Con người đôi khi bước không qua số phận, điều quan trọng là ta đã sống thế nào

Điều quan trọng nhất không phải bạn sống bao lâu mà bạn đã làm được những gì khi mình còn sống.

Sinh nghề tử nghiệp

Vừa qua phóng viên Đinh Hữu Dư (TTXVN) tử nạn khi tác nghiệp ở Yên Bái đã khiến nhiều người thương tiếc. Giữa rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp, anh đã đến với nghề báo bằng tất cả sự đam mê, nỗ lực của mình. Nhiều năm lăn lộn với nghề, ước mơ trở thành phóng viên chính thức vẫn xa tầm tay với. Anh có thể chọn một công việc khác, nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn, nhưng anh vẫn quyết tâm sống chết với nghề báo, dù vất vả, dù khó khăn, mệt mỏi.

Phải mất nhiều năm làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo và một năm thử việc tại TTXVN, anh mới trở thành phóng viên chính thức, vừa ký hợp đồng được 10 ngày thì tử nạn. Một phóng viên dũng cảm, mẫu mực, dám dấn thân như anh nhưng số phận lại cướp đi sinh mệnh khi tuổi đời của anh còn quá trẻ.

Nụ cười hiền hậu của anh lúc nào cũng thường trực trên môi.

Thế nên con người đôi khi bước không qua số phận, ai biết được tương lai sẽ thế nào, ai dám chắc sẽ còn sống được đến ngày mai? Điều quan trọng là chúng ta đã sống như thế nào và khi chết đi những người ở lại thương tiếc ra sao. Dẫu chỉ còn một ngày để sống thì hãy cứ sống trọn vẹn một ngày.

Mong ước lớn nhất của đời mình là làm được điều gì có ích cho xã hội

Theo lời kể của những đồng nghiệp, Hữu Dư là một người sống giản dị, giàu nghị lực và giàu lòng nhân ái. Dư sinh ra trong một gia đình nghèo, sống trong một ngôi nhà xi măng lô cốt, ăn uống kham khổ và từ thời đi học đã phải làm thêm đủ nghề để có tiền ăn học.

Hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng Dư vẫn ham học và học rất giỏi. Không những thế, ngay từ khi học lớp 10, Dư đã có ý tưởng dạy học cho trẻ em nghèo và tập hợp các bạn cùng lớp tham gia. Mỗi cuối tuần, anh và các bạn đạp xe khoảng 5km đến Trung tâm bảo trợ và chăm sóc trẻ em mồ côi tỉnh Ninh Bình để dạy chữ cho các em nhỏ. Dư không ngại khó khăn mà chỉ canh cánh trong lòng một điều: các em thiệt thòi quá, làm thế nào để giúp các em được nhiều hơn nữa.

Trong suốt thời gian theo nghiệp báo, Đinh Hữu Dư không ngại dấn thân đến những nơi khó khăn nhất, cập nhật tin tức chính xác, kịp thời. Những ngày đưa tin trực tiếp từ hiện trường, anh phải làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số, lấm lem bùn đất, chân tay mỏi mệt rã rời. Nhưng anh viết rằng những vất vả đó chẳng đáng kể gì khi phải chứng kiến sự tàn phá kinh hoàng của trận lũ và những mất mát quá lớn của đồng bào.

Cầu ngòi Thia, nơi Đinh Hữu Dư tử nạn trong lúc tác nghiệp.

Trở thành phóng viên, dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn không quên mong muốn nho nhỏ hồi còn đi học, đó là giúp đỡ các em nhỏ. Ngoài công việc làm báo, anh còn ấp ủ dự định mở tủ sách cho trẻ em vùng cao. Mỗi lần về Hà Nội, Dư cần mẫn đi xin sách khắp nơi để mang đến cơ quan thường trú.

Dư ra đi khi chưa hoàn thành xong những ước mơ, dự định còn dang dở, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những đồng bào vùng cao nơi anh công tác. Những việc anh làm đã lay động trái tim và truyền cảm hứng cho những người khác, để họ tiếp bước anh làm những việc tốt đẹp cho cộng đồng, hoàn thành nốt những tâm nguyện của anh khi còn sống.

