nay đến tháng 4, chỉ Việt Nam "một mình một chợ" có nguồn hàng cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê ở nước ta tăng cao. Nhưng đến tháng 4, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại, khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh.

Giá cà phê lên "cơn sốt", tăng liên tục trong 5 tháng qua. Ảnh: M.T.

Tương tự, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng nhìn nhận giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Vị này cho rằng giá cà phê liên tục tăng do tồn kho tại doanh nghiệp trong mùa vụ trước ở mức thấp, việc thiếu hụt tiếp tục kéo sang niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau). Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024, sản lượng hụt khoảng 10%.

Cuối cùng là hiện nhiều giới đầu tư trên thế giới đã chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Dự báo thị trường cà phê trong thời gian tới, lãnh đạo hiệp hội này cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê phải theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng.

Trên thế giới, giá cà phê Robusta cũng tiến lên vùng đỉnh 30 năm. Ảnh: WSJ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt 438.000 tấn với 1,38 tỷ USD, tăng gần 28% về khối lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Cà phê là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu (sau gỗ và các sản phẩm gỗ).

Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, với kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng gần 40% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.

Dẫn báo cáo hồi tháng 12/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Nikkei Asia cho biết, Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới dự kiến cung cấp 26,6 triệu bao cà phê loại 60 kg trong niên vụ 2023-2024, giảm 12% so với dự báo trước đó.

Tại Indonesia - nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, sản lượng cà phê cũng được dự báo giảm 20%. Ngoài thời tiết bất lợi như nhiệt độ cao, hạn hán ở Đông Nam Á do hiện tượng El Nino gây ra, một số nông dân đang chuyển sang các loại cây trồng có thể sản xuất ổn định hơn, trong đó có cao su và sầu riêng.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/con-sot-gia-ca-phe-ca-the-gioi-san-mua-chi-sau-vang-rong-va-dau-mo-a656742.html