'Cơn sóng thần màu xám' sắp bao phủ Đông Nam Á

'Cơn sóng thần màu xám' là cụm từ người Nhật dùng để nói về tình trạng già hóa dân số trong nhiều năm qua. Đến nay, không chỉ ở Nhật Bản mà tại nhiều nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á cảm nhận ngày càng rõ nét tác động của 'cơn sóng thần màu xám' đang dần bao phủ. Nếu không nhanh chóng có giải pháp giải quyết, thì nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều gánh nặng trong ít thập niên tới.

Cơ cấu dân số đang già đi nhanh chóng

Hiện nay, châu Á được nhận định là khu vực có cơ cấu dân số đang già đi nhanh nhất thế giới. Điền hình, khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến sự già hóa dân số nhanh chóng, tỷ lệ số lượng người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số được cho là sẽ bắt đầu giảm trong năm nay.

Thống kê cho thấy, hơn một nửa dân số Đông Nam Á hiện ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số ngày càng nhanh.

Đông Nam Á đang chứng kiến sự già hóa dân số nhanh chóng. Ảnh: TL

Theo ước tính của Liên hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đạt đỉnh 68% vào năm 2023. Tỷ lệ này đã đạt đỉnh tại Thái Lan vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Tại Indonesia dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030…

Viễn cảnh dân số vàng - yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á đang đi đến hồi kết.

Hiện Singapore được dự kiến là quốc gia dẫn đầu về tốc độ già hóa dân số trong ASEAN. Ước tính vào năm 2040, số người trên 65 tuổi ở quốc đảo sư tử chiếm gần 30%. Tiếp đó là Thái Lan với tỷ lệ hơn 26%. Việt Nam và Brunei là khoảng 16%...

Riêng Thái Lan có dân số già hóa cao hơn so với nhiều nước khác. 16% dân số là từ 65 tuổi trở lên. Ước tính đến năm 2029, Thái Lan sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già hóa với hơn 20% dân số trên 65 tuổi.

Gánh nặng tài chính lên nền kinh tế

Báo cáo về Triển vọng dân số của Liên Hợp quốc, dự báo đến năm 2050, khu vực ASEAN sẽ có hơn 176 triệu người trên 60 tuổi, chiếm hơn 22% tổng dân số của khối. Ước tính đến năm 2035, ASEAN dự kiến sẽ có hơn 127 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 20% tổng dân số.

Nhận định về những thách thức mà các nước phải đối mặt trước “cơn sóng thần màu xám”, các chuyên gia cho rằng, tình trạng già hóa dân số đặt ra gánh nặng vô cùng lớn đối với nền kinh tế - xã hội. Bởi một trong những lợi thế của Đông Nam Á chính là sở hữu lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ.

Điều này đã thu hút lượng đầu tư khổng lồ hàng năm dịch chuyển về các nước trong khu vực. Già hóa dân số sẽ khiến các nền kinh tế Đông Nam Á mất đi lợi thế này.

Thậm chí, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã và đang xuất khẩu lượng lớn lao động. Trong tương lai gần, các nước này sẽ không đủ khả năng xuất khẩu lao động nữa nếu phải đối mặt với tình trạng dân số già - thiếu lao động. Được biết, Việt Nam là nguồn cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất cho Nhật Bản, với khoảng 520.000 người Việt Nam làm việc tại nước này vào tháng 10/2023.

Tình trạng thiếu lao động sẽ diễn ra khi “cơn sóng thần màu xám” xâm nhập. Ảnh: TL

Nói thêm về vấn đề này, ông Hisakazu Kato - Giáo sư kinh tế và Phó chủ tịch Đại học Meiji cho biết, Nhật Bản và các quốc gia khác có thể chịu tác động nếu các nước Đông Nam Á phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Thậm chí, ông Hisakazu Kato còn nhận định, nếu tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Nam Á bị cản trở bởi lực lượng lao động giảm sút, có rất ít hy vọng rằng khu vực này sẽ dẫn đầu thế giới cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc trong năm 2023 đã xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp cùng việc thay đổi cách nghĩ, lối sống từ chính người cao tuổi, những khó khăn, thách thức sẽ phần nào được giải quyết, thậm chí là có thể tận dụng những lợi ích mà già hóa dân số mang lại.

Rõ ràng, nếu lực lượng lao động giảm sút, các quốc gia ở Đông Nam Á gặp phải khó khăn trong việc đối phó với tình trạng dân số già đi kèm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn do gánh nặng tài chính từ tình trạng đó - nhiều chuyên gia nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, có một thực tế là tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hệ thống an sinh xã hội vẫn chưa tốt và nhiều quốc gia chưa có sự chuẩn bị tốt để đối mặt với “cơn sóng thần màu xám”. Thống kê của Nikkei Asia cho thấy, ở các nền kinh tế Đông Nam Á, những khoản chi tiêu cho an sinh xã hội chưa đến 10% GDP.

Chuẩn bị ứng phó với “cơn sóng thần màu xám”, hiện Chính phủ các nước Đông Nam Á đang tập trung việc tăng cường hệ thống y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng về y tế và cộng đồng, tập trung cải tạo và xây mới bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư để tạo sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, các nước cũng thực hiện nâng độ tuổi làm việc và nghỉ hưu, tạo điều kiện để người già làm việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực, để có thu nhập; nâng phụ cấp chế độ cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình từng có nhiều đóng góp cho xã hội; đưa ra các gói ưu đãi mua hàng , khám bệnh giảm giá…

Còn theo các chuyên gia, các nước Đông Nam Á cần phải thực hiện các chính sách quyết liệt hơn nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong tương lai. Trong đó, để thích ứng tốt nhất với bối cảnh mới, các nền kinh tế nên hướng đến sử dụng lao động nước ngoài hoặc ứng dụng công nghệ tự động hóa nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, vào tháng 1/2024, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố này sẽ thiếu tới 320.000 lao động trong năm 2024. Lực lượng lao động giảm sút có thể sẽ tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế quan trọng. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã lo ngại về khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư cho các dự án trị giá hàng tỷ USD.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-song-than-mau-xam-sap-bao-phu-dong-nam-a-145566.html