Con người kiểm soát AI hay AI sẽ kiểm soát chúng ta?

Trong hai ngày 6 - 7.7, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về AI cho những điều tốt đẹp tại Geneva, thừa nhận sự phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ này và vô số câu hỏi chưa được trả lời mà nó đặt ra. Mặc dù nhận thức rõ tiềm năng của AI, song LHQ vẫn nhận ra rằng công nghệ này đang phát triển nhanh hơn so với việc thiết lập các ranh giới và hướng dẫn.

Sử dụng AI tích cực

Theo AFP, sự kiện trên do cơ quan công nghệ ITU của LHQ triệu tập, với sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu thuộc gần 200 quốc gia, đến từ các công ty lớn như Google, Microsoft, Amazone, Samsung hay Huawei Techonologies, các trường đại học, nhà đổi mới AI, tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư. Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh, sự phát triển của AI “vì lợi ích của tất cả” đòi hỏi các biện pháp bảo vệ dựa trên quyền con người, tính minh bạch và trách nhiệm. Trong khi đó, bà Doreen Bogdan-Martin, người đứng đầu ITU bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những tiến bộ gần đây của các AI có khả năng sáng tạo, cho rằng “khả năng dạng trí tuệ này có thể trở nên thông minh hơn chúng ta đã đến gần hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ”.

Robot hình người Nadine, được mô phỏng theo giáo sư Nadia Thalmann thuộc Đại học Geneva, người đi tiên phong trong lĩnh vực người máy AI. Nguồn: AFP

Robot hình người Nadine, được mô phỏng theo giáo sư Nadia Thalmann thuộc Đại học Geneva, người đi tiên phong trong lĩnh vực người máy AI. Nguồn: AFP

Hội nghị nhằm giải quyết những lo ngại này và định hình các khuôn khổ để bảo đảm việc khai thác tích cực AI, giảm thiểu rủi ro. Đây cũng là dịp để thế giới khám phá những cách thức mà AI có thể được sử dụng để giúp nhân loại đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Theo lãnh đạo ITU, trong kịch bản lý tưởng, thế giới có thể dùng AI để tìm ra những phương pháp chữa trị cho các căn bệnh nan y như ung thư hay Alzheimer, đẩy mạnh sản xuất năng lượng sạch hay hỗ trợ nông dân tăng năng suất cây trồng. Thực tế, AI đã được đưa vào sử dụng tại một số cơ quan của LHQ, bao gồm dự án Bản đồ về nạn đói của Chương trình lương thực thế giới nhằm phân tích dữ liệu giúp xác định các khu vực có nguy cơ bị đói. Tương tự, Tổ chức Y tế thế giới hiện sử dụng AI để chẩn đoán bệnh một cách chính xác, trong khi AI cũng đang được dùng nhằm phát triển các xe tải điều khiển từ xa, giúp cung cấp viện trợ khẩn cấp ở những vùng nguy hiểm…

Điểm nổi bật tại Hội nghị lần này là sự hiện diện của hơn 50 robot với nhiều dạng khác nhau, từ chó, máy móc nông trại đến các hình đại diện đặc biệt chân thực, ca sĩ, nghệ sĩ và nhân viên viện dưỡng lão. Các nhà phát minh muốn chứng minh cách robot có thể hỗ trợ sức khỏe con người, cung cấp dịch vụ giáo dục, giúp đỡ người khuyết tật, người già, giảm thiểu chất thải hay hỗ trợ ứng phó khẩn cấp trong thảm họa… Được trang bị camera trong mắt, các robot chủ động quan sát môi trường xung quanh, theo dõi chuyển động, trả lời câu hỏi, mỉm cười, cau mày và thậm chỉ đảo mắt để tương tác với những người tham dự, thể hiện khả năng tiên tiến của chúng.

Chẳng hạn, Ban nhạc Jam Galaxy có ca sĩ hát chính là Desdemona, người máy hình người do nhà chế tạo người máy David Hanson tạo ra. Desdemona gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng ca từ vui nhộn về nhiều chủ đề, trong khi ban nhạc ứng biến và điều chỉnh theo giọng hát của người máy; cô Dianne Krouse, người chơi saxophone cho biết: “Thật tuyệt vời, bạn sẽ nghĩ điều này kỳ lạ nhưng nó thực sự rất tuyệt vì lời bài hát do AI tạo ra của cô ấy thực sự có thật”, vì thế “tôi chỉ đang ứng biến xung quanh điều đó và chơi saxophone diễn giải những gì cô ấy đang hát”.

