Còn một chữ tình...

Mỗi người tìm đến văn chương với những lí do và những con đường khác nhau, nhưng hình như cái đích tìm đến thì khá giống nhau, đó là được sống, đào sâu trong những suy tưởng của chính mình, để có những góc riêng của mình và gửi đến người đọc những gì mình muốn nói.

Đọc những sáng tác của Bùi Tuấn Minh thấy rất rõ điều đó, những suy nghĩ về quê hương, đất nước, thế cuộc, gia đình, bạn bè... đều chất chứa, trĩu nặng tình yêu thương và trăn trở. Nếu ai chưa gặp Bùi Tuấn Minh ở ngoài đời thì hãy đọc qua sáu mươi tám bài thơ trong tập thơ mới nhất có tên "Góc địa đàng" này của anh, sẽ thấy rõ một Bùi Tuấn Minh sâu sắc, chân thành và đa mang.

"Níu chẳng nỡ, bỏ không đành
Còn ta cứ mãi lỡ xanh với mùa"

(Viết cho mình)

"Ngỡ rằng qua một cuộc say
Tưởng quên mà vẫn còn đầy trong nhau"

(Mưa bóng mây)

"Lang thang chạm phải tháng tư
Thương bông hoa gạo còn dư cuối mùa"

(Cuối trời còn lại bông hoa)

Khi đọc những bài thơ của Bùi Tuấn Minh chúng ta sẽ thấy rất rõ một điều, thơ anh bài nào cũng có một câu chuyện ở trong đó, cũng chính vì điều này mà tôi đã mạo muội nói với Bùi Tuấn Minh là anh hãy thử sức với truyện ngắn, với văn xuôi và bước đầu anh đã có thành tựu với truyện ngắn. Và truyện ngắn cũng đã mở ra thêm một cánh cửa để anh có nhiều "đất" hơn mà thể hiện, mà gửi gắm những điều mình muốn nói.

Ngoài đời Bùi Tuấn Minh là một người nghĩa tình, chỉnh chu và khá "nghiêm nghị" có lẽ là do hơn 20 năm làm việc trong môi trường giáo dục của ngành Công an. Nhưng cũng chính nhờ những yếu tố và đức tính ấy mà thơ anh chắc còn đằm sâu trong mỗi người đọc, bởi xét cho đến tận cùng đó là những đức tính căn bản nhất, là nên móng để xây dựng cho mọi mối quan hệ được tốt đẹp và bền chặt.

Bước vào con đường sáng tác nghệ thuật, mỗi người tham gia thì đều chọn cho mình mỗi con đường đi để cố gắng không giẫm trùng, không lẫn vào những dấu chân của người đi trước. Chính vì thế nên mới có những tìm tòi sáng tạo, cách tân đổi mới. Có người thì đổi mới từ bên trong nhưng cũng có người chọn cách tân về hình thức bên ngoài. Người viết nghĩ rằng muốn cách tân đổi mới gì chẳng ai cấm, nhưng hãy đi cho tận cùng dân tộc thì chắc chắn sẽ gặp nhân loại. Và hình như Bùi Tuấn Minh đang làm theo hướng đó.

Đi qua từng câu chuyện Bùi Tuấn Minh gởi vào trang thơ, độc giả lại bắt gặp từ cái riêng đến sự phổ quát dần dà dày lên theo mỗi tác phẩm. "Góc địa đàng" - nhà thơ như thổ lộ cùng bạn yêu thơ: Đây là nơi trú ngụ an lành của chính mình. Sau những gieo neo thác ghềnh cuộc người, ai rồi cũng chọn lấy cho mình một chốn an nhiên để nghĩ và ngẫm. Người viết cũng thế, có khác chăng là nếp nghĩ và nét ngẫm nó tồn tại đầy ẩn ức và trào dâng thành câu chữ. Bùi Tuấn Minh chọn cách giải thoát những điều mình giữ trong lòng bằng cách trải nó ra cho mọi người cùng chiêm nghiệm. Những câu thơ gai góc xộc thẳng vào bản ngã con người như sự đánh động về những giá trị ẩn sâu mà mỗi chúng ta đôi lúc quên hẫng.

"Đó là khi Adam nhìn thấy Eva
Giữa đôi chân họ bắt đầu có ý thức
Loài người cãi nhau cái gọi là phàm tục
Mà chẳng ai chịu khép chân ở một góc địa đàng"

(Loài Người)

Bìa tập thơ “Góc địa đàng” của Bùi Tuấn Minh.

Bìa tập thơ “Góc địa đàng” của Bùi Tuấn Minh.

Dễ dàng nhận thấy ở thơ Bùi Tuấn Minh luôn đau đáu tấc dạ về những điều lệ thường hàng ngày mỗi người đều trải qua. Không chỉ là câu chuyện của gia đình mà lan rộng ra xã hội, thế cuộc và tình người. Thơ Bùi Tuấn Minh luôn ẩn hiện những hình ảnh nhỏ nhưng đắt, tựa thể sự tìm tòi sáng tạo nào đó của anh cũng khơi nguồn từ mọi thứ thân gần xung quanh. Cảm xúc thơ có lẽ vì thế mà dạt dào và đầy đặn sự rung chạm.

Thơ không chỉ là câu chữ trải ra trên giấy, thông điệp ẩn chứa trong từng câu chữ mới chính là điều một nhà thơ hướng đến. Bùi Tuấn Minh khéo léo chọn thông điệp nhân văn, tích cực và sáng màu khiến thơ anh dễ dàng thấu cảm và bình dị, nấn ná trong lòng người đọc. Những câu thơ không trôi đi theo từng trang sách được lật qua, mà ít nhiều vẫn mang mác nhớ, vẫn nhẩn nha thuộc, như khi ta uống một chén trà ngon vậy, dẫu đôi khi cả bài dài chỉ nhặt ra dăm ba câu, nhưng chỉ cần như thế đó đã là điều đáng trân quý với một người làm thơ. Những người làm thơ luôn biết ước mơ, những ước mơ ấy vốn dĩ chỉ có thơ mới gói ghém đủ đầy và cũng chỉ có thơ mới kí thác được trọn vẹn lời lòng của họ.

"Tôi sẽ viết những lời từ đáy mắt
Những ngôn từ chỉ nói được bằng thơ"

(Giấc mơ)

Sáu mươi bài thơ này là sáu mươi cung bậc tình cảm, sáu mươi câu chuyện nhà thơ kể với chúng ta mà dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là bùn bãi sông hồ của quê hương ruộng đồng Bắc bộ, là trái tim giàu lòng trắc ẩn của tác giả. Đó là lời nói, nết ăn, nết ở, cách cư xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, giữa nhà thơ với những điều diễn ra trước mắt, nhưng kết lại cuối cùng còn một chữ TÌNH. Và tôi gọi đó là thơ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/con-mot-chu-tinh--i669976/