Con phát khùng vì áp lực

Anh Hoàn lúc này mới nhận ra rằng thời gian qua mình quá áp đặt mà không chịu lắng nghe con, suýt nữa thì thành hại con.

- Bố mẹ có để con yên không? Bố mẹ có biết vì sao con phát điên lên thế này không? Tại bố mẹ, tất cả là tại bố mẹ, á á á...

Ngay sau tiếng la hét là vô số tiếng loảng xoảng của đồ đạc, cốc chén. Đây cũng không phải là chuyện lạ ở xóm này. Mọi người đã quen với việc giữa trưa hay buổi tối, thậm chí là đêm khuya, tiếng la hét của cái Oanh hay tiếng đồ dùng bị đập, ném phát ra từ nhà anh Hoàn, chị Thy.

Oanh vốn là cô bé hiền lành, ít nói. Đến lúc đi học đại học, tính cách lại thay đổi hẳn. Tham gia các hoạt động tại trường, hoạt động tình nguyện, Oanh nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ hơn trước rất nhiều. Chị Thy vẫn thường bảo với mấy chị hàng xóm: "Nó như một con người khác từ hồi học đại học, cá tính quá thành ra lại khó bảo".

Mấy tháng nay, hàng xóm thấy Oanh về nghỉ thời gian dài mà không đi học, thi thoảng lại nghe tiếng la hét, đập phá phát ra từ nhà chị Thy. Rồi vài hôm lại thấy hai mẹ con khăn gói đi đâu đó vài tuần mới về. Sau những đợt vắng nhà đó, gia đình chị Thy thấy yên ắng một thời gian, nhưng chỉ vài ngày sau lại đâu vào đấy. Oanh vẫn chưa trở lại trường mà tần suất gia đình ồn ào, to tiếng lại nhiều thêm.

Chị Huyền ở nhà kế bên, cũng là cô giáo hồi cấp 3 của Oanh đã nghe loáng thoáng chuyện gia đình chị Thy chứ chưa hiểu rõ ngọn ngành. Đến hôm nay thấy chị Thy nhặt rau ngoài sân, chị Huyền mạnh dạn vào hỏi han tâm sự.

- Thy chuẩn bị nấu cơm hả em? Oanh đâu mà không ra giúp mẹ?

- Cháu nó đang đọc sách trong phòng chị à, tý chị vào chơi rồi lựa lời khuyên bảo nó hộ em với, chứ em mệt mỏi quá...

Mới mấy tuần bận chuyện thi cử không gặp, chị Huyền thấy gương mặt chị Thy hốc hác, đôi mắt trũng sâu buồn phiền.

- Dạo này chị bận quá, cứ bảo sang hỏi thăm xem cháu Oanh làm sao, thi thoảng lại thấy la hét, khóc lóc ầm ĩ lên thế?

- Cháu bị bệnh rồi chị à, chạy chữa bao lâu mà không khỏi...

Thế rồi như có người trút bầu tâm sự, chị Thy kể: Cháu Oanh học đại học vui vẻ, thành tích tốt, cả gia đình đều phấn khởi. Nhưng có đợt mải mê tham gia tổ chức một sự kiện của câu lạc bộ nhà trường đến quên ăn quên ngủ, tâm tính cháu thay đổi. Cháu dễ nổi cáu, thậm chí phát khùng lên với bố mẹ. Oanh còn quay ra trách mắng tại bố mẹ mà cháu phải theo học ngành nghề không thích. Gia đình đưa Oanh đi trị liệu nhưng chỉ đỡ vài tuần rồi bệnh tình lại tái phát. Gần đây còn nặng thêm...

- Chị tưởng con bé học đúng ngành mình thích nên mới vui vẻ thế chứ.

- Lúc đầu cháu thích học ngành ngoại giao cơ chị ạ. Nhưng vợ chồng em thấy cháu sống nội tâm, ít nói mới định hướng cho cháu học ngành kế toán - tài chính, ra trường cũng dễ xin việc hơn. Cháu cũng nghe bố mẹ, không thấy phản đối gì cả. Đợt này sinh bệnh mới quay ra trách móc bố mẹ, đòi bỏ học thi lại Học viện Ngoại giao... - nhìn ra ngoài cửa, chị Thy nói tiếp - Mà cũng tại bố nó nữa. Con đã không khỏe, tâm lý bất ổn, bệnh còn chưa khỏi đã quay ra định hướng rồi còn bắt ép con thi sư phạm nếu không học tiếp ngành kế toán-tài chính. Thế là nó lại khùng lên suốt ngày...

- Thế bác sĩ khám bảo sao em?

- Bác sĩ bảo cháu bị suy nhược thần kinh do áp lực học hành, áp lực cuộc sống. Vì cháu dễ bị kích động nên cần điều trị lâu dài và tạo môi trường sống thoải mái nhưng bố thì không hiểu, cứ ép con. Em không biết làm sao nữa. Cứ bố đi làm thì không sao mà trưa hay tối về là hai bố con lại tranh luận, cãi nhau ầm nhà lên như chị thấy đấy.

- Thế em đã bảo chồng cùng gặp bác sĩ của con chưa?

- Em bảo gặp nhưng anh ấy viện đủ lý do, đã gặp được đâu. Chả lẽ em lại mang con đi đâu đó một thời gian, chứ cứ như thế này em cũng trầm cảm, bệnh giống con mất.

Hai chị em vừa nói đến đây thì anh Hoàn về. Chị Huyền lần này với danh nghĩa là cô giáo của Oanh đã lựa lời khuyên bảo chân thành. Dạy Oanh 3 năm học cấp 3, lại là hàng xóm nên chị Huyền hiểu rất rõ cá tính của cô học trò cưng. Chị xin cho Oanh hằng ngày sang nhà chị chơi, vừa là cô trò nhỏ to tâm sự, vừa để chị hướng dẫn một số việc nhà như nấu các món ăn, cắm hoa để tạo cho Oanh tâm lý thoải mái. Rồi chị phân tích chuyện định hướng nghề thế nào cho đúng, để tránh tâm lý bị ép buộc; rồi cả chuyện tâm lý lứa tuổi dễ bị kích động; chuyện nhiều trẻ trầm cảm vì áp lực sinh ra tự tử... "Nói phải củ cải cũng nghe", anh Hoàn lúc này mới nhận ra rằng thời gian qua mình quá áp đặt mà không chịu lắng nghe con, suýt nữa thì thành hại con.

Oanh ở trong nhà nghe tiếng cô giáo và bố mẹ nói chuyện, lòng bỗng nhẹ nhõm.

NGUYỄN THẢO

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/con-phat-khung-vi-ap-luc-239272