Con người có tìm ra thần dược trường sinh không?

Nếu có thể can thiệp sự lão hóa thành công đó sẽ là một cuộc cách mạng.

Barzilai nói với tạp chí Science ngay sau cuộc gặp với FDA. “Bạn biết đấy, đó là nhân loại! Bạn sinh ra, rồi chết, và trước đó bạn già đi... Tôi muốn nói là, ‘Tôi không quan tâm người ta muốn gọi nó là gì, nếu tôi có thể trì hoãn nó.’”

Cuộc gặp với FDA diễn ra thành công hơn mong đợi. Một nhóm đông đảo các thành viên cấp cao đến để nghe phần trình bày của nhóm TAME, và họ thật sự ấn tượng.

Các nhà khoa học rời đi sau 90 phút với sự chấp thuận của cơ quan này cho việc thử nghiệm và các mục đích của nó, nhưng với câu hỏi cuối cùng về việc chính thức chấp nhận lão hóa là một “dấu hiệu”, hay một tình trạng y khoa, để điều trị - và do đó cũng là vấn đề mà các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và công ty bảo hiểm sẵn sàng trả tiền - chờ đợi kết quả thử nghiệm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Brett Sayles/Pexels.

Một khi rào cản cuối cùng bị phá bỏ, cánh cửa sẽ rộng mở cho Big Pharma tham gia - và viễn cảnh đó với họ quả thật rất hấp dẫn. Trên cương vị Phó giám đốc của FDA, Robert Temple nhận xét sau buổi thuyết trình của TAME, “Nếu các anh thật sự có thể làm gì đó để thay đổi sự lão hóa, đối tượng quan tâm đến điều đó sẽ là tất cả mọi người. Thật sự sẽ là một cuộc cách mạng nếu họ có thể thành công.”

Một cuộc cách mạng, đúng vậy. Nhưng... sẽ không bao giờ có thần dược trường sinh duy nhất bởi chúng ta đáp ứng khác nhau với các loại thuốc, tùy thuộc vào tình trạng sinh học của mỗi người, nền tảng di truyền và môi trường tiếp xúc.

Thứ hiệu quả đối với người này lại có thể không giúp ích chút nào cho người khác. Đây là bài học rút ra từ các nghiên cứu lão hóa cả nổi bật lẫn mờ nhạt trong quyển sách này, với điều kiện ai đó phải đọc kỹ từng bài chứ không chỉ lướt qua các đề mục trông có vẻ bắt mắt.

Hãy để tôi đưa bạn quay lại Viện Buck ở California một phút nhé, và cụ thể là vào văn phòng của Pankaj Kapahi vào một buổi chiều mùa hè năm 2016. Chúng tôi lúc ấy đang trò chuyện về việc giới hạn chế độ ăn và tác dụng ấn tượng của nó lên tuổi thọ của loài ruồi giấm trong phòng thí nghiệm, có thể kéo dài gấp hai đến ba lần so với bình thường.

Sự gia tăng đáng kể tuổi thọ là tác động vượt trội của thí nghiệm với giới hạn chế độ ăn (DR), nhưng khi bạn tiến lại quan sát gần hơn, bức tranh ấy sẽ như thế nào? Kapahi cho tôi xem một vài bức poster lớn trong phòng làm việc của ông, chúng phủ đầy những chấm xanh và đỏ.

Đây là kết quả của các thí nghiệm DR tiến hành trên ruồi giấm thu thập từ các chợ địa phương. Chúng đại diện cho 200 chủng khác nhau và có sự đa dạng di truyền rất lớn.

Những “chấm đỏ” được cho phép ăn tùy thích với chế độ giàu dinh dưỡng, trong khi các “chấm xanh” ăn chế độ ăn thanh đạm. Các chấm xanh và đỏ, đại diện cho từng con ruồi giấm riêng lẻ, không hề nằm gọn theo nhóm, mà rải rác dọc theo biểu đồ, cả bên trên lẫn bên dưới đường thẳng thể hiện tuổi thọ thông thường.

“Nếu bạn là những gã này,” Kapahi nói, chỉ vào một số chấm xanh, “thì thật là tuyệt! [DR] giúp kéo dài gấp đôi, thậm chí gấp ba tuổi thọ. Nhưng nếu bạn là gã này này,” ông chỉ vào những cái chấm phân tán bên dưới đường tuổi thọ, “nó thậm chí còn rút ngắn tuổi thọ lại nữa - các chấm xanh ngày càng thấp hơn.

Tất cả chúng đều trở nên thấp hơn! Vậy đây là điều sẽ xảy ra [với bất kỳ sự can thiệp nào], đúng không? Ta không thể tiến hành thí nghiệm này trên con người, nhưng có thể làm trên loài ruồi giấm, và chúng ta có thể thấy độ biến thiên do di truyền rất to lớn.”

Kapahi bước sang một poster khác, chỉ cho tôi xem tác động của DR lên mức năng lượng của từng cá thể ruồi - được đo bằng cách lắc các ống đựng ruồi và xem chúng có thể nhảy cao bao nhiêu và bao lâu so với ngưỡng - và một lần nữa, các chấm xanh đỏ lại rải rác khắp nơi.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-nguoi-co-tim-ra-than-duoc-truong-sinh-khong-post1462123.html