Số phận là thứ mà con người không thể can thiệp vào được. Dẫu dài lâu hay ngắn ngủi thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Nhưng chúng ta vẫn cứ sống hết mình những ngày còn được sống. Dù sinh mệnh ngắn ngủi nhưng ta cũng không lãng phí bất kỳ một phút giây nào.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Chúng ta ai cũng nuôi trong lòng những đam mê, khát khao làm những điều tuyệt vời. Thế nhưng ngọn lửa nhiệt huyết đó cứ nguội tắt dần trên con đường chúng ta trưởng thành, đối mặt với hiện thực cuộc đời. Từ ý muốn đến hành động lại có một khoảng cách khá xa, thực tế không phải ai cũng có thể vượt qua khó khăn, thử thách để làm được điều mình muốn.

Giới trẻ bây giờ nhiều người ngại công việc vất vả, nặng nhọc, chỉ thích công việc nhàn rỗi, ngồi trong văn phòng sạch sẽ, máy lạnh cả ngày. Khi nhắc đến những công việc khó khăn như Dư đã làm, nhiều người sẽ lắc đầu dè dặt, sợ khó, sợ khổ, sợ mình không thể làm được. Thế nên phải yêu nghề bao nhiêu và can đảm bao nhiêu mới có thể dấn thân vào những thử thách như anh ấy.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Ai cũng có quyền mong muốn một cuộc sống an nhàn, nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Trong bộ phim Hậu duệ mặt trời đình đám một thời, khi nhân vật bác sĩ Kang Mo Yeon hỏi đại úy Yoo Shi Jin rằng: 'Tại sao anh lại làm quân nhân?' Ý cô là nghề quân nhân vất vả, nhiều nguy hiểm, phải xa nhà thường xuyên, tại sao anh vẫn muốn làm mà không phải là một công việc nhàn hạ hơn. Anh trả lời: 'Phải có ai đó làm quân nhân chứ?' Bởi vì đâu đó trên thế giới này vẫn còn những nơi đang bị giày xéo bởi chiến tranh, bởi vì hòa bình cho thế giới chưa bao giờ trở thành hiện thực, thế nên vẫn cần những quân nhân như anh, chỉ đơn giản như vậy.

Mỗi người một lựa chọn về công việc, có thể nhàn hạ, có thể vất vả, điều quan trọng là mỗi người đều làm tốt công việc của mình, đóng góp cho xã hội. Chúng ta chưa từng trải qua những công việc khó khăn, vất vả nhưng chúng ta luôn dành sự cảm phục, ngưỡng mộ, học hỏi những tấm gương đó để ý thức mình phải sống tốt hơn, làm việc chăm chỉ hơn.

Phải có ai đó làm những công việc khó khăn thì những người khác mới có cơ hội chọn công việc nhẹ nhàng.

Nghề báo là một trong những nghề vất vả và nguy hiểm, phải tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm, trong điều kiện khó khăn. Ngoài nghề báo, còn có những nghề khác cũng được xếp vào danh sách những công việc nguy hiểm nhất. Chẳng hạn nghề thợ mỏ, những công nhân mỏ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và có nguy cư gặp rủ ro vì tai nạn lao động rất cao.

Nghề công nhân xây dựng cũng phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe. Những người làm nghề cảnh sát với nhiệm vụ phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong khi tác nghiệp. Trong khi đó, những người thợ nạo vét cống không những phải làm việc trong môi trường nguy hiểm với sức khỏe mà còn phải đủ dũng cảm để đối mặt với sự tự ti, vượt qua cái tôi bởi đây không phải là một nghề sang trọng, hào nhoáng như những nghề khác.

Không có công việc nào là cao quý cũng không có công việc nào là thấp hèn, chỉ cần đó là công việc chân chính thì đều đáng được trân trọng như nhau. Công việc nào cũng đòi hỏi những yêu cầu riêng và phải đối mặt với những khó khăn riêng. Không phải cứ dám xông pha là có thể làm những việc khó khăn, ngoài sự yêu thích, để làm một công việc nào đó cũng cần có những phẩm chất phù hợp.

Tóm lại, chúng ta hãy cứ làm tốt công việc của mình và luôn cảm thấy biết ơn những người đã làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Xã hội sẽ chẳng thể tồn tại được nếu như không có những người chịu hy sinh, chịu thiệt thòi và dám dấn thân như họ.

Xem thêm: Nghề 'hóa tượng' kiếm 2 triệu một ngày của giới trẻ Sài Gòn

>>>XEM THÊM: Thót tim với công việc nguy hiểm nhất thế giới

Hằng Nga Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/con-nguoi-doi-khi-buoc-khong-qua-so-phan-dieu-quan-trong-la-ta-da-song-the-nao.html