Con không muốn làm máy nghiền thức ăn

Trong khuôn khổ chiến dịch 'Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng', Ngày 21/10, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức tọa đàm chia sẻ về Dinh dưỡng với chủ đề 'Con không muốn làm máy nghiền thức ăn'.

Chia sẻ về dinh dưỡng hợp lý

Suy dinh dưỡng do kém hiểu biết

Theo Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, có rất nhiều trường hợp trẻ ăn rất tốt nhưng lại gầy còm. Nguyên nhân chính là do trẻ ăn nhiều lượng nhưng ít chất, và đơn điệu, khiến cho cơ thể mất cơ hội nhận và hấp thụ các thực phẩm khác, dẫn đến thiếu chất và không có sự tăng trưởng toàn diện.

Trong khi đó, cũng có 1 số lượng không nhỏ trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở thành thị đối mặt với nguy cơ bị béo phì.

"Có tới 65% các bậc cha mẹ cho con ăn không đúng cách" (2015). Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thèm ăn tự nhiên, thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ, và về lâu dài tác động xấu tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Việc cho con ăn không đủ chất, thừa chất hoặc không đúng cách thậm chí tạo nên xung đột trong mối quan hệ giữa cha mẹ/người chăm sóc trẻ và trẻ em.

Trước thực trạng đó,Tọa đàm “Con không muốn làm máy nghiền thức ăn”đã chia sẻ về các vấn đề lượng và chất cũng như các thực hành,”mẹo” trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho con trẻ từ 5 – 12 tuổi.

Toạ đàm có sự tham gia của các khách mời là PGS.TS Trần Đình Toán – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng và MC Minh Trang - MC/ Biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Mầm nhỏ.

Nâng cao nhận thức về dinh dưỡng

"Có tới 65% các bậc cha mẹ cho con ăn không đúng cách" (2015). Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thèm ăn tự nhiên, thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ, và về lâu dài tác động xấu tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Bà Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết:  “Mong muốn của chúng tôi là được cùng đồng hành với các gia đình có trẻ nhỏ, trường học và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về việc cung cấp cho trẻ em nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, cũng như các phương pháp ăn uống khoa học.

Đồng thời, chúng tôi muốn tiếp thêm động lực để trẻ em hiểu và mạnh dạn lên tiếng về Quyền Dinh Dưỡng của mình, cũng như để các bậc phụ huynh/nhà trường và cộng đồng hiểu rõ hơn về trách nhiệm trong vai trò là người chăm sóc các em.

Chiến dịch cũng hướng tới sự thay đổi trong tư duy và hành động của cả xã hội, để cùng tuyên truyền và vận động nâng cao nhận thức về những “Bữa ăn thông thái – Ươm mầm tương lai.”

Tọa đàm giúp phụ huynh nuôi con đúng cách

Dinh dưỡng luôn là vấn đề được cha mẹ chú trọng khi chăm sóc con trẻ. Cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng thể hiện trách nhiệm và tình thương của các bậc phụ huynh đối với thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách cho con cũng không phải là việc dễ dàng đối với cha mẹ. Do đó, cha mẹ có thể mắc phải một số “lỗi” phổ biến khi chăm sóc con như cho con ăn tập trung vào lượng, bỏ qua chất; cho con ăn nhiều quà vặt, đồ ăn nhanh; vì lo lắng cho sức khỏe của con mà ép con ăn bằng mọi cách…

Việc  ép con ăn cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà cha mẹ có thể không lường trước được. Trẻ bị ép ăn có thể khiến trẻ sẽ sợ hãi, ngày càng biếng ăn hơn, không hứng thú còn làm giảm khả năng hấp thụ của bé, khiến bé còi cọc, chậm lớn.

Bị ép ăn còn tạo ra những thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ sau này. Và ngoài ra, “ép con ăn” cũng ở một khía cạnh cũng xâm phạm đến các quyền của trẻ em

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết:“Chúng tôi mong muốn tọa đàm sẽ mang đến những kinh nghiệm và mẹo nhỏ bổ ích, giúp cha mẹ dần dần giải được “bài toán” khó về dinh dưỡng cho con, làm sao cho con ăn mà không cần phải dùng đến các biện pháp để ép con. Vẫn biết cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con, vậy cũng cần biết tốt như như thế nào cho hợp lý và đúng cách, vì lợi ích và sự phát triển tốt nhất của trẻ, và đặc biệt là ngăn chặn hành vi xâm hại đến quyền trẻ em”.

Minh Châu

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/con-khong-muon-lam-may-nghien-thuc-an-3903511-v.html