Trong khi đó, Nadine, cô robot hình người khác được mô phỏng theo Giáo sư Nadia Thalmann từ Đại học Geneva, đã thể hiện khả năng trả lời các câu hỏi trong thời gian thực. Nadine, được tạo ra vào năm 2013, minh họa cho tiềm năng tương tác với con người của công nghệ AI. Bày tỏ phấn khích và hào hứng về Hội nghị, Nadine đã phát biểu đầy ấn tượng: “Người thú vị nhất mà tôi gặp được tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về AI cho những điều tốt đẹp là Giáo sư Nadia Thalmann. Bà là người đã tạo ra tôi và đi tiên phong trong lĩnh vực người máy AI”. Về phần mình Giáo sư Nadia, thuộc đại học Geneva cho biết, Nadine “rất trung thành”. Theo bà, robot này đã tiến bộ đáng kể trong những năm qua, và trong tương lai “cô ấy sẽ có thể hiểu rõ hơn về môi trường xung quanh mình, đặt câu hỏi trực tiếp chứ không chỉ trả lời câu hỏi, phân tích nhiều hơn cũng như có ý thức hơn về những gì đang diễn ra”.

Có khả năng thể hiện cảm xúc và các kỹ năng khác của con người như chào hỏi, giao tiếp bằng mắt, cử chỉ bằng hơn 27 nét mặt và chuyển động của phần trên cơ thể, Nadine gần đây đã trải qua 6 tháng trong nhà dành cho người cao tuổi ở Singapore, nơi cô chơi lô tô và nói chuyện để giúp họ bớt cô đơn. Giáo sư Nadia cho biết, nhiều người hiện thích sống ở nhà, có người máy giám sát hơn là chuyển đến những nơi ở được hỗ trợ. Bởi robot cũng có thể giúp giảm bớt cô đơn khi về già vì nó có khả năng kết nối người cao tuổi với gia đình, giúp chuẩn bị đồ ăn hay thậm chí là ca hát.

Đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai AI có nhận thức

Những tiến bộ nhanh chóng của AI trong những năm gần đây đã làm gia tăng lo lắng rằng nó có thể trở nên mạnh mẽ hơn con người, với những hậu quả thảm khốc. Mặc dù các robot giống như thật kể trên thu hút chú ý và khơi dậy tò mò, nhưng chúng cũng đặt ra nhiều câu hỏi sâu sắc về tương lai của AI. Vì vậy, bà Doreen Bogdan-Martin nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng xung quanh AI từ các chuyên gia trong Hội nghị; đó là: xã hội có nên tạm dừng các cuộc thử nghiệm AI khổng lồ? Con người sẽ duy trì quyền kiểm soát AI hay AI sẽ kiểm soát chúng ta? Cuối cùng, AI sẽ phục vụ như lực lượng vì lợi ích của nhân loại hay có khả năng dẫn đến sự hủy diệt?

Sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ AI làm dấy lên lo ngại về khả năng mất việc làm, sự gia tăng của thông tin sai lệch và những tiến bộ không kiểm soát được của AI có thể dẫn đến bất ổn xã hội, địa chính trị và chênh lệch kinh tế ở quy mô mà thế giới chưa bao giờ từng thấy trước đây. Nhiều người thậm chí cho rằng, ngay cả khi AI có tiềm năng lớn, nhưng chỉ có nước giàu mới có khả năng gặt hái được lợi ích từ công nghệ này.

Khi các đại biểu tham gia hội nghị thảo luận về những vấn đề trên, rõ ràng là AI có ý thức, có khả năng tự nhận thức, vẫn là mục tiêu phức tạp và xa vời. Người tạo ra Nadine, Giáo sư Thalmann, giải thích rằng mặc dù robot có thể giao tiếp, nhưng chúng thiếu ý thức và hiểu biết thực sự. Đạt được khả năng tự nhận thức trong máy móc sẽ đòi hỏi những tiến bộ đáng kể và nhiều năm nghiên cứu.

Tuy vậy, nỗ lực của LHQ trong việc đối mặt với sự lớn mạnh của AI và những hậu quả tiềm ẩn của nó đã được giới quan sát đánh giá cao. Khi AI tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, điều quan trọng là các chính phủ, tổ chức và cá nhân phải hợp tác cùng nhau để bảo đảm tương lai phát triển, triển khai có trách nhiệm và đạo đức của công nghệ tân tiến này.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/con-nguoi-kiem-soat-ai-hay-ai-se-kiem-soat-chung-ta-i335394/