Con người thực sự muốn gì ở Everest?

Bất chấp những thi thể bị bỏ lại ở Everest, hàng trăm người vẫn khát khao chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới vào mỗi mùa xuân, theo CNN.

Vào 1953, Edmund Hillary và Sherpa Tenzing là 2 nhà leo núi chinh phục giấc mơ Everest. Ảnh: @historic_imagery.

Những đám mây u ám lấp đầy bầu trời, cơn gió thổi lạnh đến đóng băng với tốc độ hơn 161 km/h, đây chỉ là phần ít trong số những điều kiện khắc nghiệt ở ngọn núi cao nhất thế giới: Everest.

Với độ cao 8.849 m so với mặt nước biển, nằm giữa Nepal và Tây Tạng trên dãy Himalaya, Everest có nhiệt độ -34 độ C và thường xuyên hứng chịu những cơn bão tuyết sạt lở đe dọa tính mạng, theo CNN.

Để chinh phục đỉnh núi này, các nhà leo núi phải luyện tập nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng thực tế không đảm bảo họ có thể lên tới đỉnh.

Dẫu vậy, Everest vẫn thu hút hàng trăm người quyết tâm đạt đỉnh vào mỗi mùa xuân. Vậy, đâu là điều đã thúc đẩy con người chinh phục Everest?

Thách thức

Tháng 5/2023, Jacob Weasel, một bác sĩ phẫu thuật chấn thương, chinh phục Everest thành công. Ông dành gần một năm trước đó để rèn luyện thể lực, nhưng vẫn khó khăn để đối mặt tình trạng thiếu oxy trên đỉnh núi.

"Suốt hành trình, tôi thường đi mỗi 5 bước và phải mất 30 giây đến một phút sau đó để lấy lại hơi thở của mình", ông kể.

Những người leo núi như Weasel thường điều chỉnh hơi thở theo mức oxy giảm dần bằng cách xoay vòng thích nghi. Đây là quá trình đi từ mặt đất lên một trong 4 trại nghỉ được chỉ định trên Everest và dành 1-4 ngày ở đó trước khi đi xuống.

Thời tiết khắc nghiệt, các con đường ngoằn ngoèo khiến người leo núi gặp khó khăn. Ảnh: @the.everest.guy.

Thói quen này được lặp lại ít nhất 2 lần để cho phép cơ thể thích nghi với mức oxy giảm dần, từ đó làm tăng cơ hội sống sót của người leo núi.

"Nếu bạn đưa ai đó lên Everest, thậm chí không phải ở đỉnh trên cùng, họ vẫn có thể hôn mê trong vòng 10-15 phút. Sau đó, họ sẽ tử vong trong vòng một giờ vì cơ thể không được thích nghi được lượng oxy loãng đến như vậy", Weasel nói.

Trước khi leo Everest, Weasel đã chinh phục thành công hàng chục ngọn núi cao khác bao gồm Kilimanjaro (5.895 m), Chimborazo (6.268 m), Cotopaxi (5.897 m) và gần đây nhất là Aconcagua (6.959 m) vào tháng 1. Nhưng ông cho rằng các ngọn núi trên không thể so sánh với độ cao của Everest.

"Cho dù sức khỏe bạn tốt tới đâu, khi cơ thể đạt đến giới hạn, bạn sẽ không thể tiếp tục", ông cho hay.

Ở độ cao cao nhất của Everest, điều kiện bên ngoài gần như không có khả năng duy trì sự sống của con người. Hầu hết người muốn chinh phục Everest đều sử dụng oxy bổ sung. Việc thiếu oxy là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với những nhà leo núi, với mức độ giảm xuống dưới 40% khi họ đạt đến "vùng chết" của Everest.

Phù não do độ cao (HACE) cũng là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà người leo núi phải đối mặt khi cố gắng lên đỉnh cao. HACE dẫn đến não bị sưng tấy trong quá trình lấy lại mức oxy ổn định, gây cảm giác buồn ngủ, khó phát âm và mất tập trung.

