Cơn lũ đi qua, nỗi đau còn đó...

Yên bái là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Trường học bị ngập nước, nhiều giáo viên bị sập đổ nhà cửa, tài sản bị nước cuốn trôi. Trong phút chốc họ đã trở thành những người trắng tay. Cơn lũ đi qua, nỗi đau còn đó với nhiều giáo viên nơi đây

Trước mưa lũ, tại ví trí này là ngôi nhà khang trang của gia đình cô Định Thị Hảo.

Trắng tay trong phút chốc

Chúng tôi mong muốn nhận được sự chung tay, giúp sức của các cá nhân, tập thể, các cơ quan, doanh nghiệp đối với ngành Giáo dục Văn Chấn nói chung và các gia đình giáo viên bị thiên tai nói riêng, nhằm khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống để tiếp tục sự nghiệp “trồng người.

Bà Nguyễn Thị Tám

Trong số đó có gia đình cô giáo Đinh Thị Hảo – Trường mầm non Hoa Sen (Thị Xã Nghĩa Lộ, Yên Bái). Mưa lũ đã cuốn trôi hoàn toàn 7 gian nhà ngói, các công trình phụ và toàn bộ tài sản trong nhà. Thiệt hại ước tính 700 triệu đồng.

Cô Đinh Thị Hảo kể lại: “Rạng sáng ngày 11/10, khi cả nhà đang ngủ, tôi nghe thấy tiếng lộc cộc của sỏi đá, tiếng chó sủa ầm ĩ. Tôi tỉnh dạy, vừa bước chân xuống giường thì giật mình thấy nước tràn vào nhà.

Tôi gọi cả nhà dạy, thấy nước lên rất nhanh, cả nhà hô hào chạy ra ngoài, để kịp thoát thân nên không kịp mang theo bất cứ đồ đạc gì trong nhà.

Vừa bước chân ra khỏi nhà thì lũ tràn vào ầm ầm, ngoảnh lại chỉ thấy mênh mông biển nước. Nhìn thấy ngôi nhà của gia đình bị lũ cuốn trôi mà không làm gì để cứu vớt được, chỉ biết ôm mặt khóc”.

Được biết, gia đình cô Đinh Thị Hảo cũng là một trong những gia đình giáo viên khó khăn. Chồng thì bị ốm, các con chưa có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Trang trải cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương giáo viên của cô. Sang năm 2018, cô cũng đủ tuổi về hưu, nay gia đình lại trắng tay sau lũ khiến cuộc sống phía trước sẽ càng thêm khó khăn, vất vả.

Hiện nay, gia đình cô mỗi người phải đi ở nhờ một nơi. Con dâu và cháu nội mới đẻ thì sang ở nhà người bác họ ở nhờ, 2 vợ chồng chị thì ở nhờ các nhà hàng xóm.

“Giờ đây tôi chỉ mong chính quyền địa phương và các cấp, các ngành hỗ trợ gia đình tôi trong lúc khó khăn, hoạn nạn, để gia đình sớm ổn định cuộc sống”- cô Đinh Thị Hảo trải lòng.

May mắn hơn một chút so với gia đình cô Đinh Thị Hảo, vợ chồng thầy giáo trẻ Nguyễn Vũ Tú – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) vẫn còn giữ lại được ngôi nhà, nhưng tài sản trong nhà đã trôi theo dòng nước lũ.

"Khoảng 5 giờ sáng ngày 11/10, nước tràn vào nhà. Chỉ sau 10 phút, trong nhà nước đã ngập ngang người, tương đương 1,50m. Bên ngoài đường, ngập sâu khoảng hơn 2m.

Tôi chỉ kịp đưa vợ con thoát nạn qua dòng nước lũ mà không kịp sơ tán tài sản. Sau lũ, bao nhiêu đồ đạc trong nhà bị cuốn trôi hết. Một số thiết bị điện tử trong nhà còn lại thì bị hư hỏng” – Thầy Nguyễn Vũ Tú ngậm ngùi kể lại.

Được biết, hai vợ chồng thầy Nguyễn Vũ Tú đều làm giáo viên. Vợ thầy là cô giáo Phạm Thị Hải Trang – giáo viên Trường THCS Sơn A (Văn Chấn). Hai vợ chồng trẻ vừa mới xây dựng gia đình và có một đứa con.

Năm ngoái, vợ chồng thầy gom góp tiền, cùng với sự giúp đỡ của thân nên đã cất được ngôi nhà kiên cố khang trang và mua sắm được một số vật dụng, nay đã mất sạch bởi mưa lũ.

Bà Nguyễn Thị Tám tặng quà, hỗ trợ cho gia đình bị thiệt hại bởi mưa lũ.

Cần lắm những tấm lòng...

Theo ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng GD&ĐT Văn Chấn (Yên Bái), trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, mặc dù hệ thống trường lớp của ngành Giáo dục huyện Văn Chấn không bị thiệt hại nghiêm trọng nhưng đời sống của gia đình các giáo viên bị ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ.

Theo đó, nhà của 20 cán bộ, giáo viên ở khu vực các xã Sơn A, Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ bị lũ gây ngập lụt, cuốn trôi tài sản, giấy tờ.

Ước tính sơ bộ giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng trên 500 triệu đồng (trong đó tài sản trong nhà bị thiệt hại do lũ ngập, cuốn trôi trị giá trên 475 triệu; 1 xe máy của giáo viên bị cuốn trôi trên đường đến trường trị giá 25 triệu đồng). Mưa lũ cũng cuốn trôi 1 giáo viên mầm non, hiện đã tìm thấy thi thể của cô giáo trẻ xấu số và 1 học sinh mầm non vẫn bị mất tích.

Ngay sau mưa lũ, Phòng GD&ĐT Văn Chấn đã chỉ đạo các trường đã khắc phục hậu quả để sớm ổn định trường, lớp. Phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ đã được phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn áp dụng triệt để nhằm khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Theo đó, các đơn vị trường học đã huy động toàn bộ giáo viên trong trường, phối hợp với các đơn vị kết nghĩa, các đơn vị bộ đội đến lao động, tổng vệ sinh trường lớp và tu sửa kịp thời những hỏng hóc nhỏ. Đến nay, công tác khắc phục cơ bản đã hoàn tất. Hiện các trường đã ổn định việc dạy – học theo kế hoạch.

"Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và có những hộ trợ cho các thầy, cô giáo. Trước mắt, với các gia đình bị thiệt hại sẽ đã được hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng, tùy từng mức độ thiệt hại. Số tiền hỗ trợ này được các đoàn viên công đóng quyên góp ủng hộ" - ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn cho hay.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tám – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Yên Bái, Sở GD&ĐT cũng thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở nắm tình hình và tới động viên, thăm hỏi các gia đình cán bộ giáo viên, học sinh bị lũ cuốn trôi, mất tích và thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra. Công đoàn ngành cũng đã trích 46 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Hiện nay, Công đoàn Ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm, các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ cho các trường, cán bộ, giáo viên bị thiệt hại để sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Tám

Minh Phong (tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/con-lu-di-qua-noi-dau-con-do-3903373-v.html