Còn lơ là trong quản lý vật nuôi

Hiện nay, tình trạng chó chạy rông không có xích, không đeo rọ mõm diễn ra khá phổ biến ở các khu dân cư và nơi công cộng trên địa bàn Đồng Nai.

Chó thả rông trên đường vào khu dân cư Phúc Hiếu (KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Dù cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc nuôi chó nhưng thực tế, nhiều chủ nuôi chưa chấp hành, việc lơ là trong quản lý vật nuôi tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm cho người khác.

* Vô tư thả rông chó nơi công cộng

Khi đi qua các khu dân cư, các tuyến đường lớn, nhỏ trong tỉnh, rất dễ bắt gặp tình trạng chó thả chạy rông khắp nơi. Không chỉ ở các địa bàn nông thôn mà ở các phường: Hiệp Hòa, Hóa An, Trảng Dài (TP.Biên Hòa)… cũng không khó bắt gặp tình trạng chó chạy rông trong khu dân cư. Ngoài việc chó phóng uế bừa bãi, bới các bao rác gây ô nhiễm môi trường, việc thả chó chạy rông còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: cắn người, tạt ngang đầu xe gây mất an toàn giao thông thậm chí gây tai nạn cho người đi đường…

Bà Lê Thị Kim Hiền (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, chiều nào đi tập thể dục quanh công viên chung cư Topaz Twins bà cũng bắt gặp tình trạng các chủ nuôi dẫn chó ra phóng uế trên lề đường, vỉa hè… mà không mang theo dụng cụ để dọn dẹp. Hầu như không con nào được rọ mõm, đeo xích, mà được thả cho chạy tự do, thậm chí khi con chó nhào tới sủa lớn gây lo sợ cho người xung quanh mà chủ nuôi vẫn “vô tư” đứng “cười trừ”, xem như không có chuyện gì xảy ra.

“Chắc do không bị lực lượng chức năng nhắc nhở xử phạt nên nhiều người xem thường, không chấp hành các quy định về nuôi chó trong khu dân cư” - bà Hiền nói.

Chia sẻ về lý do không đeo rọ mõm, đeo xích cho chó khi đưa chúng đến những nơi công cộng, một số chủ nuôi “vô tư” giải thích chó của mình “hiền lắm”, đã tiêm ngừa đầy đủ, chưa bao giờ cắn ai… Chính suy nghĩ chủ quan và xem thường các quy định hiện hành của người nuôi chó đã gây ảnh hưởng không ít đến những người xung quanh.

Ẩn họa lớn nhất gây bất an cho nhiều người là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chó tấn công người tại một số tỉnh lân cận khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng như: Vụ việc chó pitbull cắn chết bé trai 8 tuổi (ngụ ấp 2, xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) xảy ra ngày 22-7; vụ bé 3 tuổi ở xã Châu Thôn, H.Quế Phong, tỉnh Nghệ An bất ngờ bị một con chó lao ra tấn công, cắn vào vùng đầu, mặt, tai… khiến cháu bị thương phải nhập viện vào ngày 26-7 khi đi bộ cùng mẹ…

* Vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm

Liên quan đến việc xử lý chó thả rông, Chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) Triệu Ngọc Phước cho hay, phường từng tổ chức hòa giải trường hợp hộ dân phản ảnh chó nhà hàng xóm xả thải sang nhà mình gây ô nhiễm môi trường. Riêng các trường hợp chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi thả ra ngoài thì địa phương chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn nêu rõ: chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng, người nuôi phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật…

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc do việc thả chó ra nơi công cộng mà không thực hiện các quy định đảm bảo an toàn, nhiều người đề xuất nên thành lập đội bắt chó chạy rông thuộc phường, xã, thị trấn. “Đội này cứ đi tuần tra thường xuyên trên các ngả đường, hễ thấy con chó nào chạy lông nhông ngoài đường thì “tóm”. Chỉ có như vậy chủ nuôi mới không dám thả chó ra ngoài” - bà Nguyễn Thị Anh Đài (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) nói.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một số UBND phường, xã của TP.Biên Hòa, hiện tại chưa đủ điều kiện về nhân lực và phương tiện để thành lập đội bắt chó thả rông và cũng chưa nghe nói gì về vấn đề này. Có địa phương còn cho hay, có rất nhiều hộ nuôi chó không có đăng ký với chính quyền, việc tiêm ngừa cho vật nuôi do chủ nuôi tự ý thức thực hiện, còn việc thực hiện đăng ký thì nơi có, nơi không.

Liên quan đến việc xử lý chó thả rông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh dại. Theo đó, tại Phụ lục 15 của thông tư nêu rõ: UBND cấp xã có trách nhiệm quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi… Tuy nhiên, hiện nay chưa có địa phương nào trong tỉnh có đội chuyên đi bắt chó thả rông.

“Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đang tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh Kế hoạch phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tập trung những giải pháp khống chế và loại trừ bệnh dại trên địa bàn, giải pháp tiêm vaccine phòng bệnh, quản lý đàn chó và kiểm soát chó chạy rông. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện riêng và chi cục sẽ hướng dẫn chuyên môn” - ông Giang cho biết.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202208/con-lo-la-trong-quan-ly-vat-nuoi-3128845/