Thi thể "Giày xanh" nổi tiếng ở Everest. Thi thể này được phát hiện trong một hang cách đỉnh khoảng 344 m. Ảnh: Tail Mango.

Trong suốt hành trình chinh phục Everest, Weasel nhớ lại những thi thể chất đống trên đường. Do nhiệt độ lạnh khắc nghiệt, cơ thể ít khi bị phân rã.

Weasel nhớ lại việc đi cùng một người bạn, Orianne Aymard, người bị mắc kẹt trên núi do chấn thương. Ông nhìn chằm chằm vào cô ấy trong khoảng 5 phút và chỉ có thể nói "tôi thật sự xin lỗi".

"Tôi đã dành hơn một thập kỷ để giúp đỡ mọi người với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật. Và khi một ai đó đang cần sự giúp đỡ nhưng bạn không thể giúp được gì. Cảm giác bất lực ấy thật khó tả", ông Weasel bộc bạch.

May mắn thay, Aymard vẫn sống sót. Cô được giải cứu và bị gãy một số xương ở bàn chân, ngoài ra còn cóng bị tê cóng nghiêm trọng trên tay. Dẫu vậy, bất chấp tất cả chấn thương, Aymard vẫn hy vọng tiếp tục cuộc hành trình.

Món quà

Việc leo hơn 910 m từ trại bốn đến đỉnh Everest có thể mất 14-18 tiếng. Do đó, những người leo núi thường rời trại vào ban đêm. Trời tối, sương mù lạnh buốt giá dày đặc khiến cuộc hành trình thêm khó khăn.

Đổi lại, họ sẽ được ngắm nhìn mặt trời mọc ừ độ cao gần 8.849 m và bóng của núi Everest chiếu xuống thung lũng bên dưới. "Đó có lẽ là một trong những điều đẹp nhất tôi từng thấy trong đời. Thật kỳ lạ khi đứng trên đó và biết rằng mọi thứ khác trên hành tinh này đều ở dưới nơi bạn đang đứng", Weasel phấn khích chia sẻ lại.

Khung cảnh tuyệt đẹp khi mặt trời ló rạng tại đỉnh núi cao nhất thế giới. Ảnh: @everestexped.

Giống như Weasel, Alan Arnette, một người leo núi khác, cũng lên đỉnh vào lúc mặt trời mọc và trải nghiệm cảm giác tương tự. Trên đỉnh có "nhiều ngọn núi hơn bạn có thể đếm được", Arnette nhớ lại. "Đó là một cảm giác biết ơn to lớn".

Sau khoảng 20 phút đến một giờ, những người leo núi sẽ quay lại xuống chân núi.

Điều khao khát nhất

Trước khi đến Nepal, Weasel được tặng một chiếc lông đại bàng tượng trưng cho di sản người Mỹ bản địa của mình.

Weasel quyết tâm cắm chiếc lông vũ lên đỉnh Everest "như một biểu tượng của con người và những gì chúng ta đã chịu đựng trong vài trăm năm qua". Đây cũng là lý do Weasel quyết định chinh phục Everest.

Không chỉ riêng Weasel, Arnette đã cố gắng leo lên đỉnh Everest 3 lần trước khi chinh phục thành công vào năm 2014.

Weasel chụp ảnh kỷ niệm khi hoàn thành chinh phục Everest. Ảnh: Jacob Weasel.

Theo Arnette, có khoảng 300 người đã được chính phủ Nepal cấp giấy phép leo núi trong năm nay. Con số này đã giảm so với những năm trước.

"Tôi nghĩ một trong những lý do là đã có 18 người chết vào năm ngoái và mọi người nhận ra rằng đỉnh Everest là một ngọn núi nguy hiểm". Tuy nhiên, Arnette không tin rằng điều đó sẽ ngăn cản những người leo núi cố gắng chinh phục Everest.

"Tôi rất tin tưởng rằng khi bạn leo lên ngọn núi này, bạn sẽ trở về nhà một phiên bản tốt hơn của chính mình. Đó là lý do mà chúng tôi leo núi", ông Arnette giải đáp.

Minh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/con-nguoi-thuc-su-muon-gi-o-everest-post1473450.html