Còn nhiều việc phải làm

TP Hồ Chí Minh vừa triển khai kế hoạch xây dựng 16 tuyến đường văn minh, mỹ quan đô thị giai đoạn 2013-2015. Đây là một trong nhiều nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh văn minh đô thị, hiện đại mà thành phố đã triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, rõ ràng, các cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm nếu muốn kế hoạch này sớm mang lại hiệu quả.

Nhiều đoạn trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai bị chiếm dụng bày bán hàng rong.

Nhiều tuyến vẫn bát nháo

Có thể khẳng định, trong số 16 tuyến đường trong danh mục thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, chỉ có một số tuyến như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn (quận 1)... là có trật tự và ổn định, còn hầu hết các tuyến còn lại hầu như đều trong tình trạng bát nháo, lộn xộn. Đơn cử như đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, dọc hai bên đường, tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường diễn ra tràn lan, nổi cộm nhất phải kể đến đoạn đi qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Quan sát trước đoạn đường này cho thấy, từ nhiều năm nay, mặc dù lực lượng chức năng địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng vẫn tồn tại tình trạng đuổi đằng trước thì đằng sau lại tràn ra. Cộng với việc chế tài xử phạt không nghiêm nên dẫn đến tình trạng một số đối tượng bị "nhờn thuốc" không thể xử lý được.

Tình trạng này cũng tái diễn trước cổng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (đường Trần Hưng Đạo, quận 5). Dọc hai bên đường, hàng rong đứng lấn chiếm hết lối đi ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là trong giờ cao điểm. Tại những khu vực này, tình trạng xả rác bừa bãi cũng không được xử lý tạo nên hình ảnh nhếch nhác, hôi hám. Ông Nguyễn Minh Tân, ngụ phường 1, quận 5 lo lắng: Với tình trạng lấn chiếm diễn ra tràn lan như thế, trong trường hợp xảy ra sự cố, cấp cứu thì bệnh viện sẽ ứng cứu như thế nào? Nhìn cảnh tượng này, người dân chúng tôi cũng thắc mắc: không biết lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra... ở đâu và làm gì? Tương tự, tại các tuyến đường xét theo tiêu chí văn minh của UBND thành phố như: Võ Văn Tần (quận 3); Khánh Hội (quận 4); Nguyễn Trãi, đường 3 Tháng 2 (từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Lý Thường Kiệt); Nguyễn Tri Phương (từ đường Ngô Gia Tự đến đường 3 Tháng 2); Trường Sơn (quận Tân Bình)... tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè đều diễn ra phổ biến.

Theo UBND quận 3, với đặc trưng là lượng lao động nhập cư buôn bán lưu động nên tình trạng bày bán lấn chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến đường là điều khó tránh khỏi. Thời gian qua, quận cũng đã triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh nhưng hiệu quả mang lại là chưa cao.

Cần lộ trình hợp lý

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cho biết: Kế hoạch triển khai xây dựng 16 tuyến đường văn minh sẽ thực hiện thành hai giai đoạn. Từ quý IV năm 2013 triển khai kế hoạch đến cấp quận và các đơn vị chức năng trực thuộc để hướng dẫn, phối hợp đồng bộ với địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Từ năm 2014 đến 2015, tổ chức nhiều đợt ra quân, phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành chức năng và các quận. Trước mắt, Sở sẽ đưa đề án về các quận, huyện có tuyến đường liên quan và từ đó, các quận, huyện sẽ chủ động lên phương án và kinh phí thực hiện.

TP Hồ Chí Minh đã triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ nhiều năm nay, trong đó có việc xây dựng các tuyến đường văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định như: việc triển khai mới chỉ dừng lại ở việc thanh tra, tịch thu hàng hóa của người bán rong. Những giải pháp này cũng chỉ mang tính chất tạm thời bởi thực tế cho thấy, sau khi tịch thu, người dân lại tiếp tục tràn ra đường buôn bán. Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Võ Khắc Thái cho rằng: Về lâu dài cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Hiện cả quận còn khoảng 1.100 hộ lao động nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, nếu không có giải pháp mang tính bền vững thì rất khó giải quyết vấn đề nêu trên. Đó là chưa kể tới lực lượng quản lý đô thị cũng còn yếu, chưa bố trí đủ thời gian để tổ chức thanh tra, xử phạt thường xuyên. Vì thế, theo lộ trình thực hiện đề ra (2013-2015) thì việc triển khai thành công là điều rất khó thực hiện. Anh Tiêu, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 đề nghị: đại diện UBND quận nên công bố số điện thoại di động đường dây nóng, địa chỉ email lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, báo chí góp ý và cung cấp hình ảnh thực tế, và có các biện pháp cụ thể cũng như "vi hành" để kiểm tra thực tế về việc thực hiện của các cán bộ thực thi pháp luật. Tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm là sẽ làm được một cách triệt để.

Còn đối với quận 5, nơi có nhiều tuyến đường nằm trong danh mục thực hiện cũng cho rằng: Những năm qua, quận đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo việc làm như đợt giới thiệu việc làm, đào tạo nghề nhưng cũng chưa đạt hiệu quả mang lại như mong muốn. Nhiều hộ dân sau khi học nghề lại chưa có đủ nguồn vốn để làm ăn hoặc tiếp cận các nguồn vốn vay còn khó nên cũng chưa thể triển khai kế hoạch của gia đình. Theo UBND quận 5, để đề án thực hiện có hiệu quả thì công tác triển khai cần có lộ trình hợp lý, chế tài nghiêm khắc.

16 tuyến đường được chọn xây dựng văn minh, mỹ quan đô thị

Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn (quận 1); Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 và 3); Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm); Võ Văn Tần (quận 3); Nguyễn Đình Chiểu (quận 1 và 3); Khánh Hội (quận 4); Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 1 và 5); đường 3 Tháng 2 (từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Lý Thường Kiệt); Nguyễn Tri Phương (từ đường Ngô Gia Tự đến đường 3 Tháng 2); Nguyễn Chí Thanh (từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Thị Nhỏ); Trường Sơn (quận Tân Bình), tuyến đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (qua các quận: Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức).

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/21627602-con-nhieu-viec-phai-lam.html